Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ tư, 21/02/2024 07:02
TMO - Việc xây dựng quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông góp phần tạo ra sự thay đổi và làm nên sức mạnh tổng hợp giải quyết các vấn đề sử dụng hài hòa nguồn nước, cải thiện môi trường nước…
Việt Nam có 13 sông là dòng chính các lưu vực sông lớn cần được xem xét, phân tính, đánh giá và xây dựng các giải pháp trong các bản quy hoạch tổng hợp lưu vực sông. Đến nay, đã có 8/13 lưu vực sông lớn, sông liên tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch gồm: lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, lưu vực sông Sê San, lưu vực sông Srepok, lưu vực sông Hồng - Thái Bình và lưu vực sông Cửu Long, lưu vực sông Mã, lưu vực sông Hương và lưu vực sông Đồng Nai. Ngoài ra, đối với các lưu vực sông còn lại, Bộ TN&MT đã lên kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện và dự kiến đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành toàn bộ quy hoạch tổng hợp trên 13 lưu vực sông liên tỉnh, sông lớn.
Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông được đánh giá là “chìa khóa” để giải quyết những yêu cầu của thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước về nguồn tài nguyên này. Quy hoạch nhằm dự báo, nhận định xu thế diễn biến tài nguyên nước mặt theo lưu vực sông cho các thời kỳ, giai đoạn 2025, 2030, 2050 và có xét đến các yếu tố biến đổi khí hậu, nhận định, dự báo xu thế diễn biến mực nước dưới đất trên các lưu vực sông. Đặc biệt, Quy hoạch đã tính toán, phân tích, nhận định, đánh giá khả năng đáp ứng của nguồn nước cho các nhu cầu nước của tất cả các lĩnh vực và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên các lưu vực sông theo các mức bảo đảm khác nhau cho từng giai đoạn của quy hoạch.
Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông giữ vai trò quan trọng trong giải quyết những yêu cầu của thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước về nguồn tài nguyên này.
Đối với miền Trung, Tây Nguyên, Quy hoạch lưu vực sông sẽ góp phần quan trọng giúp phòng, chống khô hạn và điều tiết nước. Trong đó, với việc đưa ra các trường hợp về quản lý điều hòa lượng nước có thể khai thác, sử dụng trên toàn lưu vực ứng với các mức bảo đảm khác nhau để đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng nước. Đặc biệt có xét đến trong trường hợp xảy ra thiếu nước để có các biện pháp điều hòa, phân bổ nguồn nước hài hòa giữa các đối tượng khai thác, sử dụng, giữa các vùng, khu vực trên lưu vực sông. Cùng với đó, việc đề xuất bổ sung các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nước, phát triển tài nguyên nước trong quy hoạch.
Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch lưu vực sông Cửu Long được Chính phủ phê duyệt đã đưa ra các trường hợp phân bổ nguồn nước trong điều kiện bình thường và khi xảy ra thiếu nước nghiêm trọng. Trong đó, căn cứ hiện trạng nguồn nước, bản tin dự báo về tình hình khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, mức độ hạn hán, thiếu nước, lượng nước tích, trữ hiện có, nguồn nước dự phòng, khả năng khai thác nước dưới đất, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động quyết định việc sử dụng nguồn nước hiện có trên địa bàn tỉnh; hạn chế phân bổ nước cho các hoạt động sử dụng nước chưa cấp thiết, các đối tượng sử dụng nước lớn, hiệu quả sử dụng nước thấp để ưu tiên cho mục đích sinh hoạt, an sinh xã hội, các ngành sản xuất có hiệu quả kinh tế - xã hội.
Đến 2025, Việt Nam sẽ hoàn thiện quy hoạch tất cả lưu vực sông. Nếu thực hiện đúng như các giải pháp trong quy hoạch đã đề ra thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ cơ bản kiểm soát 90% hoạt động khai thác, sử dụng nước; nâng cao hiệu quả, năng lực khai thác, sử dụng nước và giảm tối đa thất thoát nước trong hệ thống công trình thủy lợi. Tỷ lệ người dân đô thị được sử dụng nước sạch sinh hoạt lên 95 - 100%, ở nông thôn là 65%. 90% nguồn nước được kiểm soát, giảm mức thất thoát nước xuống dưới 10%.
