Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 22:11
Chủ nhật, 09/04/2023 06:04
TMO - Chương trình Mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) được xem là nhiệm vụ trọng tâm nằm trong khuôn khổ Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Cao Bằng. Thời gian qua, địa phương này đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương, từ đó thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển toàn diện.
Chương trình OCOP đến nay đã thu được những kết quả đáng kể, khi góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, thúc đẩy và nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa. Từ đó nâng cao thu nhập và đời sống vật chất tinh thần cho người dân, phù hợp với phòng trào xây dựng nông thôn mới cũng như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Cao Bằng có khoảng 150.000ha đất có khả năng phát triển nông nghiệp, diện tích cây trồng chính gần 90.000ha, chủ yếu là cây lương thực; nhiều vùng sinh thái và gắn liền với các cây trồng, đặc hữu mà các địa phương khác không có hoặc nếu có thì chất lượng khác hẳn. Toàn tỉnh hiện có 5 làng nghề hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, 149 HTX và 1 liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp… Đây là những lợi thế để các tổ chức, cá nhân sản xuất những sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế tham gia Chương trình OCOP, tạo nên những sản phẩm có giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường.
Nông sản đặc trưng đặc biệt của tỉnh là các sản phẩm OCOP được quảng bá rộng rãi, đẩy mạnh tiêu thụ tại các Hội chợ, chương trình...
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 97 sản phẩm OCOP (9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 88 sản phẩm đạt OCOP 3 sao) thuộc 5 nhóm sản phẩm, gồm: 77 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 10 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 3 sản phẩm thuộc nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, 4 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Có 67 chủ thể thực hiện (22 HTX, 1 tổ hợp tác, 14 doanh nghiệp và 30 hộ sản xuất, kinh doanh).
Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm trở lên được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên. Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt nội dung, hoạt động của chương trình; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm OCOP; tập trung hoàn thiện, nâng cấp những sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương và phát triển các sản phẩm đăng ký mới.
Để nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP, tỉnh tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm bằng nhiều hình thức như: tăng cường tuyên truyền thông qua các loại hình truyền thông để làm rõ mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Chương trình OCOP về phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo, lao động, nguyên liệu và văn hóa địa phương…); tổ chức các lớp tập huấn gắn với thực hiện chu trình OCOP cho các chủ thể OCOP, chú trọng các yêu cầu về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu, kỹ năng về thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ, truy suất nguồn gốc sản phẩm…, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể về việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, giá trị và thương hiệu của sản phẩm OCOP. Hướng dẫn các chủ thể OCOP về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho sản phẩm OCOP. Tổ chức triển khai các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo về phát triển sản phẩm OCOP gắn với đổi mới công nghệ, thiết kế bao bì sản phẩm cho thanh niên, phụ nữ và người dân nông thôn.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm.
UBND tỉnh Cao Bằng yêu cầu các địa phương chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.
Tổng hợp đến nay cả nước có 9.160 sản phẩm OCOP của 4.704 chủ thể sản xuất OCOP, trong đó 1.818 HTX (chiếm 38,6%), 1.194 doanh nghiệp (25,4%), còn lại 1.563 cơ sở sản xuất (chiếm 33,2%) và các tổ hợp tác…Đặc biệt có trên 30% chủ thể OCOP là nữ giới, được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao. Chương trình OCOP góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn, kể cả du lịch nông thôn, bản sắc văn hóa địa phương cũng đang có bước khởi sắc.
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, toàn quốc phấn đấu đến năm 2025 ít nhất có 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 - 500 sản phẩm đạt chứng nhận 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng, ưu tiên phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu và phát triển du lịch nông thôn.
Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường; góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Bên cạnh đó, Chương trình OCOP đã thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với phụ nữ.
Đức Hải
Bình luận