Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 18:01
Thứ ba, 28/03/2023 14:03
TMO - Tỉnh Hải Dương đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ và quản lý chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác, xử lý triệt để vấn đề khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh; bảo vệ cảnh quan, môi trường, an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương tại các khu vực có khoáng sản.
Tỉnh Hải Dương có tiềm năng rất lớn về khoáng sản làm vật liệu xây dựng Nguồn khoáng sản này tập trung chủ yếu ở các mỏ thuộc huyện Kinh Môn và thành phố Chí Linh. Trong đó đáng chú ý nhất là đá vôi xi măng, sét xi măng, phụ gia xi măng, sét trắng, cao lanh, sét chịu lửa và các khoáng sản sản xuất vật liệu xây dựng thông thường như đá xây dựng, đất sét gạch ngói, cát xây dựng.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện tỉnh có 17 khu vực có khoáng sản làm vật liệu san lấp. Căn cứ theo tiêu chí về thời gian nhanh nhất đưa khoáng sản ra thị trường có thể chia làm 4 nhóm. Bao gồm 6 khu vực tổng trữ lượng gần 13 triệu m3 cát đen, đất pha cát, đất đồi không cần thông qua thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản; 2 khu vực trữ lượng gần 5 triệu m3 đất đồi san lấp sẽ giải quyết qua thủ tục đấu giá; 3 khu vực có thể tổ chức đấu giá theo thủ tục (chưa có kết quả thăm dò); 6 khu vực cần tổ chức đấu giá theo thủ tục (chưa có kết quả thăm dò) sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường xác định vị trí, ranh giới.
UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được ban hành.
Qua theo dõi và đánh giá của Sở TN&MT, hoạt động khai thác khoáng sản thời gian qua đã cung ứng nguồn nguyên vật liệu phục vụ hoạt động xây dựng, dân sinh và đóng góp vào ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Việc cắm mốc các khu vực được cấp phép khai thác và kiểm soát sản lượng khai thác chưa tốt. Chưa có phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Tình trạng vi phạm liên quan tới hoạt động khai thác khoáng sản vẫn diễn biến phức tạp… Trước thực trạng này, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
Theo phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được ban hành, toàn tỉnh có 79 khu vực khoáng sản nằm trong các quy hoạch khoáng sản của địa phương và trung ương, 8 khu vực không nằm trong quy hoạch khoáng sản hiện nay nhưng có khoáng sản cần phải bảo vệ. Có 1.339 khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản. Ngoài ra, còn có các khu vực khác ở Chí Linh, Kinh Môn có tiềm năng về khoáng sản cần phải bảo vệ.
Tỉnh đã đưa ra các giải pháp cụ thể bảo vệ các khu vực khoáng sản chưa khai thác. ếp tục rà soát quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan để bảo đảm đồng bộ, chính xác và thống nhất với nội dung của Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tích hợp trong quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi được phê duyệt. Việc cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh phải thực hiện theo đúng quy hoạch về khoáng sản đã được phê duyệt.
Chú trọng công tác xây dựng và tuyên truyền pháp luật về khoáng sản. Thường xuyên làm tốt công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung không còn phù hợp, ban hành các quy định quy phạm mới để giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ giấy phép khai thác khoáng sản.
UBND tỉnh giao các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ công tác đóng của các mỏ khoáng sản.
Thực hiện cấp phép khai thác khoáng sản thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với trường hợp phải đấu giá theo quy định của pháp luật nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các chủ giấy phép phải thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác khoáng sản, buộc các chủ giấy phép phải bảo vệ trữ lượng khoáng sản tốt hơn.
Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động khoáng sản trái phép. Tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành với UBND cấp huyện và UBND cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo lĩnh vực và địa bàn quản lý. Phát huy chức năng giám sát, quản lý và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn của các tổ chức chính trị - xã hội và của người dân. Tiếp tục phát huy hiệu quả của Đề án “Phòng, chống khai thác cát trái phép trên địa bàn tỉnh Hải Dương” với vai trò chủ công, thường trực của lực lượng Công an...
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, đến cuối tháng 3, toàn tỉnh đã có 41 trong tổng số 50 mỏ khoáng sản đã và đang thực hiện việc đóng cửa. Trong đó có 21 mỏ có quyết định đóng cửa hoặc quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, 16 mỏ đang được thẩm định hồ sơ đóng cửa, 4 mỏ đang lập hồ sơ đóng cửa. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục đôn đốc để đóng 9 mỏ còn lại.
Lê Mai
Bình luận