Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ hai, 18/03/2024 07:03
TMO - Tỉnh Quảng Nam với địa bàn rộng, vị trí địa lý đặc biệt tạo nên sự đa dạng về sinh cảnh, là một trong các tỉnh, thành phố trong cả nước được xếp vào địa phương có tính đa dạng sinh học cao, nằm trong vùng cảnh quan ưu tiên của Trung Trường Sơn.
Quảng Nam là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng và biển rất đặc trưng, mang lại nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế; là nơi phân bố của các loài quý hiếm, đặc hữu như sao la, hổ và voi châu Á, voọc chà vá chân xám, khướu Ngọc Linh, mang Trường Sơn, sâm Ngọc Linh, san hô, cỏ biển…
Hiện toàn tỉnh Quảng Nam có 7 khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập, bao gồm một phần Vườn quốc gia Bạch Mã, Vườn quốc gia Sông Thanh, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi, Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh, Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hoá Mỹ Sơn, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 1 cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học là Công viên Chăm sóc và Bảo tồn động vật Vinpearl River Safari Nam Hội An.
Quảng Nam là một trong những tỉnh tiên phong trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH). Theo đó, địa phương đã sớm ban hành Chiến lược bảo tồn ĐDSH hệ sinh thái rừng phía Tây, phê duyệt Kế hoạch hành động ĐDSH tỉnh... Đặc biệt, địa phương đã tranh thủ được nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp, xúc tiến thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi Nông Sơn (2018); Khu Dự trữ Thiên nhiên Ngọc Linh (2019) và thiết lập Hành lang ĐDSH tỉnh (2018); nâng hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh lên thành Vườn Quốc gia (2021); Khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm… góp phần quan trọng trong bảo tồn ĐDSH của địa phương.
Quảng Nam là một trong các tỉnh, thành phố trong cả nước được xếp vào địa phương có tính đa dạng sinh học cao.
Nhờ những nỗ lực bảo vệ môi trường sinh thái của chính quyền và người dân, độ che phủ rừng của tỉnh đã tăng từ 49,42% năm 2013 lên 58,88% năm 2023, riêng diện tích rừng đặc dụng tăng hơn 4.500ha so với giai đoạn 2011 - 2023, đánh giá và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững với diện tích là 21.577ha. Diện tích Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được mở rộng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2010. Nhiều khu bảo tồn được quy hoạch mới, mở rộng như Khu bảo tồn Sao La; Khu bảo tồn Chà vá chân xám Tam Mỹ Tây (Núi Thành) và một số khu hệ sinh thái ngập nước. Quảng Nam cũng là địa phương đầu tiên được Chính phủ đồng ý cho phép lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng trong vòng 5 năm (2021 - 2025).
Các dự án cộng đồng tham gia phục hồi tự nhiên và khai thác bền vững cua đá, tôm hùm, bào ngư tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm... đã mang lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Diện tích rừng ngập mặn được trồng phục hồi, bổ sung nguồn lợi thủy sản, đồng thời bổ sung giống để phục hồi quỹ gen tự nhiên trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu của UBND tỉnh Quảng Nam, đến cuối tháng 12/2023, Quảng Nam là một trong những địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước. Cụ thể, năm 2022, diện tích đất có rừng của tỉnh là 680.806,4 ha, với độ che phủ rừng là 58,71% (gồm rừng tự nhiên 463.530,46 ha, rừng trồng 217.275,94 ha).
Quảng Nam cũng là địa phương có tiềm năng về thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao trữ lượng carbon từ rừng. Trong giai đoạn 2005 - 2016, rừng của Quảng Nam phát thải 4.233.930 tCO2e/năm và hấp thụ 3.295.389 tCO2e/năm; mức phát thải ròng trung bình hàng năm là 938.541 tCO2e/năm. Ước tính phát thải và hấp thụ hàng năm giai đoạn 2019 - 2030 lần lượt là 3.789.589 tCO2e/năm và 4.476.445 tCO2e/năm, mức hấp thụ ròng trung bình hàng năm là 686.856 tCO2e/năm. Như vậy, tiềm năng giảm phát thải từ rừng của tỉnh là 533.341 tCO2e/năm và tiềm năng hấp thụ là 1.181.056 tCO2e/năm.
Với mục tiêu tạo nguồn tài chính bền vững để thực hiện bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, phát triển rừng theo hướng bền vững, năm 2018, UBND tỉnh xây dựng và phê duyệt Kế hoạch hành động (REDD+) tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, Quảng Nam cũng xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ và được thống nhất về chủ trương cho tỉnh nghiên cứu, lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng (tại Công văn số 3479/VPCP-NN, ngày 26/5/2021 của Văn phòng Chính phủ).
Nguồn lợi kinh tế từ dịch vụ hệ sinh thái tại tỉnh khá lớn nhờ tỉnh có được diện tích rừng tự nhiên trải rộng. Đến cuối năm 2023, số tiền Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã thu được là hơn 172.097 tỷ đồng. Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã có tác động tích cực đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giảm các vụ vi phạm về quản lý qua từng năm. Các tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân cũng chủ động, tích cực tham gia công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Địa phương này triển khai các phương án bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện Phương án bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2025; chương trình kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó ưu tiên giữ và mở rộng các khu bảo tồn, không chấp thuận triển khai đầu tư dự án khu dân cư để bảo vệ ĐDSH, thể hiện quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế và thực hiện tôn chỉ phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh”.
Quảng Nam được chọn là địa phương tiên phong khởi động Năm khôi phục đa dạng sinh học quốc gia 2024 trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn tích cực triển khai các cam kết quốc tế quan trọng như các mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) tại COP15 năm 2022 và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 tại COP26. Sự kiện cũng là dịp để tôn vinh sự đa dạng của cuộc sống trên hành tinh, tăng cường hợp tác để bảo vệ môi trường sống, đảm bảo sự phát triển hài hoà giữa con người với thiên nhiên, bảo tồn nguồn tài nguyên sinh học vô giá của Việt Nam và nhân loại.
Trong khuôn khổ Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia, Quảng Nam sẽ tổ chức nhiều chuỗi sự kiện quan trọng như: Các diễn đàn, hội nghị, hội thảo khoa học về đa dạng sinh học từ tháng 3 đến tháng 11/2024; các hoạt động nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học; tổ chức các đoàn cho báo chí đi khảo sát và quảng bá đa dạng sinh học; tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên đến bảo vệ đa dạng sinh học…
Trong Quy hoạch của tỉnh Quảng Nam, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học có một vị trí xứng đáng, được tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm sự hài hoà giữa ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững của địa phương và đóng góp cho tiến trình phát triển chung của quốc gia.
Hồng Thắm
Bình luận