Hotline: 0941068156
Thứ ba, 15/07/2025 08:07
Thứ hai, 14/07/2025 12:07
TMO - Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ngành, địa phương kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm vi phạm trong giai đoạn chuyển tiếp sắp xếp đơn vị hành chính.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản, đặc biệt là bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, sai phép; không để bị gián đoạn trong thời gian hoàn thiện các quy định của pháp luật về địa chất và khoáng sản, các nhiệm vụ của chính quyền địa phương hai cấp trong giai đoạn sắp xếp, chuyển tiếp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các xã, phường và đặc khu Lý Sơn bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; xử lý khai thác, vận chuyển và mua, bán khoáng sản trái phép:
Chủ trì phổ biến và triển khai Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; lập đường dây nóng, phân công lãnh đạo, hoặc thành lập lực lượng thường trực và giao cán bộ phụ trách cụ thể theo từng địa bàn đảm bảo thông tin liên lạc 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, kịp thời xử lý hoặc phối hợp xử lý các hành vi vi phạm khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý;
Triển khai ký quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản đối với vùng giáp ranh địa giới giữa địa bàn cấp xã đảm bảo công tác xử lý hiệu quả, đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương; Tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc nhận được tin báo. Kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Môi trường) để chỉ đạo xử lý trong trường hợp không ngăn chặn được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Chủ tịch UBND xã, phường, đặc khu chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không tập trung xử lý hoặc để diễn ra kéo dài hoặc nhận được thông tin phản ánh đề nghị xử lý hoạt động trái phép đang diễn ra nhưng cố tình chậm trễ, không kịp thời triển khai nhiệm vụ;
Quản lý chặt chẽ việc đăng ký tạm trú, tạm vắng tại địa phương; kịp thời xử lý các hành vi: tạo dựng bến bãi, lán, trại, đào hầm, hào, hố, lò hoặc sử dụng vật liệu nổ để khai thác khoáng sản trái phép, tập kết khoáng sản, lập điểm tuyển quặng, thải bùn thải, nước thải, mở xưởng, nhà máy chế biến khoáng sản trái các quy định hiện hành trên địa bàn quản lý;
Đồng thời, yêu cầu khắc phục hậu quả, chỉnh trang và cải tạo phục hồi môi trường theo quy định; đối với các hành vi vượt quá thẩm quyền thì kịp thời chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; Kiểm kê và quản lý chặt chẽ phương tiện, thiết bị, công cụ, dụng cụ của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn theo quy định nhằm ngăn ngừa việc sử dụng vào mục đích khai thác khoáng sản trái phép.
Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ngành, địa phương kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm vi phạm trong giai đoạn chuyển tiếp sắp xếp đơn vị hành chính.
Đối với việc quản lý các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn: Thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn theo quy định hiện hành; xử lý vi phạm, đình chỉ hoạt động và yêu cầu tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản khắc phục hậu quả theo thẩm quyền được quy định; đôn đốc việc ký quỹ phục hồi môi trường, việc chấp hành cam kết bảo vệ môi trường;
Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND tỉnh và trước pháp luật trong việc chậm trễ xử lý, hoặc không xử lý các vi phạm của các tổ chức, cá nhân tiến hành khai thác khoáng sản khi chưa hoàn thành thủ tục, nộp tiền thuê đất, hoạt động ra ngoài mốc giới, ranh giới khu vực được phép khai thác (đối với trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa sông, cửa biển, việc cắm mốc thực hiện theo quy định của pháp luật về đường thủy nội địa hoặc hàng hải.
Trường hợp không thể thực hiện được theo quy định nêu trên thì cắm mốc gửi trên bờ sông); xử lý vi phạm và yêu cầu tổ chức, cá nhân khắc phục hậu quả đối với hành vi tập kết khoáng sản, đổ thải, tuyển quặng, mở xưởng chế biến, xả thải nước, bùn thải ra môi trường trái quy định; Sở Nông nghiệp và Môi trường Chủ động tham mưu cấp thẩm quyền xử lý đối với các Giấy phép khai thác thực hiện không đúng quy định (thu hồi, chấm dứt hiệu lực,...);
Công an tỉnh Chỉ đạo lực lượng Công an các xã, phường, đặc khu phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường, đặc khu trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trên địa bàn và kịp thời ngăn chặn, xử lý ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động khoáng sản.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, đến nay cơ bản các mỏ khoáng sản thăm dò trước đây đã được cấp giấy phép khai thác cho các doanh nghiệp. Số lượng mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực là 74 mỏ, trữ lượng khoảng 74 nghìn mét khối, trong đó có 28 mỏ đá, 7 mỏ cát, 27 mỏ đất đồi (mỏ thương mại); còn lại là mỏ đất, cát, đá cấp chỉ định cho công trình, dự án.
Cụ thể, dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua Quảng Ngãi (hơn 10 triệu mét khối đất, 2 triệu mét khối đá, 910 nghìn mét khối cát); Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi (5 mỏ cát, 6 mỏ đất), Đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (3 mỏ đất).
Đối với công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, năm 2023 - 2024, tỉnh tổ chức đấu giá 10 mỏ cát, trữ lượng gần 1,9 triệu mét khối; 13 mỏ đất (gần 6,7 triệu mét khối); 1 mỏ đá chẻ; 1 mỏ cát biển nạo vét. Hiện đơn vị trúng đấu giá đang hoàn chỉnh hồ sơ trình cơ quan chức năng thẩm định, làm cơ sở cấp giấy phép khai thác. Tuy nhiên, hiện có 4/10 mỏ cát đấu giá thành, công đơn vị trúng đấu giá xin trả lại mỏ và tỉnh đã xử phạt, hủy kết quả trúng đấu giá.
Hiện nay tỉnh đang thu hút rất nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách và triển khai nhiều dự án đầu tư công quy mô lớn, kéo theo nhu cầu khoáng sản làm vật liệu xây dựng tăng lên. Vì vậy, các sở, ngành và địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong quản lý và khai thác khoáng sản; tham mưu cấp phép khai thác khoáng sản nhanh chóng, đúng quy định; giám sát việc khai thác hiệu quả, không để thất thoát.../.
Thu Hương
Bình luận