Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 06:01
Thứ năm, 23/11/2023 13:11
TMO - Việc tăng cường công tác quản lý, phát triển hệ sinh thái rừng mặn trong những năm qua góp phần giúp nhiều địa phương trên cả nước thích ứng với biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng, đảm bảo tính toàn vẹn của hệ sinh thái địa phương, đồng thời giúp người dân cải thiện và nâng cao sinh kế.
Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), mặc dù rừng ngập mặn chỉ chiếm 0,7% diện tích rừng toàn cầu, song có thể lưu trữ 20 tỷ tấn carbon, tương đương khoảng 2,5 lần lượng khí thải nhà kính toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, hệ sinh thái rừng ngập mặn đang chịu áp lực rất lớn từ hoạt động của con người trong khi vai trò của chúng trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thường bị bỏ qua. Rừng ngập mặn tiếp tục bị chặt hạ để lấy gỗ/củi, chuyển đổi thành các dự án phát triển ven biển và nuôi trồng thủy sản. Việc chuyển đổi này gây ra một lượng lớn khí thải nhà kính, góp phần làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu.
Phát triển hệ sinh thái rừng mặn giúp các địa phương thích ứng với biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng, đảm bảo tính toàn vẹn của hệ sinh thái.
Việt Nam hiện có 28 tỉnh, thành có biển với 125 huyện ven biển, trải dọc theo bờ biển dài hơn 3.260 km. Do đó, rừng ngập mặn có tầm quan trọng trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và phát triển bền vững cũng như trong việc tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và tăng trưởng Xanh. Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trong do thu hẹp về diện tích vì tình trạng khai thác chặt phá rừng diễn ra một cách khá phổ biến. Những cơn gió, bão, sóng biển cũng là nguyên nhân làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng ngập mặn.
Ngoài ra, hệ sinh thái rừng ngập mặn ở nước ta đang chịu áp lực rất lớn từ hoạt động của con người trong khi vai trò của rừng trong giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu thường bị bỏ qua. Rừng ngập mặn tiếp tục bị chặt hạ để lấy gỗ/củi, chuyển đổi thành các dự án phát triển ven biển và nuôi trồng thủy sản. Việc chuyển đổi này gây ra một lượng lớn khí thải nhà kính, góp phần làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá của UNDP, việc mất rừng ngập mặn nhanh chóng đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với khả năng phục hồi, đa dạng sinh học ven biển và sinh kế của hàng triệu người sống phụ thuộc vào các hệ sinh thái này. Việc khôi phục rừng ngập mặn không chỉ đơn thuần là một mệnh lệnh về môi trường mà còn là nghĩa vụ đạo đức đối với các thế hệ tương lai.
Thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 và các thách thức, cơ hội cho quản lý bền vững rừng ngập mặn tại Việt Nam, Cục Lâm nghiệp cho biết, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2016/NĐ-CP về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ NN&PTNT cũng ban hành các thông tư quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính, công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp, các biện pháp lâm sinh cũng như hướng dẫn kỹ thuật cho 15 loài cây trồng ngập mặn chủ yếu. Đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành 08 tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng hàng rào giảm sóng, giữ bùn, tạo bãi trồng rừng cũng như các tiêu chuẩn về giống các loài cây ngập mặn.
Các địa phương đẩy mạnh công tác phát triển, bảo vệ rừng ngập mặn trước tác động của biến đổi khí hậu.
Kết quả, các địa phương đã tổ chức bảo vệ 309.131 ha rừng ven biển, đạt 112% so với kế hoạch. Về phát triển rừng, tổng diện tích rừng đã trồng là trên 6,3 nghìn ha rừng trồng tập trung, trồng 327 nghìn cây phân tán. Xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển, hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng như: tu bổ đê, kè, xây dựng tường mềm chắn sóng, giữ bùn để gây bồi, tạo bãi để trồng rừng, nhà trạm, tháp canh bảo vệ rừng, đường ranh cản lửa, đường tuần tra, bảo vệ rừng,…
Một số địa phương trồng rừng ven biển đạt kết quả cao như: Quảng Ninh (843 ha); Hải Phòng (663 ha); Quảng Bình (601 ha); Hà Tĩnh (599 ha); Quảng Trị (533 ha) và nhiều địa phương vùng ven biển khác. Tổng nguồn vốn đã đầu tư thông qua 71 dự án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển là trên 2,1 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là từ nguồn vốn ODA, chiếm 64,16%.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức đang đặt ra với công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn như tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất quy hoạch cho trồng rừng ven biển sang mục đích khác, xâm lấn đất rừng để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và các hoạt động trái phép khác vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều dự án trồng rừng ven biển còn chậm tiến độ, ở một số nơi việc gây bồi, tạo bãi để trồng rừng chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn cây giống chưa được kiểm soát về nguồn gốc nên chất lượng chưa bảo đảm...
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, rừng ngập mặn có tác dụng duy trì cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, đặc biệt là vai trò phòng hộ của rừng ngập mặn như bức tường xanh vững chắc bảo vệ bờ biển, đê biển, hạn chế xói lở và các tác hại của bão lụt. Nhờ hệ thống rễ chằng chịt của các loài cây rừng ngập mặn đã giữ lại trên bề mặt các trầm tích, góp phần mở rộng thể nền ra phía biển; hấp thụ chất ô nhiễm, kim loại nặng từ các cửa sông đổ ra biển, bảo vệ sinh vật vùng ven bờ, bảo vệ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường chính sách quản lý rừng và hiệu quả của việc nâng cao hiệu quả và giá trị kinh tế của rừng ngập mặn ven biển ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhận thức được vai trò không thể thiếu của rừng ngập mặn trong bảo tồn đa dạng sinh học, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hỗ trợ kinh tế, các địa phương kêu gọi tăng cường hợp tác liên ngành, tài chính bền vững, và lồng ghép bảo tồn rừng ngập mặn vào các chính sách khí hậu của quốc gia và quốc tế.
Hồng Nhung
Bình luận