Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 13:11
Thứ bảy, 22/04/2023 12:04
TMO - UBND TP. HCM đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước trên địa bàn trước tác động của biến đổi khí hậu, nguy cơ gia tăng ô nhiễm.
Theo thống kê, hiện TP.HCM đang sử dụng khoảng 70% là nguồn nước mặt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân, công nghiệp và các dịch vụ khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện các nguồn nước mặt phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của TP.HCM đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm vi sinh.
Cụ thể, hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm vi sinh và ô nhiễm nhẹ dầu mỡ. Còn chất lượng nước của các kênh rạch trên địa bàn thành phố không thể sử dụng khi chỉ đạt tiêu chuẩn nguồn nước loại B và đang bị ô nhiễm vi sinh nghiêm trọng. Còn đối với nguồn nước ngầm, hiện đang bị cạn kiệt nghiêm trọng do việc khai thác tự phát nhiều năm qua tại nhiều khu vực. Đồng thời, việc đô thị hóa, kênh rạch bị san lấp, ô nhiễm đã làm hạn chế khả năng bổ cập tự nhiên cho các tầng nước ngầm.
Sông Sài Gòn đoạn chảy qua trung tâm TP.HCM. Ảnh: QT.
Thời gian qua, TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt. Theo đó, thành phố đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, gắn liền với cải tạo các khu dân cư xuống cấp, di dời các hộ dân sống trên sông, kênh rạch; di dời các khu vực nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư.
Ngoài ra, TP.HCM đã xây dựng, hoàn thành 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung, gồm: Nhà máy xử lý nước Bình Hưng - giai đoạn 1 công suất 141.000m3/ngày, Nhà máy Bình Hưng Hòa công suất 30.000m3/ngày, Nhà máy Tham Lương - Bến Cát công suất 131.000m3/ngày. Theo kế hoạch, giai đoạn 2020-2025, khi hoàn thành Nhà máy xử lý nước Bình Hưng - giai đoạn 2 (469.000m3/ngày), Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (480.000m3/ngày) và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống bao cũng như phát huy công suất của Nhà máy Tham Lương - Bến Cát thì tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý sẽ đạt 77,48%.
Để kiểm soát chặt chất lượng môi trường nói chung và nước mặt nói riêng, đặc biệt tại các vị trí thượng nguồn cũng như khu vực cho công tác cấp nước trên địa bàn, TP.HCM đặc biệt quan tâm đến công tác quan trắc chất lượng nguồn nước. Sở TN&MT phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan rà soát, đôn đốc các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc trường hợp phải đăng ký hoặc phải có giấy phép khẩn trương thực hiện thủ tục đăng ký hoặc nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo tính nghiêm minh, bình đẳng của pháp luật, tránh thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách nhà nước.
Thành phố đưa vào vận hành các nhà máy xử lý nước thải, giảm nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước mặt trên địa bàn.
Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tổ chức thực hiện đăng ký và xác nhận đăng ký khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển, khai thác, sử dụng nước dưới đất theo thẩm quyền quy định tại Điều 38, Điều 39 Nghị định số 02/2023/NĐ-CP và Quyết định số 4335/QĐ-UBND ngày 13/12/2022 của UBND TP về ban hành danh mục, bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đôn đốc các chủ quản lý, vận hành công trình thủy lợi thực hiện việc đăng ký hoặc cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước theo quy định của Nghị định nêu trên. Cụ thể như sau: Trường hợp công trình thủy lợi đang khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc trường hợp phải đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 17, thì thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 02/2023/NĐ-CP. Trường hợp công trình thủy lợi thuộc đối tượng phải có giấy phép theo quy định tại khoản 2 Điều 17 thì khẩn trương nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 32, Điều 35 Nghị định số 02/2023/NĐ-CP.
Các đơn vị quản lý vận hành công trình thủy lợi, có tổ chức, cá nhân khác khai thác, sử dụng nước mặt trực tiếp từ hồ chứa, đập dâng thủy lợi, hệ thống kênh thủy lợi, để cấp cho các mục đích kinh doanh, dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp (bao gồm cả khai thác nước cho hoạt động làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt) mà đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi chưa được cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích nêu trên, yêu cầu các tổ chức, cá nhân lập và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 32, Điều 35 Nghị định số 02/2023/NĐ-CP.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, TP.HCM sẽ tiếp tục lộ trình nâng cấp và mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường theo Đề án đã được phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường. Huy động tối đa các nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các dự án, các doanh nghiệp để nâng cấp và đầu tư mới cho mạng lưới quan trắc. Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch “Triển khai thực hiện Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025”, TP.HCM sẽ đầu tư mạng lưới quan trắc sụt lún mặt đất tại 11 vị trí quan trắc thủ công gián đoạn.
Thu Trần
Bình luận