Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 11:11
Thứ năm, 28/12/2023 07:12
TMO - Trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Trị bán tín chỉ carbon từ 100 nghìn ha rừng tự nhiên thu về trên 51 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này sẽ phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng.
Kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+) là hướng đi mới để phát triển kinh tế lâm nghiệp của các địa phương có rừng trong giai đoạn hiện nay. Tín chỉ carbon rừng được tạo ra từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng.
Năm 2022, Chính phủ có nghị định về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải - bán tín chỉ carbon và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, Bộ NN&PTNT chuyển nhượng 10,2 triệu tấn CO2 vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương đã nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ Carbon thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế.
Quảng Trị là một trong 6 địa phương Bắc Trung Bộ được thí điểm nhận nguồn tiền từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Ảnh: HT.
Bắt đầu từ năm 2023, Quảng Trị là một trong 6 địa phương Bắc Trung Bộ được thí điểm nhận nguồn tiền từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng với tổng 51,5 triệu USD từ Quỹ Carbon thông qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế chuyển đến các tỉnh theo quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, đây là khu vực rừng tự nhiên, khoảng 100 ha do tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Ruộng xã Hướng Tân huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị bảo vệ chăm sóc.
Khu rừng này được chủ rừng đánh giá có độ che phủ và mật độ đông đặc của rừng tự nhiên đạt tiêu chuẩn. Trung bình mỗi ha rừng như thế này sẽ được chi trả khoảng 120 ngàn đồng từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Trong giai đoạn 2023 đến 2025 Quảng Trị có hơn 100 nghìn ha rừng tự nhiên, trong đó có khoảng trên 20 nghìn ha là rừng tự nhiên do các tổ bảo vệ rừng cộng đồng nhận khoán bảo vệ.
Trước đó, Quảng Bình cũng đã được nhận được nguồn tiền từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng để tạo thêm nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng. Tỉnh Quảng Bình đã chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2, được chi trả khoảng 235 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025. Riêng năm 2023, Quảng Bình được nhận 82,4 tỷ đồng (cao thứ 2 trong 6 tỉnh của khu vực).
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong năm 2023 đánh dấu một cột mốc rất quan trọng, lần đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực lâm nghiệp đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).
Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ. Trong số sáu tỉnh này, Nghệ An là tỉnh được giải ngân hơn 282 tỉ đồng, tiếp đến là Quảng Bình với hơn 235 tỉ đồng, Thanh Hóa 162 tỉ đồng, Hà Tĩnh 122 tỉ đồng, Thừa Thiên Huế 107 tỉ đồng và Quảng Trị hơn 51 tỉ đồng.
Nguồn kinh phí từ tín chỉ carbon rừng sẽ phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng.
Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,7 triệu ha, đạt tỉ lệ che phủ trên 42%. Tháng 2-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và WB đã ký “Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ” giai đoạn 2018 - 2024. Khu vực Bắc Trung Bộ gồm sáu tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có hơn 3,1 triệu ha đất có rừng với độ che phủ 57,4% (chiếm hơn 21,2% diện tích rừng cả nước). Bộ NN&PTNT cho biết việc chuyển nhượng, thương mại tín chỉ carbon rừng sẽ huy động bổ sung nguồn tài chính để tái đầu tư vào rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho các chủ rừng, người dân nông thôn; bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
Đến nay, ước tính có khoảng 25 triệu người, với trên 12 triệu là đồng bào dân tộc thiểu số đang sống gần rừng hàng ngày thực hiện hoạt động hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ rừng. Ngoài ra, hoạt động lâm nghiệp còn được thực hiện tại các khu công nghiệp chế biến lâm sản, các làng nghề sử dụng các nguyên liệu từ rừng để chế biến lâm sản. Những kết quả này cho thấy ngành Lâm nghiệp không những có đóng góp vào GDP (tổng sản phẩm trong nước) hay GVA (tổng giá trị gia tăng) mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp đầu vào cho các ngành kinh tế khác phát triển.
Bùi Hằng
Bình luận