Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ năm, 25/05/2023 07:05
TMO - Các Cây Di sản trong tự nhiên thường mọc đơn lẻ, nhưng ở Tây Giang (Quảng Nam) lại có cả rừng Pơ mu quý hiếm. Quần thể rừng Pơ mu nguyên sinh ở Tây Giang được đánh giá là một trong những rừng cây gỗ quý hiếm nhất còn sót lại ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giáp biên giới Việt-Lào.
Quần thể rừng Pơ mu ở Tây Giang gồm 1.396 cây nằm trên núi Zi’liêng, trên tổng diện tích khoảng 450ha, ở độ cao gần 1.500m so với mặt nước biển, thuộc khu vực 2 xã Axan và Tr’Hy. Trong đó, vùng lõi khu rừng rộng khoảng 250ha là nơi có 725 cây Pơ mu đạt tiêu chuẩn Cây Di sản, được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh ngày 10/05/2016 là “Quần thể Cây Di sản Việt Nam”. Quần thể này được mệnh danh là “Vương quốc Pơ mu” cách huyện lỵ Tây Giang khoảng 400km về phía Tây. Trong đó, có nhiều cây Pơ mu cổ thụ hơn 1.800 năm tuổi, cây lớn nhất cao 22m, đường kính 2,5m và chu vi thân là 7,52m.
Quần thể rừng Pơ mu nguyên sinh ở Tây Giang được đánh giá là một trong những rừng cây gỗ quý hiếm nhất còn sót lại ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Ảnh: LA.
Quần thể rừng Pơ mu nguyên sinh ở Tây Giang được đánh giá là một trong những rừng cây gỗ quý hiếm nhất còn sót lại ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giáp biên giới Việt – Lào. Theo TS. Vũ Ngọc Long (Giám đốc Viện Sinh thái học miền Nam), ngoài Tây Giang hiện còn một nhóm quần thể Pơ mu ở đỉnh Chư Yang Sin (Đắk Lắk), trên độ cao 2.200-2.400m, một nhóm ở đỉnh Bi doup (độ cao 2.200m) và một số cây Pơ mu mọc rải rác trong khu bảo tồn thiên nhiên và rừng nguyên sinh (độ cao 1578m) ở Hòn Bà (Khánh Hòa).
Những người con của dân tộc Cơ Tu ở Tây Giang đã khẳng định quyết tâm bảo vệ “Vương quốc Pơ mu” đó là niềm tự hào và trách nhiệm của người dân địa phương “Rừng còn Tây Giang phát triển – Rừng mất Tây Giang suy vong”, câu khẩu hiệu này được đặt ngay ở cổng vào khu trung tâm huyện Tây Giang đã nói lên quyết tâm giữ rừng của chính quyền các cấp và cộng đồng các dân tộc ở Tây Giang. Người Cơ Tu ở đây quan niệm, cây Pơ mu là vật thiêng của dân làng, nơi trú ngụ của thân linh nên họ hết sức giữ gìn cho con cháu mai sau. Rừng Pơ mu thành rừng Cây Di sản mở ra hướng phát triển du lịch của địa phương, tạo thêm công việc và thu nhập cho người dân, cần bảo vệ nguyên vẹn cánh rừng nguyên sinh quý hiếm này.
Cây Pơ mu còn được gọi là Bách dầu, Bha’lâng hi’nghêê (Cơ Tu), Hòng he (Ba Na ở Gia Lai và Kon Tum), Fujian cypress (tiếng Anh); tên khoa học là Fokienia hodginsii (Dunn) Henry et Thomas, họ Hoàng đàn (Cupressaceae), thuộc ngành Hạt trần (Pynophyta). Pơ mu là cây thân gỗ thường xanh, cao tới 25m, thân thẳng, đường kính trung bình khoảng 1m (cây lâu năm tới 2m), góc thân có bạnh vè, cảnh nhỏ dẹt, lá hình vẩy áp sát vào cành, mặt dưới lá màu trắng xanh, trong mỗi dãy thì lá giữa hình nêm, hẹp và ngắn hơn lá ở hai bên.
