Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 05:01
Thứ tư, 08/06/2022 12:06
TMO - Ngày Đại dương thế giới năm 2022 (ngày 8/6) có chủ đề là “Hồi sinh: cùng hành động vì đại dương”, thể hiện tầm quan trọng của các hoạt động phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức giúp hồi sinh đại dương, phục hồi các hệ sinh thái biển bị suy thoái, bảo tồn tài nguyên và môi trường biển với mục tiêu phát triển bền vững.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, đại dương bao phủ hơn 70% diện tích Trái đất, được xem là “lá phổi xanh” khổng lồ cung cấp khoảng 50% lượng oxy cho hành tinh. Đại dương cũng chính là nơi hấp thụ 30% lượng khí CO2 do con người thải ra, qua đó góp phần làm giảm tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm, khai thác quá mức, các tác động của biến đổi khí hậu đang khiến các nguồn tài nguyên đại dương cạn kiệt. Khoảng 90% quần thể cá lớn trong đại dương đã biến mất, 50% số rạn san hô bị phá hủy.
Quỹ Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên, mỗi năm đại dương còn phải hứng chịu khoảng 19 đến 23 triệu tấn nhựa, trong đó số lượng rác thải nhựa dùng một lần chiếm tới 60%. Các sản phẩm nhựa trên thế giới được dự báo sẽ còn tăng gấp đôi vào năm 2040, đồng nghĩa ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa sẽ tăng gấp ba lần so mức hiện nay.
Đại dương giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời là không gian đa dạng sinh học
Việt Nam hiện là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học, một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu với các nguồn gen quý, hiếm. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học cùng với những thách thức to lớn khác như đại dịch COVID-19, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã nhấn mạnh: "Là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của nước biển dâng, Việt Nam hiểu rõ giá trị của phát triển kinh tế đại dương bền vững, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu để vừa bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho mọi người dân, vừa làm tròn nghĩa vụ bảo vệ biển và đại dương cùng cộng đồng quốc tế cho các thế hệ mai sau. Chúng tôi sẽ nỗ lực hợp tác cùng các quốc gia trong việc giải quyết và ứng phó với các thách thức toàn cầu vì một biển xanh, trong lành và một nền kinh tế bền vững".
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng: “Bảo vệ sức khỏe của các đại dương chính là bảo đảm bền vững cho giải quyết các vấn đề tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng xã hội, an ninh lương thực, sinh kế và việc làm ở nhiều quốc gia, đặc biệt đối với các quốc gia dễ bị tổn thương như các quốc đảo nhỏ đang phát triển, các quốc gia có vùng ven biển thấp.
Để bảo vệ đại dương, trái đất cho các thế hệ hôm nay và mai sau, chúng ta cần thống nhất về nhận thức và hành động để xác định đúng các rủi ro, chuyển hóa những thách thức nghiêm trọng thành những cơ hội phát triển mới, kịp thời khắc phục được những khiếm khuyết trong các mô hình phát triển trước đây
Với trách nhiệm của một quốc gia có vùng biển, đảo rộng, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế biển bền vững. Mới đây, Việt Nam hoàn thành và công bố Báo cáo Kinh tế biển xanh - Hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển Báo cáo đưa ra một số kịch bản đến năm 2030 được xây dựng cho từng ngành, lĩnh vực kinh tế biển bao gồm kịch bản cơ sở và kịch bản “phát triển bền vững” hay còn gọi là “xanh lam”, phù hợp khái niệm kinh tế biển xanh.
Bên cạnh đó, việc thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về rác thải nhựa đại dương từ phạm vi quốc gia, khu vực và toàn thế giới; khắc phục bằng được những thách thức trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ở quy mô toàn cầu trong giai đoạn tới đặc biệt được nhấn mạnh.
Việt Nam hướng đến nền kinh tế biển xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển
Ngoài ra, các quốc gia cần tích cực quản lý bền vững tài nguyên và các hoạt động trên biển như nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, vận tải biển, du lịch biển, ven biển, phát triển năng lượng dựa vào đại dương phải dựa trên cơ sở công nghệ kỹ thuật biển xanh, tiên tiến và hiện đại, nhất là sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng quốc tế.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kêu gọi các quốc gia cam kết mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để thể hiện trách nhiệm của mình vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương.
"Nếu chúng ta không có các hành động kiên quyết và mạnh mẽ kịp thời để bảo vệ đại dương tốt hơn thì nhiều vùng đảo và vùng ven biển cùng các hệ sinh thái tự nhiên trên hành tinh sẽ biến mất vào năm 2100 do mực nước biển dâng. Đây là thách thức vô cùng lớn đối với nhiều quốc gia, dân tộc. Vì vậy, phát triển kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là mệnh lệnh của tất cả chúng ta" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện nay, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) đang phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai chương trình Thành phố Sạch, Đại dương Xanh (CCBO)” nhằm mục đích ngăn chặn làn sóng ô nhiễm nhựa đại dương thông qua việc cải thiện quản lý chất thải rắn ở cấp quốc gia và địa phương.
Chương trình được thực hiện trong 5 năm (2019 - 2024) và thí điểm các giải pháp trực tiếp ở 4 thành phố tham gia dự án tại Việt Nam: Huế, Đà Nẵng, Biên Hòa và Phú Quốc. Chương trình cung cấp hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia quốc tế và trong nước, trao 600.000 đô la Mỹ (tương đương khoảng 13,6 tỷ đồng) cho các tổ chức trong nước nhằm triển khai các giải pháp bền vững và phù hợp với nhu cầu địa phương.
Thu Giang
Bình luận