Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ ba, 31/10/2023 05:10
TMO - Tại tỉnh Quảng Bình, tình hình lấn chiếm đất lâm nghiệp, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích còn nhiều nhưng tiến độ xử lý của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn chậm.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, đến hết tháng 9/2023, tiến độ xử lý lấn chiếm đất lâm nghiệp của các địa phương còn chậm, số diện tích đã xử lý thấp (4.436,43 ha/15.286,43 ha, chiếm tỷ lệ 28,4%). Cụ thể, tổng diện tích rừng bị phá và diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình khoảng hơn 15.000 ha, trong đó, riêng rừng tự nhiên bị phá lên đến hơn 6.700 ha, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm hơn 8.400 ha.
Từ năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng, quản lý đất lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Sau 3 năm triển khai chỉ thị, các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thị xã trên địa bàn mới chỉ xử lý được 869 vụ vi phạm với tổng diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm khoảng hơn 4.436ha, đạt gần 29% so với diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị xâm phạm phát hiện.
Xử lý vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, có nhiều khó khăn, vướng mắc khiến việc xử lý vi phạm về rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chậm. Diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật trên địa bàn lớn đòi hỏi phải tập trung nhiều lực lượng liên quan cùng phối hợp với sự hỗ trợ của máy móc, thiêt bị, dụng cụ và nguồn kinh phí để thực hiện. Trong khi hầu hết các địa phương đều báo cáo gặp khó khăn về ngân sách để bố trí thực hiện lập hồ sơ xử lý các vụ vi phạm về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Hồ sơ giao đất lâm nghiệp và hiện trạng sử dụng rừng không rõ ràng, có sự sai lệch ranh giới giữa các chủ rừng; tình trạng phá, lấn chiếm giữa các chủ rừng hoặc chủ rừng không biết rừng của mình bị phá, bị lấn chiếm còn phổ biến.
Tại hầu hết các địa phương, việc lấn chiếm tích rừng, đất lâm nghiệp để làm nghĩa trang, xây dựng lăng mộ thường xuyên xảy ra, cũng là những vi phạm rất khó khăn trong xử lý. Bên cạnh đó, một số trường hợp vi phạm không xác định được đối tượng do chủ rừng đi khỏi địa phương hoặc đã chết nên việc mời gọi để phối hợp xác minh thông tin, xử lý vi phạm gặp khó.
Nguyên nhân tồn tại trên là do đoàn liên ngành cấp huyện rà soát thực địa, thu thập chứng cứ, xác minh vụ việc và lập hồ sơ vi phạm chưa quyết liệt. Công tác phối hợp giữa lực lượng Kiểm lâm, chính quyền cấp xã, các cơ quan chuyên môn còn hạn chế, thiếu đồng bộ và tiến độ xử lý còn chậm. Mặt khác, công tác tuyên truyền, giáo dục chủ trương, pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Việc giao đất, giao rừng theo một số nghị định trước đó chưa đầy đủ, cụ thể nên dẫn đến tình trạng người nhận đất, rừng không biết đất rừng của mình ở đâu.
UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt xử lý từng vụ việc phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục rà soát những vụ vi phạm về phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp để bổ sung vào phương án xử lý theo Chỉ thị số 03/CT-UBND; điều chỉnh phương án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt xử lý từng vụ việc phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp; sau khi xử lý thu hồi, khẩn trương xây dựng phương án giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng theo quy định nhằm đảm bảo người dân có đất sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống; xây dựng nhu cầu kinh phí, đề xuất hỗ trợ trong việc lập hồ sơ, xử lý các vụ vi phạm về phá rừng và lấn, chiếm đất lâm nghiệp theo Chỉ thị số 03/CT-UBND.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT hướng dẫn xử lý các vụ vi phạm về phá rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp và văn bản của pháp luật có liên quan; chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm phối hợp với UBND cấp xã, cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu UBND cấp huyện xử lý từng trường hợp phá rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những vụ chặt, phá rừng trái pháp luật.
Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương án xử lý đối với những trường hợp lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật theo quy định của Luật Đất đai và văn bản của pháp luật có liên quan; chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện xử lý trường hợp sai khác ranh giới giữa chủ rừng, đảm bảo phù hợp giữa hồ sơ, thực địa; thực hiện thủ tục thu hồi đất, thu hồi rừng, giao, cho thuê đất gắn với giao, cho thuê rừng; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng quy định để lập lại trật tự trong lĩnh vực quản lý rừng, đất lâm nghiệp…
Thu Huyền
Bình luận