Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 20:11
Thứ năm, 23/05/2024 14:05
TMO - Tỉnh Quảng Nam nghiêm cấm việc khai thác cầm chừng, gây khan hiếm vật liệu để tăng giá bán và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Nguồn cung vật liệu thiếu hụt, giá cả đắt đỏ khiến nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nguy cơ chậm tiến độ. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, việc thiếu nguồn cung đất san lấp đã ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình, dự án do Ban làm chủ đầu tư. Trong đó, hiện có 2 công trình bị ảnh hưởng rõ nét nhất là công trình Trường THPT Quế Sơn và công trình hồ chứa nước Lộc Đại, huyện Quế Sơn.
Công trình Trường THPT Quế Sơn có tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng, được khởi công trong năm 2023 và dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2025. Hiện công trình này đang thiếu khoảng 12.000m3 đất san lấp mà chưa tìm được nguồn cung cấp. Đối với công trình hồ chứa nước Lộc Đại (tổng mức đầu tư 296 tỷ đồng, khởi công vào tháng 11/2019), theo kế hoạch sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là thiếu nguồn cung cấp 630.000m3 đất san lấp nên bị trễ tiến độ, phải gia hạn tiến độ, và mới đây công trình hồ chứa nước Lộc Đại được gia hạn thời gian hoàn thành đến cuối năm 2025.
Nhiều công trình, dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nguy cơ chậm tiến độ do thiếu nguồn vật liệu san lấp.
Việc thiếu hụt đất san lấp tại tỉnh Quảng Nam thời gian qua không chỉ ảnh hưởng đến các công trình xây dựng mà còn ảnh hưởng nặng nề đến các công trình giao thông đang triển khai, nhất là tại địa bàn huyện Duy Xuyên, Thăng Bình và các huyện lân cận, nguồn vật liệu đất đắp phục vụ thi công các công trình, dự án đang khan hiếm.
Trong đó, dự án cầu Tam Tiến, huyện Núi Thành không chỉ đang gặp một số khó khăn trong giải phóng mặt bằng mà còn đối mặt với khó khăn khan hiếm vật liệu (nguồn đất để đắp), không đủ đáp ứng thi công, giá cả vật liệu thị trường tăng cao. Dự án Cầu Tây An 1 và 2 bắc qua sông Cầu Chìm, huyện Duy Xuyên là 2 công trình nằm trong Dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên được khởi công từ tháng 4/2020 và dự kiến đến tháng 4/2023 sẽ đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện 2 cây cầu này đã thi công xong các hạng mục chính nhưng vẫn không thể thi công đường dẫn lên 2 cây cầu. Nguyên nhân nguồn vật liệu thông thường như đất, cát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khan hiếm, đã gây khó khăn cho toàn dự án này, mà nhất là nguồn đất đắp đường dẫn và mố cầu Tây An 1 và 2...
Trước thực tế trên, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành công văn về thực hiện các giải pháp đáp ứng nhu cầu vật liệu (đất, đá, cát sỏi) phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giải quyết kịp thời việc thiếu hụt vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu đối với 40 mỏ có giấy phép khai thác khoáng sản đất, đá, cát, sỏi lòng sông đã được cơ quan có thẩm quyền cấp và hiện nay còn thời hạn khai thác phải tổ chức khai thác khoáng sản đảm bảo công suất theo giấy phép được cấp, nghiêm cấm việc khai thác cầm chừng, gây khan hiếm vật liệu để tăng giá bán; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với các điểm mỏ vật liệu mà các địa phương đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và phê duyệt kết quả đơn vị trúng đấu giá, Sở TN&MT và Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung phối hợp với các địa phương đôn đốc, hướng dẫn, sớm tham mưu giải quyết các thủ tục về thăm dò khoáng sản, đất đai, đầu tư, cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo đúng quy định để sớm đưa các mỏ vào hoạt động, đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng trên địa bàn.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ mỏ tổ chức khai thác khoáng sản đảm bảo công suất theo giấy phép được cấp, nghiêm cấm việc khai thác cầm chừng, gây khan hiếm vật liệu...
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu đối với 22 điểm mỏ vật liệu đất, đá, cát sỏi trên địa bàn các huyện, thị xã: Quế Sơn, Đại Lộc, Phú Ninh, Tiên Phước, Phước Sơn, Tây Giang, Điện Bàn đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục và phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản và giá khởi điểm thì UBND các huyện, thị xã khẩn trương tổ chức đấu giá để lựa chọn và hướng dẫn đơn vị trúng đấu giá thực hiện các bước thủ tục tiếp theo để sớm được cấp phép, đưa mỏ vào hoạt động khai thác.
Đối với các điểm mỏ vật liệu đã được UBND tỉnh phê duyệt khoanh định không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và Sở TN&MT đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, cấp giấy phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản (đất san lấp khu vực Hóc Tra, xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên; đất san lấp khu vực Hố Dứa, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên; đất sét khu vực Hố Thác, xã Quế Long, huyện Quế Sơn), UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh tập trung theo dõi, yêu cầu các đơn vị được lựa chọn (cũng là nhà thầu thi công công trình) khẩn trương hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan để được cấp giấy phép khai thác khoáng sản, sớm đưa mỏ vào hoạt động, cung cấp kịp thời nguyên vật liệu phục vụ thi công công trình. Đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm đối với đơn vị chậm trễ, không tích cực thực hiện thủ tục, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình.
Trường hợp có vướng mắc trong quá trình giải quyết các thủ tục về đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các mỏ vật liệu, các Ban Quản lý dự án và các đơn vị phải tích cực phối hợp với chính quyền địa phương để vận động Nhân dân ủng hộ thực hiện; kịp thời báo cáo UBND các huyện và Sở Tài nguyên và Môi trường để chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ.
Mạnh Dũng
Bình luận