Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 16:11
Thứ năm, 23/03/2023 15:03
TMO - UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các Sở, ngành chức năng, địa phương chú trọng phát triển vật liệu xây dựng, gắn hiệu quả kinh tế với bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường, nhằm đảm bảo hoạt động khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng bền vững trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, vật liệu xây dựng thông thường là nguồn nguyên liệu quan trọng phục vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay phát sinh một số vấn đề bất cập trong việc quản lý, sử dụng vật liệu xây dựng thông thường, cung không đủ cầu, giá sản phẩm cao bất thường so với các tỉnh lân cận.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành về việc thanh tra trách nhiệm công tác tham mưu quản lý Nhà nước đối với các mỏ vật liệu xây dựng thông thường; việc lập, đăng ký giá, thẩm định và công bố giá vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh. Đoàn thanh tra sẽ là làm rõ nguyên nhân của việc thiếu nguồn vật liệu xây dựng thông thường trong khi nguồn tài nguyên của tỉnh khá dồi dào; giá vật liệu xây dựng cao hơn so với các tỉnh lân cận và trách nhiệm của các ngành, địa phương trong công tác quản lý khoáng sản trong thời gian qua. Qua đó, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nói trên, tránh gây lãnh phí nguồn đầu tư công, đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng phục vụ các công trình, dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Ngoài ra, UBND tỉnh Phú Yên giao Sở Xây dựng trong quá trình thực hiện công bố giá vật liệu xây dựng thông thường, hàng tháng kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền các trường hợp có biến động giá bất thường (tăng mạnh hoặc giảm sâu) và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh. Tiếp tục rà soát, tham mưu bổ sung các điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với quy mô lớn, phân bổ đều ở khắp các huyện, thị xã, thành phố để đảm bảo nguồn cung vật liệu lâu dài.
Đồng thời, yêu cầu các nhà đầu tư được cấp phép khai thác tiến hành tổ chức khai thác theo đúng giấy phép; gửi thông tin giá vật liệu xây dựng về Sở Xây dựng công bố theo đúng giá thị trường; nghiêm cấm việc lợi dụng khan hiếm vật liệu của các công trình xây dựng để chèn ép, nâng giá bán, bán cao hơn giá được công bố, niêm yết; yêu cầu các chủ mỏ khoáng sản đang hoạt động khai thác không được bán sản phẩm cao hơn giá niêm yết; trường hợp phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tỉnh Phú Yên tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm siết chặt hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhanh chóng hoàn chỉnh thủ tục để sớm được cấp giấy phép khai thác khoáng sản; đưa mỏ vào hoạt động, tăng nguồn cung vật liệu vật liệu xây dựng thông thường, nhất là đất san lấp. Tập trung tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản các điểm mỏ đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hoàn chỉnh thủ tục để tiếp tục đấu giá các mỏ còn lại theo Kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt.
Sở Tài chính nghiên cứu quy định Luật Giá năm 2012 và quy định về quản lý giá để tham mưu đề xuất UBND tỉnh đưa các loại hàng hóa (đất đắp, cát xây dựng, đá xây dựng) vào đối tượng kê khai giá để quản lý theo Quyết định số 936/QĐ-UBND ngày 08/8/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành danh sách các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký giá, kê khai giá trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Cùng với công tác thanh, kiểm tra, địa phương này xác định hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản được triển khai nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản. UBND tỉnh Phú Yên đã công khai việc đấu giá tài sản đối với quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với 10 mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Danh mục đấu giá các mỏ khoáng sản bao gồm: 10 mỏ khoáng sản được đấu giá gồm 4 mỏ đất, 4 mỏ đá, 1 mỏ cát, 1 mỏ sét. Các mỏ này thuộc loại khoáng sản đất san lấp, đá làm vật liệu xây dựng thông thường, cát xây dựng, sét làm gạch ngói sẽ được đưa ra đấu giá từ ngày 06/3/2023 đến ngày 29/3/2023 với tổng giá khởi điểm tạm tính khoảng 33.523.142.625 đồng.
UBND tỉnh Phú Yên cũng cho biết việc khai thác đối với các mỏ đá, mỏ đất, và sét nói trên chủ yếu dựa vào phương pháp khai thác lộ thiên, có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cùng các phương tiện xe cơ giới để bốc xúc trực tiếp lên phương tiện vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Tất cả các mỏ đưa ra đấu giá quyền khai thác khoáng sản đều có tài sản gắn liền với đất (cây keo, bạch đàn, mía, cây ăn quả...); đa số diện tích đất đã giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng.
Do vậy, tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải thực hiện giải phóng mặt bằng trước khi thuê đất để hoạt động khai thác khoáng sản; đối với các điểm mỏ đất san lấp có rừng trồng thuộc quy hoạch lâm nghiệp (rừng sản xuất) khi thực hiện dự án khai thác khoáng sản, Nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục trồng rừng thay thế và chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 nhấn mạnh đến các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đối với khai thác tài nguyên khoáng sản, Phú Yên sẽ tăng cường công tác điều tra cơ bản đối với các chủng loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng; thực hiện cấp phép đúng theo quy hoạch được duyệt, tuân thủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường ở các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện đấu giá và không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gắn khai thác khoáng sản với chế biến khoáng sản; chỉ đạo thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, đồng thời ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản...
Minh Thu
Bình luận