Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ hai, 03/06/2024 07:06
TMO - Nhằm nâng cao chất lượng và giá trị rừng trồng, tạo nguồn nguyên liệu bền vững, phát triển kinh tế lâm nghiệp, những năm gần đây, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, vận động người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.
Tháng 10/2019, UBND tỉnh Quảng Bình triển khai "Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2025". Đề án hướng đến mục tiêu góp phần nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng, bảo vệ môi trường và phát triển lâm nghiệp bền vững. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết, trở ngại lớn nhất ở địa phương khi triển khai đề án là sự e ngại của người dân bởi năm nào vùng đất này cũng bị ảnh hưởng của thiên tai, gió bão. Nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai, người dân thường chọn cách thu hoạch sớm gỗ rừng trồng chỉ sau 4-5 năm trồng cây.
Năm 2019, cả tỉnh chỉ trồng được hơn 1.200 ha rừng gỗ lớn thì đến nay, diện tích rừng gỗ lớn đã tăng lên gần 8.000 ha. Thực tế tại địa phương cho thấy, trên cùng một diện tích, rừng gỗ lớn cho năng suất vượt trội 3-4 lần so với rừng nguyên liệu. Rừng gỗ lớn còn hạn chế được số lần khai thác, giãn tiến độ trồng lại cho nên giảm nguy cơ xói mòn và rửa trôi đất. Theo tính toán, khoảng 10 năm, mỗi héc-ta rừng gỗ lớn mang lại lợi nhuận 250-300 triệu đồng, trong khi rừng nguyên liệu sáu năm cho thu hoạch chỉ đạt khoảng 60-70 triệu đồng.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn như: “Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025", hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn cho các hộ gia đình với tổng diện tích 1.000ha, kinh phí 7,92 tỷ đồng; “Hỗ trợ thí điểm mô hình trồng rừng phòng tránh thiên tai”, hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn cho người dân tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh) và xã Kim Thủy (Lệ Thủy) với diện tích 200ha, kinh phí 3,13 tỷ đồng...
Tỉnh còn thực hiện hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn từ kinh phí trồng rừng thay thế (Quỹ bảo vệ và phát triển rừng); chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; kinh phí từ tiểu dự án 1, dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025…
Tỉnh Quảng Bình đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, vận động người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.
Hiện nay, toàn tỉnh đã trồng được gần 4.100ha rừng gỗ lớn; trong đó, tập trung nhiều tại địa bàn các huyện: Lệ Thủy (hơn 1.300ha), Quảng Ninh (gần 1.000ha), Tuyên Hóa (trên 550ha). Nhằm xây dựng đầu ra ổn định cho rừng gỗ lớn, những năm qua, tỉnh đã xúc tiến kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến gỗ tinh sâu để tạo sự liên kết với người trồng rừng. Các doanh nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh còn chủ động xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với chứng chỉ rừng (FSC). Đến nay, toàn tỉnh có trên 6.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC và hiện đang tiếp tục đánh giá, cấp chứng chỉ FSC cho thêm khoảng 15.000ha.
Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục triển khai có hiệu quả và hoàn thành theo tiến độ, kế hoạch đề ra của các chương trình, dự án, đề án đang thực hiện về trồng rừng gỗ lớn, một số định hướng phát triển trồng rừng gỗ lớn tại Quảng Bình cần phải tập trung thực hiện, như: Tập trung rà soát toàn bộ các diện tích đất để hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn trên đất quy hoạch cho rừng sản xuất giao hộ gia đình, cá nhân theo chỉ đạo của UBND tỉnh; các công ty lâm công nghiệp nhà nước cần tiên phong, đi đầu và tập trung đẩy mạnh hơn nữa để phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng, phù hợp với chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển đã được phê duyệt.
Lệ Thủy là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để sản xuất, kinh doanh rừng trồng, đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ rừng bền vững FSC. Theo đó, diện tích rừng trồng toàn huyện hơn 29.284ha, trong đó có hơn 1.300ha trồng rừng gỗ lớn tập trung chủ yếu tại các xã Kim Thủy, Thái Thủy, Trường Thủy, Mỹ Thủy, Lâm Thủy, Ngân Thủy… Huyện cũng có trên 850ha diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ FSC. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm đạt trên 190.000m3. Năm 2023, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 165,6 tỷ đồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 64,38%.
