Hotline: 0941068156
Thứ tư, 14/05/2025 11:05
Thứ tư, 14/05/2025 06:05
TMO - Với mục tiêu phát triển ngành thuỷ sản theo hướng bền vững, tạo sinh kế lâu dài cho người dân địa phương, tỉnh Quảng Bình đã và đang tăng cường công tác quản lý, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Nhiều chương trình thả giống, phục hồi hệ sinh thái ven biển và nâng cao nhận thức cộng đồng đã được đẩy mạnh trong thời gian qua.
Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm do khai thác quá mức và tác động của biến đổi khí hậu, tỉnh Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân về bảo vệ nguồn lợi thủy sản được chú trọng, gắn với việc phổ biến quy định pháp luật, khuyến khích người dân không sử dụng các hình thức khai thác mang tính hủy diệt như xung điện, chất nổ, chất độc.
Cùng với đó, các chương trình thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản được tổ chức thường xuyên, nhất là tại các vùng cửa sông, ven biển – nơi có vai trò quan trọng trong sinh sản và phát triển của nhiều loài thủy sinh. Tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Việc lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ thủy sản với phát triển sinh kế cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương ven biển, đang được triển khai nhằm đảm bảo vừa phục hồi hệ sinh thái, vừa nâng cao thu nhập cho người dân. Là địa phương có đường bờ biển dài hơn 116km với 5 cửa sông lớn đổ ra biển, ngoài ra, Quảng Bình còn có vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 2 vạn km² với nhiều sông suối, hồ, đập, phá; nguồn lợi thuỷ sản (NLTS) phong phú, đa dạng. Đây là những điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển khai thác thủy sản. Hàng năm, sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng của tỉnh đạt gần 100 nghìn tấn, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động.
Mặc dù vậy, nghề khai thác thủy sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; tình trạng khai thác quá mức dẫn đến ngư trường bị suy giảm nghiêm trọng, hiệu quả kinh tế của mỗi chuyến biển ngày càng giảm, tác động đến đời sống của ngư dân. Theo chia sẻ của người dân thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) cho biết, một phần do thời tiết, khí hậu bất thường, nhưng chủ yếu do sự khai thác quá mức của con người.
Không chỉ vùng biển ven bờ, ngay cả những vùng biển xa cũng suy giảm, nhiều loại thủy sản có giá trị, như: Cá mú, cá thu, mực, tôm… ngày càng ít. Như nghề tàu vây, những năm trước, thời gian này là cá nục và cá ngừ rất nhiều, nhưng năm nay rất ít. Không chỉ thủy sản vùng biển mà các loài thủy sản nước ngọt cũng đang dần suy giảm. Gần đây việc đánh bắt cá trên sông của người dân gặp nhiều khó khăn do cá ngày càng khan hiếm.
Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khiến sản lượng khai thác thuỷ hải sản trên địa bàn Quảng Bình bị giảm sút.
Hiện nay NLTS tự nhiên trên sông ngày càng giảm sút, việc khai thác khó khăn hơn, thu nhập chẳng đáng kể. Lãnh đạo Chi cục Thủy sản, biển, hải đảo và Kiểm ngư cho biết, hầu hết người dân đã chấp hành tốt các quy định trong đánh bắt thủy sản, tuy nhiên, vẫn còn trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến NLTS như sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác tận diệt thủy sản, tàu giã cào khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ, khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Ngoài ra, một số chủ tàu không tuân thủ các quy định về quản lý tàu cá đã tạo thách thức lớn cho công tác quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ NLTS của tỉnh, dẫn đến NLTS ngày càng cạn kiệt. Trước thực trạng trên, Quảng Bình triển khai đa dạng giải pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) và các địa phương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh việc vận động, tuyên truyền để người dân làm nghề khai thác và người sinh sống tại khu vực sông suối, vùng bờ biển thực hiện các biện pháp khai thác bền vững, bảo vệ môi trường tự nhiên.
