Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ năm, 03/10/2024 14:10
TMO - Tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều giải pháp quản lý và bảo vệ rừng, trong đó chú trọng phục hồi, mở rộng diện tích rừng bằng cây bản địa.
Quảng Nam có gần 780 nghìn ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng. Rừng và đa dạng sinh học ở Quảng Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ các lưu vực, chống xói mòn đất, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng thích ứng cho các cộng đồng.
Tuy nhiên, áp lực về nhu cầu gỗ, lâm sản, đất sản xuất, công tác quản lý còn bất cập, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế…có thời gian các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam trở thành điểm nóng về nạn phá rừng nguyên sinh, bẫy bắt động vật hoang đã. Trong giai đoạn 2011- 2020, tại Quảng Nam có hơn 100 nghìn ha rừng bị mất và suy thoái do tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ gây ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái.
Rừng thuộc lâm phần quản lý của VQG Sông Thanh đang dần được phục hồi bằng các loại cây bản địa như lim, lát hoa... Ảnh: ĐN.
Những năm trở lại đây, từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng, các địa phương ở Quảng Nam đã trồng mới hàng trăm ha cây bản địa để giữ lại được những cánh rừng nguyên sinh, tái tạo những diện tích rừng đã mất góp phần cân bằng hệ sinh thái. Từ năm 2016 đến nay VQG Sông Thanh đã trồng được hơn 400ha rừng với các loại cây bản địa như lim, lát hoa, chò chỉ…
Hàng chục nhân viên bảo vệ rừng nỗ lực trồng rừng và tham gia các chiến dịch ra quân tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, cộng đồng. ngoài nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt cả vùng đệm lẫn vùng lõi vườn quốc gia, đơn vị đang tích cực cùng với người dân trồng các loại cây bản địa để phục hồi rừng tự nhiên bị chặt phá trước đây. Việc trồng rừng là hết sức cấp thiết nhằm ngăn ngừa tình trạng suy thoái rừng và phục hồi chức năng các hệ sinh thái rừng, từng bước giảm thiểu các nguy cơ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện hữu.
Rừng phòng hộ Phú Ninh có diện tích hơn 11.000 ha với 5.000 ha rừng trồng, 5.800 ha rừng tự nhiên. Rừng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở đất, bảo vệ môi trường khu vực lòng hồ Phú Ninh. Thời gian qua, rừng phòng hộ Phú Ninh bị người dân lấn chiếm để trồng keo, gây suy giảm chất lượng rừng, ảnh hưởng đến chất lượng nước của hồ thủy lợi Phú Ninh.
Chính vì thế, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chương trình, dự án triển khai ở Rừng phòng hộ Phú Ninh nhằm bảo vệ và phát triển rừng, trong đó chú trọng trồng và phục hồi rừng bằng các loài cây bản địa. Thời gian qua, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh đã cấp phát cây giống lâm nghiệp cho người dân để trồng phân tán trong vườn rừng thuộc lâm phận rừng phòng hộ Phú Ninh. Thời gian tới, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh từng bước chuyển hóa rừng trồng sang loài cây đa tác dụng, cây bản địa như tre, trám, dầu rái, lim, ươi…
Việc phục hồi rừng bằng cây bản địa được đẩy mạnh triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Tại rừng nguyên sinh ở huyện miền núi Tây Giang, cũng từ nguồn kinh phí thu được từ thủy điện, chủ rừng đã tổ chức trồng lại lim xanh, cây giổi vốn là các loài cây đặc hữu của khu vực này. Đến nay, rừng lim từ 4- 7 năm tuổi sinh trưởng rất tốt. Theo thiết kế, ở độ tuổi này thì không cần phát dọn thực bì, bón phân nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang, việc chăm sóc có thể kéo dài nhiều năm. Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Giang cho biết: Việc trồng rừng thay thế hoặc phục hồi lại các khu rừng nguyên sinh vốn bị tổn thương là nhiệm vụ rất quan trọng, được các ban quản lý rừng đang triển khai. Đơn vị thường xuyên theo dõi, giám sát đơn vị thi công thực hiện chăm sóc trồng rừng thay thế, rừng phòng hộ và khoanh nuôi tái sinh hàng năm.
Cùng với việc khôi phục diện tích rừng, Quảng Nam đã thực hiện cải tổ lực lượng bảo vệ rừng, thành lập lực lượng chuyên trách, tăng thù lao cho cộng đồng bảo vệ rừng. Ngoài ra, triển khai đề án di dời các khu dân cư sống xen kẽ trong rừng nguyên sinh hoặc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Quảng Nam được đánh giá là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ 2 cả nước với 58,88%. Đến nay, 100% diện tích rừng đặc dụng (chiếm 22% diện tích rừng tự nhiên) trên địa bàn tỉnh đã được đưa vào các khu bảo tồn. Các khu rừng tự nhiên phòng hộ đã được giao cho UBND các địa phương thực hiện quản lý rừng kết hợp quản lý đa dạng sinh học.../.
Mạnh Cường
Bình luận