Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ sáu, 29/09/2023 13:09
TMO - Hoạt động chống thất thu thuế trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản tại nhiều địa phương trên cả nước đã có chuyển biến. Tuy nhiên, để kiểm soát thu thuế đạt hiệu quả tại nhiều địa phương vẫn còn gặp khó khăn.
Trong 8 tháng của năm 2023 chỉ tiêu thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước toàn ngành Thuế thực hiện ước đạt 92,1% dự toán. Con số trên cho thấy công tác quản lý thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản đạt kết quả khá tích cực. Tuy nhiên, dù sản lượng khoáng sản khai thác đã được quản lý tốt hơn nhưng số thuế nộp ngân sách nhà nước từ hoạt động này vẫn chưa tương xứng so với quy mô, trữ lượng khoáng sản đã được cấp phép khai thác. Hiện tượng lãng phí, thất thoát tài nguyên, khai thác khoáng sản trái phép, trốn thuế còn phổ biến, gây thất thu ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Cục Thuế tỉnh Bình Định cho biết, những năm gần đây, công tác quản lý thuế đối với hoạt động khai thác khoảng sản (KTKS) đạt kết quả khá tích cực. Tuy vậy, dù sản lượng khoáng sản khai thác đã được quản lý tốt hơn nhưng số thuế thu nộp vào ngân sách nhà nước từ hoạt động này vẫn chưa tương xứng; đặc biệt là so với quy mô, trữ lượng khoáng sản đã được cấp phép khai thác. Ngoài ra, một số doanh nghiệp được cấp phép KTKS chưa thực hiện nghiêm quy định pháp luật trong việc xác lập các nghĩa vụ tài chính phát sinh, cá biệt có những đơn vị còn cố tình dây dưa không nộp thuế, khiến nợ đọng tiền thuế, tiền cấp quyền KTKS kéo dài.
Theo đó, Sở TN&MT chủ động chia sẻ thông tin cơ sở dữ liệu về vị trí các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh; trữ lượng khoáng sản; 145 giấy phép KTKS đã được các cấp có thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp, giúp ngành Thuế tỉnh thực hiện quản lý, thu thuế hoạt động KTKS. Bên cạnh đó, Sở TN&MT, Sở TT&TT, Cục Thuế tỉnh và UBND các huyện cũng tăng cường giám sát hoạt động KTKS qua hệ thống kết nối camera tại các nơi diễn ra hoạt động khai thác, doanh nghiệp… để cùng quản lý, thu thuế. Mặt khác, phối hợp kiểm tra, đối chiếu sản lượng khoáng sản hằng năm do doanh nghiệp kê khai nộp thuế với báo cáo kết quả khai thác từ thực tế; xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ nhà nước trong hoạt động KTKS của các doanh nghiệp trước khi kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành quyết định cấp phép, gia hạn, chuyển nhượng quyền KTKS.
Tỉnh Bình Định ứng dụng bản đồ số mỏ khoáng sản trong công tác quản lý thuế, chống thất thu ngân sách từ hoạt động khai thác này.
Địa phương này đã triển khai ứng dụng bản đồ số mỏ khoáng sản trong công tác quản lý thuế. Trang web ứng dụng bản đồ số mỏ khoáng sản có địa chỉ: http://ks.biditaxmap.vn, được chia thành bốn khối chức năng chính: Tra cứu quyết toán thuế theo năm; tra cứu quyết toán theo kỳ; bản đồ số; phản hồi thông tin. Trong đó, khối chức năng tra cứu quyết toán theo năm phục vụ cho việc tra cứu các thông tin liên quan đến quyết toán theo từng năm, bao gồm quyết toán thuế tài nguyên khai thác; quyết toán phí bảo vệ môi trường; quyết toán thuế tài nguyên thu mua.
Ngoài ra, khối chức năng này cũng cung cấp số liệu về số lượng doanh nghiệp, số mỏ khoáng sản, thuế tài nguyên quyết toán và tổng thuế tài nguyên kê khai. Với khối chức năng bản đồ số giúp truy công khai các giấy phép liên quan đến mỏ khoáng sản, bao gồm số giấy phép, tình trạng cấp phép cho doanh nghiệp, tình trạng kê khai thuế của doanh nghiệp và cả tình trạng của những doanh nghiệp có tài nguyên mà không có giấy phép.