Từ thực tế trồng rừng gỗ lớn ở huyện Lệ Thuỷ có thể thấy, mặc dù trên một đơn vị diện tích nhưng rừng gỗ lớn cho năng suất vượt trội 3 - 4 lần so với rừng nguyên liệu. Sau 10 năm, rừng gỗ lớn có thể mang lại lợi nhuận 250 - 300 triệu đồng/ha, trong khi rừng nguyên liệu sau 5 năm cho thu hoạch đạt từ 60 - 70 triệu đồng/ha. Đối với các diện tích rừng có chứng chỉ rừng bền vững FSC, một số doanh nghiệp chế biến đã ký hợp đồng thu mua với giá trị cao hơn rừng không được cấp chứng chỉ từ 15 - 25%.
Tuyên Hóa là vùng miền núi, có diện tích đất sản xuất lâm nghiệp lớn (gần 13.000 ha). Đó chính là thế mạnh để huyện phát triển các ngành kinh tế lâm nghiệp, đặc biệt là gỗ rừng trồng. Để phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng tốt, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, Tuyên Hóa triển khai đề án "Nâng cao giá trị rừng trồng gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025" với mục tiêu là hình thành vùng nguyên liệu gỗ công nghiệp và gỗ lớn, gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Để nâng cao giá trị và đầu ra cho sản phẩm rừng trồng, huyện chú trọng tăng các diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC. Cùng với đó, địa phương khuyến khích người dân lựa chọn các loại cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Từ năm 2020 đến nay, huyện Tuyên Hóa phối hợp với Hợp tác xã Lâm nghiệp An Việt Phát (thuộc Tập đoàn An Việt Phát) và các cơ quan liên quan để đánh giá, cấp chứng chỉ FSC cho người dân trồng rừng.
Đến nay, Tuyên Hóa là địa phương dẫn đầu ở Quảng Bình trong việc cấp chứng chỉ quản lý rừng trồng FSC, với diện tích hơn 3.000 ha. , với lợi thế về đất lâm nghiệp, thời gian qua, huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân cải tạo, chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn thay thế gỗ rừng trồng có giá trị thấp. Huyện quy hoạch các vùng, khu vực rừng để phát triển những vùng sản xuất tập trung trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ phù hợp. Chỉ trong một thời gian ngắn, người dân chuyển từ rừng trồng thông thường sang rừng gỗ lớn với diện tích hơn 1.000 ha.
Quảng Bình triển khai đồng bộ các giải pháp trong phát triển rừng gỗ lớn, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp. Ảnh: BND.
Để thực hiện đề án rừng gỗ lớn từng bước đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về phát triển rừng gỗ lớn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện tốt chính sách khuyến nông-khuyến lâm, làm thay đổi nhận thức của người dân và chủ rừng đối với trồng rừng gỗ lớn.
Ngoài ra, các địa phương cần làm tốt công tác hướng dẫn người dân, chủ rừng triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp về tổ chức sản xuất, tuân thủ đúng quy trình sản xuất (về cây giống, kỹ thuật, thâm canh..). Chú trọng thực hiện có hiệu quả giải pháp về đất đai như làm tốt công tác quy hoạch, quy vùng và tham mưu xác định được các vùng trọng điểm, lợi thế về trồng rừng gỗ lớn gắn với chế biến tinh sâu và thị trường tiêu thụ và rừng phải được cấp chứng chỉ rừng FSC. Đồng thời tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác trồng rừng nói chung và trồng rừng gỗ lớn nói riêng, nâng cao giá trị gia tăng trên một diện tích rừng trồng theo hướng phát triển bền vững …
Tỉnh Quảng Bình tiếp tục triển khai thực hiện tốt đề án "Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Bình, giai đoạn 2019-2025"; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về hiệu quả của trồng và chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ lớn; vận động chủ rừng tham gia thực hiện trồng và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; ưu tiên nguồn kinh phí để trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; áp dụng các giống trồng rừng có năng suất sản lượng cao, có khả năng chống chịu, hạn chế sâu bệnh hại rừng, hạn chế rủi ro cho người trồng rừng; kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực, nhu cầu thu mua bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng có chứng chỉ rừng FSC.../
Phương Thoa
Bình luận