Mới đây, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số 20/QĐ-TTg, số 21/QĐ-TTg và số 22/QĐ-TTg ngày 8/1/2024. Mục tiêu của việc lập quy hoạch tổng hợp ba lưu vực sông Mã, Hương, Đồng Nai nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông và toàn vùng quy hoạch; tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái.
Theo Bộ TN&MT, các Quy hoạch sẽ là căn cứ quan trọng, phục vụ rất đắc lực cho công tác quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phòng chống và khắc phục tác hại do nước gây ra trên các lưu vực sông, hướng tới, tài nguyên nước các lưu vực sông được quản lý, bảo vệ như tài sản công và đúng với giá trị của tài nguyên nước trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên 03 lưu vực sông. Việc các Quy hoạch được công bố công khai sẽ đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, và doanh nghiệp đồng thời cũng giúp các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đưa ra các chương trình, kế hoạch thực hiện tốt, từ đó sẽ giúp người dân doanh nghiệp tin tưởng vào hoạt động quản lý của cơ quan có thẩm quyền, tin tưởng vào nhà nước.
Do vậy, để bảo đảm các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã, sông Hương và sông Đồng Nai được thực hiện đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đạt được các mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị căn cứ vào những nội dung của Quy hoạch của các lưu vực sông, các đơn vị chuyên môn của Bộ TN&MT chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch và tổ chức thực hiện Quy hoạch; kiểm tra, giám sát việc thực hiện; định kỳ đánh giá tình hình thực hiện và rà soát, điều chỉnh Quy hoạch theo quy định. Chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong Bộ để đưa ra các giải pháp bảo vệ nguồn nước, cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, sớm nghiên cứu triển khai xây dựng hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định để điều hòa, phân phối nguồn nước; vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực để tiến dần đến quản lý, điều hòa nguồn nước trên cơ sở các quy hoạch bằng công cụ số.
Các địa phương cần điều hòa, phân bổ, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước.
Với quan điểm tài nguyên nước được quản lý tổng hợp theo lưu vực sông, thống nhất về số lượng, chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu, liên vùng và giữa các địa phương trên cùng lưu vực, Bộ trưởng Bộ TN&MT đề nghị các cơ quan quản lý của Bộ phải tăng cường hơn nữa phối hợp, kết hợp với các bộ, ngành, địa phương, phân định rõ trách nhiệm để việc quản lý tài nguyên nước sẽ đảm bảo được mục đích, yêu cầu của từng dòng sông, từng địa phương, đưa ra các giải pháp bảo vệ nguồn nước, cải tạo, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm làm “sống lại các dòng sông chết”, từ đó sẽ đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông được xây dựng trên cơ sở lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu phải sống chung và chủ động thích ứng; gắn kết hiện trạng, định hướng sử dụng tài nguyên nước với tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất và các tài nguyên thiên nhiên khác. Đây là cơ sở xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương và các ngành, lĩnh vực có khai thác, sử dụng nước trên lưu vực để bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch của các ngành có khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông.
Triển khai thực hiện Quy hoạch Để triển khai thực hiện các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời ban hành văn bản (số 738/BTNMT-TNN; số 739 BTNMT-TNN; số 740 BTNMT-TNN và số 741/BTNMT-TNN NGÀY 31/01/2024) đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên các lưu vực sông quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và chỉ đạo thực hiện các nội dung Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo nhiệm vụ được giao.
Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT cho biết, 4 nhóm giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông gồm: Tăng cường hoàn thiện thể chế, chính sách, các quy chuẩn về khai thác, sử dụng, tái sử dụng tài nguyên nước; Điều hòa, phân bổ, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước; Các giải pháp về phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra; Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế.
Theo nhiệm vụ được giao, năm 2024, Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cả thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Trà Khúc thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Ba Thời kỳ đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Kôn – Hà Thanh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Minh Tuấn
Bình luận