Sở NN-MT và các đơn vị chức năng đã tăng công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các vi phạm trong đánh bắt, khai thác NLTS và tái tạo, phát triển thủy sản. Hàng năm, Sở NN-MT đã phối hợp với các địa phương thả các loài thủy sản có lợi cho môi trường sinh thái, góp phần tái tạo NLTS, phục hồi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhất là những loài thủy sản nước ngọt nhằm phát triển kinh tế bền vững, có trách nhiệm với môi trường.
Từ năm 2024 đến nay, sở đã phối hợp với các đơn vị, địa phương thả 143 vạn con tôm sú giống, 22,94 vạn cá giống nước ngọt các loại và 0,79 vạn cá giống mặn lợ vào các thủy vực tự nhiên để tái tạo NLTS với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, hoạt động của mô hình đồng quản lý (ĐQL) trong bảo vệ NLTS tại khu vực vùng biển ven bờ thuộc xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy).
Mô hình vẫn duy trì 600 thành viên tham gia, quản lý diện tích 147,5km2. Đối tượng chính được bảo vệ là hệ sinh thái trong vùng rạn nhân tạo, hệ sinh thái trong rạn san hô bao gồm con non của các loài thủy sản và một số loài thủy sản nằm trong danh mục cấm khai thác. Việc bảo vệ và tái tạo NLTS là vấn đề cấp bách hiện nay, vì vậy cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và có những giải pháp hợp lý trong công tác quản lý và phát triển nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản.
Tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh hoạt động thả cá, tái tạo NLTS. (Ảnh: BSL).
Đặc biệt, khu bảo vệ NLTS ở Hòn La-Vũng Chùa tại địa bàn xã Quảng Đông, Quảng Phú (Quảng Trạch) đã được thành lập và đã được UBND tỉnh ban hành giao Chi cục Thủy sản, biển, hải đảo và Kiểm ngư quản lý. Phạm vi khu bảo vệ NLTS Hòn La-Vũng Chùa có diện tích 1.298ha.
Đối tượng bảo vệ là hệ sinh thái thủy sinh và NLTS, trong đó tập trung bảo vệ các đối tượng chính, như: Cá bàng chài đầu đen, bàn mai đen, bào ngư xanh, tôm hùm xanh, tôm hùm đỏ, trai ngọc môi đen, trai ngọc nữ, ốc đụn đực, san hô cứng...
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản, biển, hải đảo và Kiểm ngư thông tin thêm, mặc dù các đơn vị chức năng chú trọng đến công tác bảo vệ NLTS nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều hạn chế.
Trong đó, chưa ngăn chặn được triệt để các vi phạm, vẫn còn tình trạng người dân tàng trữ, sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản trên vùng biển ven bờ và nội địa, các vi phạm về khai thác IUU; công tác bảo vệ và phát triển NLTS vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, việc thả giống còn ít, mới chỉ mang tính tuyên truyền…
Với mục tiêu bảo tồn, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về bảo tồn, bảo vệ và phát triển NLTS, tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch số 760/KH-UBND ngày 2/5/2024 thực hiện Chương trình Quốc gia Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2030.
Trong đó, mục tiêu cụ thể gồm, triển khai Thực hiện Dự án Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng tỉnh Quảng Bình vào năm 2025, năm 2030 làm cơ sở cấp hạn ngạch khai thác vùng ven bờ, vùng lộng nhằm bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản góp phần trữ lượng nguồn lợi thủy sản ở biển được phục hồi, tăng 5%.
Hình thành, quản lý và hoạt động theo quy định của pháp luật các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cư trú nhân tạo cho loài thủy sản.100% các hồ tự nhiên, hồ chứa lớn và hệ thống sông chính được điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản.
100% các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hoạt động thả tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên hàng năm. 100 % các huyện, thị xã, thành phố ven biển giao quyền quản lý trong trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho các tổ chức cộng đồng theo quy định của Luật Thủy sản 2017, Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ gắn liền với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái; 100% số lượng loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có tại địa phương được lập hồ sơ, giám sát, đánh giá…/.
Kiều Mỹ
Bình luận