Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 16:11
Thứ sáu, 17/03/2023 14:03
TMO - Tỉnh Quảng Trị đã phát huy tiềm năng nhất là điều kiện tự nhiên, khí hậu đất đai, biến những khó khăn thành lợi thế để phát triển năng lượng trên địa bàn.
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, những năm gần đây bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu trở thành những vấn đề quan tâm của Việt Nam cũng như toàn cầu, Chính phủ đã kịp thời, nhạy bén ban hành nhiều quyết sách, chủ trương nhằm khuyến khích phát triển các loại hình năng lượng tái tạo. Đây chính là cơ hội và bước ngoặt để tỉnh Quảng Trị nhận diện rõ hơn về tiềm năng, lợi thế vượt trội của địa phương.
Kế quả khảo sát cho thấy, tiềm năng phát triển năng lượng đạt công suất hơn 14.000 MW, trong đó những lĩnh vực tiềm năng nhất là điện gió, điện mặt trời, điện khí. Giai đoạn 2016-2021, tỉnh có 19 dự án điện gió với tổng công suất đặt 714 MW, đưa vào vận hành thương mại 671,1 MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 127 MW và 11 dự án thủy điện với tổng công suất 167,5 MW cũng đã đưa vào vận hành thương mại.
Tổng công suất đã hoàn thành công tác xây lắp trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là 1.008,5 MW (chưa bao gồm khoảng 100 MW hệ thống điện mặt trời mái nhà). Bên cạnh vai trò đóng góp vào ngân sách địa phương, các dự án năng lượng trên địa bàn tỉnh còn góp phần đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông khoảng 100 km, tạo việc làm cho 681 lao động, trong đó có 558 lao động địa phương, cải thiện sinh kế, an sinh xã hội cho địa phương...
Tỉnh Quảng Trị khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, hình thành các khu vực năng lượng điện gió.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị còn 12 dự án điện gió với tổng công suất 454 MW, 1 dự án nhiệt điện than 1.320 MW, 1 dự án điện khí LNG 1.500 MW, 1 dự án Nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp 340MW và gần 100 MW các dự án thủy điện đã được phê duyệt quy hoạch, đang triển khai đầu tư. Tỉnh Quảng Trị cũng đã chủ động trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, đưa vào Quy hoạch điện VIII 60 dự án điện gió trên bờ với tổng công suất 4.600 MW, 3 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2.600 MW, 19 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.400 MW, hơn 2.000 MW các dự án thủy điện tích năng và khoảng 4.500 MW các dự án điện khí.
Địa phương này cũng có nhiều chiến lược kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất và đầu tư các dự án năng lượng trên địa bàn; tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện…; Đồng thời, tập trung quy hoạch, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải kết nối trong nước và các nước lân cận nhằm phấn đấu hoàn thành và phát điện thương mại khoảng 2.500 - 3.000 MW giai đoạn đến năm 2025 và khoảng 9.500 MW giai đoạn đến năm 2030.
Các dự án điện mặt trời đóng vai trò quan trọng trong nguồn cung năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả nổi bật quá trình triển khai các dự án năng lượng vẫn còn gặp những trở ngại, khó khăn như các rào cản liên quan tới cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện… đã hạn chế việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo để đưa nguồn điện vào sử dụng. Quá trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án còn nhiều khó khăn, vướng mắc do các văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ và chưa phù hợp; khó khăn trong công tác xác định giá và lập phương án bồi thường; việc quản lý đất đai còn một số hạn chế, bất cập dẫn đến tranh chấp, khiếu nại trong nhân dân.
Nhằm tháo gỡ những bất cập trên, đồng thời tạo động lực triển khai hiệu quả mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung, tỉnh Quảng Trị kiến nghị Quốc hội sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, phù hợp với thực tiễn phát triển; nghiên cứu luật hóa một số chính sách ưu đãi cho dự án khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực năng lượng; sớm hoàn thiện quy hoạch liên quan đến phát triển năng lượng…
Ban hành các quy định, cơ chế khuyến khích như áp dụng biểu giá FIT hay cơ chế thanh toán bù trừ (NEM) để tạo thuận lợi cho việc thu hút có hiệu quả nguồn vốn vào lĩnh vực này. Để Quảng Trị hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng miền Trung, kiến nghị sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Thời gian tới, tỉnh Quảng Trị tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, nhất là điều kiện tự nhiên, khí hậu đất đai, biến những khó khăn thành lợi thế để phát triển năng lượng trên địa bàn. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo công tác lập quy hoạch, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, điện gió, giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư, đồng thời ban hành một số văn bản liên quan đến điện lực và năng lượng để chỉ đạo, điều hành.
Lê Minh
Bình luận