Đắk Nông có trữ lượng tài nguyên, khoáng sản khá phong phú, với nhiều loại như: cát, đá, bô xít… Những năm gần đây, việc khai thác ở lĩnh vực này diễn ra khá sôi động. Để tăng cường số thu ngân sách từ hoạt động này, ngành Thuế đã có nhiều nỗ lực trong chống thất thu. Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Thuế tỉnh đã thực hiện kiểm tra liên ngành, đối chiếu số lượng khai thác khoáng sản và số liệu kiểm kê hàng tháng tại nhiều cơ sở.
Qua đó, ngành Thuế đã yêu cầu các cơ sở khai thác, kinh doanh khoáng sản bổ sung tổng số tiền thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường là hơn 1,6 tỷ đồng. Thực tế, thất thu thuế trong hoạt động khai thác khoáng sản vẫn diễn ra nhiều. Theo Cục Thuế tỉnh, để góp phần chống thất thu thuế, Sở TN&MT cần có trách nhiệm đối chiếu sản lượng tài nguyên khoáng sản đã khai thác tại từng mỏ của các đơn vị. Các bên liên quan phối hợp cùng ngành Thuế để cung cấp các thông tin liên quan về lĩnh vực khoáng sản. Về cấp giấy phép khai thác, điều chỉnh, bổ sung, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản… cần được thông tin cho ngành Thuế kịp thời hơn...
Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các địa phương phải phối hợp với cơ quan chức năng rà soát sản lượng tài nguyên khoáng sản khai thác thực tế của người nộp thuế trên địa bàn nhằm chống thất thu thuế.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, chống thất thu thuế trong hoạt động khai thác khoáng sản, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các địa phương phải phối hợp với cơ quan Tài nguyên và Môi trường rà soát sản lượng tài nguyên khoáng sản khai thác thực tế của người nộp thuế trên địa bàn nhằm chống thất thu thuế.
Theo Tổng cục Thuế, cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế, cơ quan Tài nguyên và Môi trường để quản lý hoạt động khai thác tài nguyên tại địa phương đã được quy định rõ tại khoản 6, Điều 5, Thông tư số 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về Thuế tài nguyên và Nghị định số 27/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản. Theo đó, trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin kê khai của người nộp thuế về sản lượng tài nguyên thực tế khai thác kê khai trong năm theo từng mỏ khi kết thúc năm tài chính do cơ quan Thuế chuyển đến, cơ quan Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đối chiếu với sản lượng tài nguyên đã khai thác tại từng mỏ do đơn vị khai thác kê khai, nộp thuế với dữ liệu đã có tại cơ quan mình.
Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định sản lượng khai thác thực tế của đơn vị trong trường hợp có chênh lệch (nếu có) và chuyển thông tin cho cơ quan Thuế để xử lý theo quy định của Luật Quản lý Thuế. Đồng thời, trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin chi tiết về khối lượng đất đá bóc, đất đá thải và khối lượng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác kê khai trong năm theo từng Giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn do cơ quan Thuế chuyển đến, Sở TN&MT địa phương có trách nhiệm đối chiếu số lượng đất đá bóc, đất đá thải và khối lượng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác theo từng Giấy phép do người nộp phí kê khai với dữ liệu đã có tại cơ quan mình. Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định sản lượng khai thác thực tế của đơn vị trong trường hợp có chênh lệch (nếu có) và chuyển thông tin cho Cơ quan Thuế để xử lý theo quy định của Luật Quản lý Thuế.
Để đảm bảo việc quản lý thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản được chính xác, kịp thời, Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế sau khi chuyển thông tin kê khai thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản trong năm của người nộp thuế, phải chủ động yêu cầu, đôn đốc cơ quan Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn cung cấp thông tin về sản lượng tài nguyên, khối lượng đất đá bóc, đất đá thải và khối lượng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác của người nộp thuế để tổng hợp xử lý về thuế theo quy định của Luật Quản lý Thuế và các quy định pháp luật thuế có liên quan.
Thanh Tuyền
Bình luận