Lá trên cây non dài tới 8-10mm và rộng 6mm, hai bên xòe rộng, ká ở cành già thì nhỏ hơn. Cơ quan sinh sản gọi là “nón” (ngành Hạt trần chưa có hoa điển hình). Nón đực mọc ở đầu cành, hình trái xoan hoặc hình trụ, dài khoảng 1cm. Nón cái lớn hơn, ở đầu cành, hình cầu (gọi là quả) đường kính khoảng 2cm, có nhiều vẩy (noãn mở) mỗi vẩy mang 2 noãn trần. Các noãn này sẽ phát triển thành hạt trần dài khoảng 4mm, có 2 cánh không đều nhau.
Cây Pơ mu có nguồn gốc ở Đông Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, loài này chỉ còn lại ở vùng núi cao từ 1.000-1.800m thuộc các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, hà Giang, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng... Chúng thường mọc tập trung thành đám gần như thuần loại hoặc hỗn giao với các loài cây lá rộng như Sến mật, Dẻ.
Về hóa học, gỗ và nhất là rễ Pơ mu chứa tinh dầu 2-3%, có mùi thơm rất dễ chịu. Tinh dầu này chứa sesquiterpen với (E)-nerolidol (9,35%), fokienol (10,26%) là các thành phần chính. Tinh dầu Pơ mu có tác dụng kháng khuẩn, dùng chữa sưng tẩy và các bệnh ngoài da. Nó còn được dùng làm hương liệu, pha chế nước hoa, xà phòng và đánh bóng đồ gỗ. Hỗn hợp chứa farnesol và nerolidol từ tinh dầu Pơ mu có tác dụng dẫn dụ côn trùng. Gỗ Pơ mu có vân mịn, không bị mối mọt được dùng trong xây dựng, làm đồ gia dụng và mỹ nghệ.
Rừng Pơ mu thành rừng Cây Di sản mở ra hướng phát triển du lịch của địa phương, tạo thêm công việc và thu nhập cho người dân.
Pơ mu được xem là loài cây linh thiêng của người Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang, do đó được người dân hết sức giữ gìn, bảo vệ. Với người dân tộc Cơ Tu, từ xa xưa, những cây rừng cổ thụ là nơi trú ngụ của thần linh. Rừng Pơ mu lại càng linh thiêng, là báu vật nghìn năm, là vương quốc che chở cho dân làng, nếu không gìn giữ để mất đi là có tội với tiên tổ.
Bà con tham gia bảo vệ rừng bằng cách lập các tổ tự quản với gần 30 thành viên chủ yếu là thanh niên trai tráng để canh giữ không cho người ngoài vào rừng, ai phá rừng sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật và lệ làng. Người dân Cơ Tu còn tự nguyện dành tiền bảo vệ rừng hằng năm, đối ứng với khoản hỗ trợ của chính quyền nhằm làm đường giao thông nông thôn để tiện đi lại, hướng cuộc sống ra ngoài, hướng về miền xuôi, bớt phụ thuộc vào rừng sâu. Đây cũng là cách bảo vệ rừng hữu hiệu, tiến tới có thể làm du lịch cộng đồng, sống nhờ vẻ đẹp của rừng, nhưng biến rừng thành tài nguyên phục vụ con người.
Từ một nét văn hóa truyền thống lâu đời, gắn với đời sống tâm linh của đồng bào Cơ Tu, Tây Giang phát triển nghi lễ tạ ơn thần rừng thành lễ hội truyền thống, tổ chức thường niên vào những ngày đầu năm nhằm thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên, đồng thời cầu mong mưa thuận gió hòa, đời sống người dân yên ấm, thịnh vượng.
Trước đây, lễ tạ ơn rừng chỉ được làm quy mô làng bản, nay địa phương làm thành lễ hội văn hóa tổ chức khơi mào cho hoạt động du lịch cộng đồng theo kiểu sinh thái bền vững. Đồng bào tự hào về bản sắc văn hóa riêng và quần thể cây pơ mu, rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên còn giữ được. Người Cơ Tu không chỉ là tộc người giữ được nét văn hóa riêng, họ còn có lối sống cộng đồng, tộc họ rất rõ thể hiện qua các lễ hội săn bắn, tế thần, luôn ăn chung mâm cả làng vào ngày hội thể hiện sự đoàn kết ý chí và tính thống nhất rất cao.
Thành Trung
Bình luận