Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 02:01
Chủ nhật, 04/06/2023 07:06
TMO - Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/2/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng được triển khai đồng bộ góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân đối với các cấp ủy, chính quyền các địa phương về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân miền núi.
Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 20/3/2017 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện.
Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, phát triển xanh, tuần hoàn sau khi Luật Lâm nghiệp có hiệu lực năm 2019. Công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp được quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm việc dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, trong công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến rõ nét, tình trạng vi phạm pháp luật lâm nghiệp giảm cả số lượng và mức độ; diện tích rừng tự nhiên được duy trì và bảo vệ tốt.
Chỉ thị số 13-CT/TW đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Cơ cấu cây trồng trong lâm nghiệp đã có chuyển biến theo hướng tăng diện tích cây bản địa, cây gỗ lớn cùng với việc đưa các giống cây trồng lâm nghiệp mới, có chất lượng tốt đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng.
Tỉnh đã triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch phát triển lâm nghiệp gắn với quy hoạch, định hướng phát triển KT-XH của địa phương. Đồng thời, quản lý chặt chẽ rừng ngập mặn, lập quy hoạch tổng thể và xây dựng kế hoạch sử dụng đất, tài nguyên vùng bãi triều hợp lý; duy trì trồng rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, ven sông bằng công nghệ mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả rừng trồng mới, nhất là tại khu vực Tuần Châu, vịnh Cửa Lục…
Giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh trồng được 73.746ha rừng tập trung, năng suất rừng trồng đạt 17,8m3/ha/năm.
Trong 5 năm qua triển khai Chỉ thị số 13-CT/TW, tỉnh đã huy động được trên 444 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác và nâng cao chất lượng, năng suất trồng rừng. Giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh trồng được 73.746ha rừng tập trung, tăng hơn so với giai đoạn 2011-2016, tổng sản lượng gỗ khai thác đạt 3,16 triệu m3; năng suất rừng trồng đạt 17,8m3/ha/năm.
Riêng 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh trồng rừng tập trung ước đạt 5.972ha, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, lim, giổi, lát ước đạt 382,1ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước đạt 265.000m3, tăng 12,9% so với cùng kỳ 2022. Diện tích rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 68,4% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó có 370.213 ha đất có rừng, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành trong cả nước, tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2022 đạt 55%.
Trong năm 2022 toàn tỉnh đã trồng được 2.288ha rừng lim, giổi, lát. Các địa phương cũng chủ động xây dựng Đề án trồng rừng bằng các loài cây lim, giổi, lát giai đoạn 2022-2025 tại các khu vực có điều kiện phù hợp, đảm bảo mỗi khu vực trồng tập trung có diện tích từ 10ha trở lên. Mục tiêu của tỉnh trồng tối thiểu 2.000ha lim, giổi, lát trong năm 2023 và phấn đấu đến năm 2025 trồng mới ít nhất 5.000ha rừng cây gỗ lớn lim, giổi, lát.
Công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp cũng được tỉnh quan tâm. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai 22 nhiệm vụ liên quan đến công tác khảo nghiệm giống, chuyển giao công nghệ sản xuất giống công nghệ cao, bảo tồn gen. Đến nay, toàn tỉnh có 44 vườn ươm cố định, 201 vườn ươm tạm thời, trong đó có 2 cơ sở nuôi cấy mô. Công tác tiếp nhận giống cây trồng lâm nghiệp được thực hiện chặt chẽ thông qua việc cấp giấy chứng nhận nguồn gốc lô cây con và giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống.
Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; theo dõi, giám sát tài nguyên rừng được thực hiện hiệu quả; việc đưa các giống cây trồng lâm nghiệp mới có nguồn gốc xuất xứ, cây bản địa, có chất lượng tốt đã góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung cây gỗ lớn, cây bản địa của từng địa phương.
Với mục tiêu tái sinh phục hồi rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản và tăng khả năng phòng hộ từ rừng, tỉnh tiếp tục duy trì, củng cố 24.904ha rừng đặc dụng tập trung tại 6 khu rừng; đồng thời phê duyệt Đề án rà soát, xác định hiện trạng tài nguyên Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long với 2.500ha rừng tự nhiên núi đá để cập nhật vào hồ sơ quản lý rừng phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững đối với kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Tỉnh cũng khuyến khích các mô hình sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp bền vững gắn với phát triển các sản phẩm OCOP, tạo điều kiện cho người dân vùng có rừng và đất rừng sinh sống, làm giàu bằng kinh doanh tổng hợp nghề rừng, gia tăng giá trị từ rừng trên đơn vị diện tích. Qua đó, đã hình thành và củng cố hơn 700ha diện tích trồng cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu, trong đó nhiều dược liệu quý như: Ba kích, trà hoa vàng, cát sâm, khôi tía… 5 năm qua, toàn tỉnh đã khai thác gần 20.000 tấn lâm sản ngoài gỗ. Thực hiện Chương trình OCOP, đã có 499 sản phẩm với sự tham gia của 188 đơn vị với đa dạng sản phẩm thảo dược, dược liệu được đóng gói, như: Trà túi lọc, cao dược liệu, tinh dầu, viên nang cứng, rượu thuốc…
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng được địa phương này triển khai.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW còn một số tồn tại, hạn chế như: Các cơ chế chính sách bảo vệ phát triển rừng bền vững chưa thực sự đồng bộ và chưa đủ mạnh để tạo đột phá trong phát triển sản xuất lâm nghiệp đặc biệt là trồng mới rừng gỗ lớn; phát triển dược liệu và xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất lâm nghiệp; chưa kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, thuế... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư lớn vào lĩnh vực lâm nghiệp; các khâu từ trồng rừng, chế biến lâm sản đến tiêu thụ còn thiếu sự liên kết; phần lớn các hoạt động sản xuất lâm nghiệp có trình độ công nghệ và mức độ cơ giới hoá chưa cao; chưa triển khai được rộng rãi các hoạt động chứng chỉ rừng...
Trước những kết quả đã đạt được cũng như hạn chế còn tồn tại, Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW đề nghị tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: tiếp tục rà soát, bổ sung, ban hành mới chương trình, kế hoạch, đề án để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW trên địa bàn tỉnh; quan tâm nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch bài bản, hiệu quả.
Đồng thời, đồng chí đề nghị tập trung xử lý các vấn đề nóng, tồn đọng trong thực tiễn cuộc sống, có các giải pháp căn cơ để duy trì và nâng cao bền vững tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thực hiện phát triển rừng bền vững, gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, đất quy hoạch lâm nghiệp. Thực hiện tốt các giải pháp về an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng.
Hoàng Quỳnh
Bình luận