Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ tư, 13/12/2023 13:12
TMO - Tỉnh Quảng Nam đang đặt mục tiêu đột phá phát triển kinh tế vườn và kinh tế trang trại, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân; hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm qua kinh tế vườn, kinh tế trang trại được các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam quan tâm. Trong đó, HĐND tỉnh khóa VII, VIII đã ban hành các Nghị quyết hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại (Nghị quyết số 53/2006/NQ-HĐND ngày 04/5/2006 về tiếp tục phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2006 - 2010; Nghị quyết số 66/2012/NQ-HĐND ngày 14/12/2012 về cơ chế hỗ trợ phát triển một số cây trồng gắn với kinh tế vườn - kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2013 – 2016).
Cùng với việc thực hiện các cơ chế của tỉnh, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, ưu tiên, bố trí nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại; các mô hình kinh tế vườn rừng, vườn đồi đã phát huy hiệu quả, đóng góp quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế; sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; thiếu các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế vườn, kinh tế trang trên trên địa bàn, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại giai đoạn 2021-2025 với quy định vườn và quy mô diện tích vườn, với 09 nội dung hỗ trợ chung đối với kinh tế vườn, kinh tế trang trại (Chi thông tin, tuyên truyền về kinh tế vườn, kinh tế tập thể; chi hội nghị, hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, chủ vườn, chủ trang trại; chi tham quan, học tập kinh nghiệm về kinh tế vườn, kinh tế tập thể trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho các sản phẩm từ kinh tế vườn, kinh tế tập thể; hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, tem điện tử; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nông sản từ vườn, trang trại; Hỗ trợ lãi suất tiền vay; hỗ trợ xây dựng công trình cấp nước; hỗ trợ xây dựng, lắp đặt các hệ thống tưới) và các nội dung hỗ trợ riêng đối với kinh tế vườn và kinh tế trang trại.
Người dân trên địa bàn huyện Quế Sơn chú trọng phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Ảnh: DT.
Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương này định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại. Trong đó, phát triển kinh tế vườn, trang trại hướng đến mục tiêu gia tăng giá trị, tạo ra được khối lượng hàng hóa lớn; đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Hướng đi này có thể giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đồng thời tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm OCOP.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, triển khai Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh, ngành nông nghiệp chủ động triển khai đến các địa phương. Năm 2022, 15 huyện được phân bổ 50 tỷ đồng; năm 2023, tiếp tục bố trí 49,6 tỷ đồng cho 16 huyện, thành phố. Tính đến giữa năm 2023 từ nguồn vốn Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh đã hỗ trợ được trên 300 hệ thống tưới (tưới nhỏ giọt, phun mưa, tưới ngầm...), hỗ trợ chỉnh trang, cải tạo, giống và phân bón, mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng hạ tầng cho 320 vườn và 7 trang trại.
Thời gian qua, kinh tế vườn, kinh tế trang trại được các cấp, ngành, địa phương, quan tâm nhiều hơn. Nhiều địa phương như Tiên Phước, Phú Ninh, Nông Sơn, Quế Sơn, Hiệp Đức... đã ưu tiên dành nguồn lực, tạo điều kiện cho kinh tế vườn, kinh tế trang trại có bước phát triển khá về số lượng, quy mô, gia tăng về giá trị sản xuất.
Núi Thành là huyện có diện tích vườn đồi khá lớn, đây sẽ là ưu thế để phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại đem lại giá trị kinh tế cao. Theo Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, triển khai Nghị quyết 35 về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, huyện đã ban hành đề án và kế hoạch triển khai, thành lập Hội đồng thẩm định và Hội đồng nghiệm thu các nội dung hỗ trợ theo Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn, giai đoạn 2022 - 2025. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách đến người dân.
Đến năm 2022, toàn huyện Núi Thành có 34 chủ vườn, trang trại trên địa bàn 7 xã tham gia, với kinh phí được phân bổ hơn 2,6 tỷ đồng, trong đó giải ngân được hơn 1,4 tỷ đồng. Ngành nông nghiệp huyện đã kịp thời phổ biến các cơ chế, chính sách, chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại tập huấn kỹ thuật làm vườn, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm… đưa chính sách vào cuộc sống.
Năm 2023, với kinh phí phân bổ gần 4 tỷ đồng, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với các phòng ban chuyên môn, địa phương tập trung triển khai kế hoạch với cam kết sẽ giải ngân hết nguồn vốn. Đến nay, đã có 95 vườn, 13 trang trại của các địa phương đăng ký tham gia Theo Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Núi Thành giai đoạn 2022 - 2025, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, huyện xây dựng mới 150 vườn đảm bảo hệ thống nước tưới, trồng các loại cây có chất lượng và có giá trị kinh tế cao; xây dựng mới 5 trang trại đảm bảo tiêu chuẩn; 100% vườn nhà có diện tích từ 1.000m2 trở lên được cải tạo; có 100 vườn thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Những đồi keo trước đây được nông dân huyện Núi Thành đầu tư, xây dựng thành những trang trại tổng hợp hiệu quả. Ảnh: ML.
Theo báo cáo của UBND huyện Quế Sơn, thực hiện Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh, địa phương đã ban hành Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại giai đoạn 2021 - 2025 và chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức thực hiện. Năm 2022 toàn huyện có 117 hộ đăng ký, trong đó 94 hộ đủ điều kiện thực hiện; huyện đã giải ngân hơn 1,9 tỷ đồng (đạt 48%) nguồn vốn Nghị quyết 35 năm 2022. Năm 2023, nguồn vốn thực hiện Nghị quyết 35 trên địa bàn Quế Sơn 3 tỷ đồng. Hội đồng thẩm định của huyện đang tổ chức kiểm tra thực tế đối với 148 hộ đăng ký phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trong năm nay.
Trong năm 2023, huyện Tiên Phước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng nhân dân tăng cường sản xuất kinh tế, ổn định đời sống. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt hơn 22 nghìn tấn (tăng 135 tấn so với năm 2022). Tiên Phước hiện có 450 vườn, 15 trang trại đạt tiêu chí vườn, trang trại xanh - sạch đẹp - hiệu quả. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp đạt 7,15%. Đến nay, địa phương hỗ trợ kinh phí gần 7,9 tỷ đồng từ Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại.
Huyện Tiên Phước đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng Trung du xứ Quảng giai đoạn 2017-2025 (Đề án 548). Mục tiêu chính của Đề án nhằm xây dựng Tiên Phước thành vùng trọng điểm về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái và huyện mang đặc trưng vùng trung du Quảng Nam. Bên cạnh hình thành các mô hình chuyên canh và đa canh theo quy mô trang trại với các loại cây đặc sản thì địa phương sẽ hình thành mô hình làng mẫu, khu dân cư kiểu mẫu có cảnh quan đẹp, với nhiều loại cây trồng đặc sản, giá trị kinh tế cao gắn với khai thác du lịch, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Thời gian tới, UBND huyện Tiên Phước tiếp tục khuyến khích và đầu tư phát triển các mô hình vườn mẫu, vườn điểm tại các xã, thị trấn gắn kết nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thân thiện môi trường với phát triển du lịch sinh thái vừa gia tăng giá trị, khả năng tiêu thụ nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường, thôn xanh – sạch – đẹp.
Nghị quyết 35 quy định cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 được thông qua đã tạo động lực, bệ phóng giúp nông dân nỗ lực trong phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Từ đó, nông dân các địa phương đã chủ động cải tạo vườn tạp, đăng ký tham gia hưởng lợi từ nghị quyết.
Lê Hương
Bình luận