Hotline: 0941068156
Thứ năm, 26/12/2024 17:12
Thứ ba, 10/12/2024 08:12
TMO – Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM đến năm 2035 phải thể hiện được tư duy hiện đại với cách nghĩ và cách làm mới. Phải có tầm nhìn chiến lược, bảo đảm tính đồng bộ với Quy hoạch tổng thể đường sắt quốc gia.
Theo đó, Kết luận của Thường trực Chính phủ về Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM đến năm 2035 nêu rõ: Hồ sơ Đề án đã được chuẩn bị công phu, có chất lượng. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao kết quả và nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP. Hà Nội, UBND TP. HCM và các cơ quan, đơn vị liên quan. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ Đề án.
Trong đó, về mục tiêu của Đề án, Chính phủ lưu ý: Thực hiện các Kết luận của Trung ương về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục thực hiện dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cụ thể: "Hoàn chỉnh mạng lưới đường (có tính kết nối với vùng Thủ Đô) và TP. HCM vào năm 2035", "tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn tại Hà Nội, TP. HCM và một số thành phố lớn khác"; Giải quyết yêu cầu thực tế về giao thông vận tải tại Hà Nội, TP. HCM; Góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới; Đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến việc lựa chọn tư vấn, nhà thầu, giải phóng mặt bằng... để bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả của Dự án.
Tàu điện trên cao - một trong những loại hình phương tiện giao thông công cộng được ưu tiên đầu tư phát triển.
Về quan điểm: Đề án phải thể hiện được tư duy hiện đại, tầm nhìn chiến lược với cách nghĩ và cách làm mới; Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị của 02 thành phố phải có tầm nhìn chiến lược, bảo đảm tính đồng bộ với Quy hoạch tổng thể đường sắt quốc gia; Đa dạng hóa hình thức huy động vốn theo hướng linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với thực tế triển khai Dự án và đa đạng hóa các nguồn lực, trong đó tăng trần nợ công và bội chi ngân sách (báo cáo cấp có thẩm quyền); Công nghệ và phương thức quản trị Dự án phải hiện đại, thông minh và hiệu quả; nghiên cứu xây dựng ngay và ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cho đường sắt đô thị bảo đảm thống nhất trong hệ thống để sử dụng chung;
Về nguyên tắc: Dự án phải được nghiên cứu kỹ, triển khai nhanh, hiệu quả; Phân cấp, phân quyền mạnh, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát khâu thực hiện; Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thực hiện ngay tại các cơ sở đào tạo trong nước đáp ứng đủ điều kiện yêu cầu, có thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài.
Bộ Chính trị đồng ý chủ trương triển khai Đề án; Đồng ý chủ trương có các cơ chế đặc thù, đặc biệt về chỉ định thầu tư vấn, giám sát và lựa chọn các nhà đầu tư, huy động nguồn lực; Giao Ban cán sự đảng Chính phủ làm việc với Đảng đoàn Quốc hội thống nhất cơ chế chính sách đặc thù cho Đề án trước khi trình Quốc hội theo quy định; Đồng ý chủ trương tăng trần nợ công lên khoảng 80% GDP và bội chi ngân sách ở mức phù hợp; Giao UBND TP. Hà Nội và UBND TP. HCM làm chủ đầu tư các dự án trên địa bàn, được sử dụng ngân sách địa phương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định.
Liên quan đến Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM đến năm 2035, tại Phiên họp thứ 3 (ngày 24/9/2024), Bộ Giao thông Vận tải cho biết, mạng lưới đường sắt đô thị ở TP. Hà Nội và TP. HCM có khổ đường 1.435mm, đường đôi. Tốc độ thiết kế 80-160km/h; hệ thống cấp điện trên cao hoặc cấp điện ray thứ 3; vận hành đoàn tàu tự động; phương tiện sử dụng đoàn tàu động lực phân tán EMU.
Dự kiến, đến năm 2035, Hà Nội và TP. HCM hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch hiện có, tổng chiều dài khoảng 580km. Năm 2045 hoàn thành khoảng 369 km (Hà Nội thêm khoảng 200km; TP. HCM thêm khoảng 168km). Năm 2060 hoàn thành thêm hơn 158km tại TP. HCM. 2 “siêu đô thị” phấn đấu đến năm 2035, đường sắt đô thị chiếm 30-35% thị phần vận tải hành khách công cộng và tăng lên 55-70% sau năm 2035.
Tại Phiên họp này, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội và TP. HCM cho biết các tuyến đường sắt đô thị đã được nghiên cứu bước đầu, chuẩn bị quy hoạch không gian ngầm, quỹ đất, tính toán các khu vực phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ dọc tuyến (TOD), kết nối với tuyến đường sắt quốc gia cũng như các đầu mối giao thông lớn.../.
ĐOÀN VINH
Bình luận