Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ năm, 06/01/2022 11:01
TMO - Theo báo cáo mới nhất của WWF, khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng hiện là nơi cư trú của 44 loài linh trưởng, trong đó 25 loài sinh sống tại Việt Nam. Các loài động vật này đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa sinh tồn.
Báo cáo “Các loài linh trưởng của Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng: thực trạng, các mối đe dọa và những nỗ lực bảo tồn” đã ghi nhận sự đa dạng tuyệt của quần thể các loài cu li, khỉ, voọc và vượn sống tại năm quốc gia chia sẻ chung dòng Mekong - Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Sự tồn tại của 44 loài linh trưởng trong khu vực, trong đó có 19 loài đặc hữu là minh chứng cho tính đa dạng sinh học loài tại tiểu vùng Mekong. Ảnh. WWF.
Trong số 44 loài, hiện có tới 1/4 thuộc nhóm cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ IUCN. Việt Nam có 5 loài linh trưởng đặc hữu (voọc Cát Bà, voọc mông trắng, voọc mũi hếch, chà vá chân xám và vượn mào đen Phương Đông) đều nằm trong danh sách 25 loài linh trưởng cực kỳ nguy cấp trên toàn cầu.
Các loài linh trưởng thường bị săn bắn, buôn bán làm thuốc, thực phẩm và thú cưng. Đáng chú ý là báo cáo dự đoán tất cả các loài vượn, khỉ châu Á và châu Phi có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2.
Nhằm thúc đẩy nỗ lực bảo tồn linh trưởng tại một số quốc gia, địa phương, WWF đang tiến hành khảo sát quần thể vượn tay trắng ở Khu bảo tồn quốc gia Nam Poui (Lào) hay voọc Hà Tĩnh ở Thạch Hóa, Quảng Bình, đồng thời hỗ trợ tuần tra rừng tại khu vực Trung Trường Sơn nhằm gỡ bỏ bẫy thú và giải cứu các cá thể linh trưởng bị mắc bẫy.
Bên cạnh đó, WWF cũng hỗ trợ thành lập, mở rộng các khu bảo tồn tại Quảng Nam, Thừa Thiên Huế…, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về các loài hoang dã, đặc biệt là các loài linh trưởng. Tất cả những nỗ lực này nhằm thiết lập một hành lang an toàn cho các loài sinh sôi phát triển.
Ngọc Thanh
Bình luận