Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ bảy, 27/01/2024 07:01
TMO - Quốc đảo Palau là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn Hiệp định về Biển cả (HST) - thỏa thuận mang tính lịch sử của Liên hợp quốc nhằm bảo vệ các đại dương trên Trái Đất.
Cộng hòa Palau đã phê chuẩn Hiệp định về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia, Dù chỉ là một đảo quốc nhỏ bé với tổng diện tích 446km2 gồm tất cả 250 hòn đảo cùng khoảng 20.000 người sinh sống, song quốc gia nằm trên Thái Bình Dương này đã trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định về Biển cả, mở màn cho hiệp định được đánh giá là lịch sử này đi vào cuộc sống.
Hiệp định HST được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc thông qua vào tháng 6/2023 sau hơn 15 năm thảo luận. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ khi được 60 quốc gia phê chuẩn - mục tiêu mà các nhà bảo vệ môi trường kỳ vọng có thể đạt được vào năm 2025. Đây là một thỏa thuận về môi trường mang tính lịch sử được xây dựng nhằm bảo vệ các hệ sinh thái quan trọng đối với nhân loại.
Quốc đảo Palau là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn Hiệp định về Biển cả (HST).
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khi đó đã gọi sự kiện thông qua hiệp định này là một “thành tựu lịch sử”, theo đó tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho việc mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra các vùng biển quốc tế, vốn chiếm 60% diện tích các đại dương trên thế giới. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ khi được ít nhất 60 quốc gia tham gia ký kết phê chuẩn, mục tiêu mà cộng đồng quốc tế kỳ vọng có thể đạt được vào năm 2025.
Hiệp định về Biển cả gồm 17 Chương, 76 Điều, 2 Phụ lục với nội dung chính xoay quanh một số vấn đề gồm: Chia sẻ lợi ích nguồn gene biển; Thiết lập vùng bảo tồn biển; Đánh giá tác động môi trường; Xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ; và Vấn đề chung như cơ chế ra quyết định của hội nghị các quốc gia thành viên, thành lập, vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính.
Hiệp định được đánh giá có ý nghĩa quan trọng góp phần đạt mục tiêu bảo vệ 30% diện tích đại dương và đất liền trên thế giới vào năm 2030 như đã được các chính phủ đồng ý trong một hiệp ước lịch sử riêng biệt về đa dạng sinh học, còn biết đến với tên gọi sáng kiến 30x30, được thông qua tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Ða dạng sinh học lần thứ 15 diễn ra tại thành phố Montreal của Canada vào tháng 12-2022. Một công cụ quan trọng trong hiệp định đó là khả năng thiết lập các khu vực bảo tồn biển trong vùng biển quốc tế mà hiện nay chỉ khoảng 1% trong số đó được bảo vệ bằng bất kỳ biện pháp bảo tồn nào.
Hiệp định sẽ mở rộng phạm vi bảo vệ môi trường ra bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia, vốn đo bằng 200 hải lý (khoảng 370km) tính từ đường cơ sở. Hiệp định cũng yêu cầu nghiên cứu tác động đối với môi trường từ các hoạt động như thăm dò, khai thác vùng biển sâu. Văn kiện này do đó được coi là một yếu tố quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030.
Đức Tuấn
Bình luận