Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ ba, 30/05/2023 07:05
TMO - UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ngành có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công theo Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, không để phát sinh điểm nóng về ô nhiễm môi trường cho rác thải rắn sinh hoạt ở địa phương, cơ sở.
Thực hiện Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Yên Bái đã đổi mới, hoàn thiện thực hiện cơ chế, chính sách, quy hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt; hoàn thiện một bước tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của các đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đầu tư trang thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt...
Đồng thời, tăng cường năng lực xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung khu vực đô thị, nông thôn; đóng cửa theo lộ trình các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng và doanh nghiệp trong hoạt động quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Báo cáo của ngành chức năng cho thấy, từ năm 2020 đến nay, đề án đã triển khai thực hiện 2 nhóm nội dung chính là đầu tư các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đầu tư nâng cấp, cải tạo các khu xử lý hiện tại. Theo đề án, trong giai đoạn 2020 - 2025, Yên Bái đầu tư 13 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt với tổng kinh phí trên 272, 4 tỷ đồng, trong đó có 7 lò từ nguồn ngân sách Nhà nước, 6 lò từ nguồn xã hội hóa.
Tuy nhiên do một số địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong việc huy động, mời gọi xã hội hóa nên tỉnh đã điều chỉnh hình thức đầu tư đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại xã An Thịnh, huyện Văn Yên và lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại xã Y Can, huyện Trấn Yên từ hình thức xã hội hóa sang ngân sách nhà nước. Hiện nay, kinh phí đã giải ngân là trên 33,3 tỷ đồng. Cũng theo đề án, tỉnh thực hiện đầu tư nâng cấp 15 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, đến nay đã có 2 bãi chôn lấp rác thải đóng, dừng tiếp nhận rác;13 bãi rác còn lại chưa được đầu tư nâng cấp, cải tạo và hiện vẫn đang sử dụng.
Xử lý rác thải tại lò đốt rác xã Đông Cuông, huyện Văn Yên.
Đến nay, sau 2 năm thực hiện Đề án, tỷ lệ CTRSH đô thị được thu gom, xử lý đạt trên 88,8%, ở khu vực nông thôn đạt trên 33,7%; 1 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt cụm xã được đầu tư và đi vào hoạt động (tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên); đang triển khai đầu tư xây dựng 2 lò đốt CTRSH cụm xã tại huyện Yên Bình (xã Vĩnh Kiên, xã Cảm Nhân). Đến nay, có khoảng 150 tổ, đội tự quản thu gom CTRSH (tăng 117 tổ, đội tự quản so với năm 2020). Ủy ban MTTQ các cấp cũng thành lập mới và duy trì hoạt động của 676 tổ tự quản về môi trường.
Tại thành phố Yên Bái, sau hai năm thực hiện Đề án, tỷ lệ thu gom rác thải đạt 90%, trong đó khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 80%. Trên địa bàn thành phố có 154 điểm thu gom rác thải, các khu vực công cộng đều được bố trí đầy đủ các loại thùng rác. Thị xã Nghĩa Lộ đang thực hiện thu gom 40 tấn rác thải/ ngày. Đối với 4 phường của thị xã, tỷ lệ thu gom rác thải đạt 98%. Đối với các xã còn lại đã thành lập 65 tổ thu gom rác thải thực hiện thu gom rác trên các tuyến đường thôn, xóm. Sau khi thu gom sẽ tập trung tại một địa điểm cố định để đơn vị thu gom vận chuyển đến bãi xử lý rác tập trung của thị xã. Đối những khu dân cư xa nơi thu gom rác thì người dân thực hiện thu gom, xử lý rác ngay tại hộ gia đình theo hình thức chôn lấp
Bên cạnh những kết quả được, việc triển khai nhiều nội dung của Đề án còn chậm so với kế hoạch như: việc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá thu gom, xử lý, hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của các tổ chức thu gom, xử lý rác; việc triển khai các dự án đầu tư cơ sở xử lý CTRSH tập trung; đóng cửa các bãi chôn lấp. Việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong hoạt động thu gom, xử lý chất thải còn hạn chế. Việc phân loại CTRSH tại nguồn chưa phổ biến; tình trạng vứt rác bừa bãi còn xuất hiện ở nhiều nơi; còn một lượng lớn chất thải chưa được thu gom, xử lý theo quy định (11,2% ở khu vực đô thị; 66,3% ở khu vực nông thôn).
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, nguồn kinh phí để xây dựng các lò đốt rác hạn chế, nhiều địa phương chưa chủ động bố trí nguồn ngân sách nên đến nay mới triển khai xây dựng 1/7 lò theo Đề án. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chưa chủ động trong giải phóng mặt bằng, thu hút mời gọi các nhà đầu tư xử lý rác thải theo hình thức xã hội hóa và chưa có sự thống nhất chung về cơ chế quản lý, phương thức vận hành, đơn giá thu phí xử lý chất thải rắn.
Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đạt 93,4%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn đạt trên 51,2%. Để thực hiện mục tiêu này, Yên Bái xác định quản lý CTRSH là trách nhiệm chung các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và toàn xã hội.Trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, tạo cơ sở pháp lý, kinh tế và kỹ thuật cho việc hoạch định các chương trình, dự án đầu tư nhằm tăng cường và nâng cao năng lực xử lý CTRSH.
Khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và đầu tư xây dựng các công trình, dự án xử lý CTRSH tập trung với công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; xóa bỏ toàn bộ các điểm tập kết, tồn lưu CTRSH tự phát, bảo đảm chấm dứt tình trạng xả rác không đúng quy định; nâng cấp, cải tạo hoặc đóng cửa các bãi chôn lấp CTRSH tự phát trên địa bàn.
Rác thải được thu gom, phân loại đưa vào xử lý nhằm tái chế, tái sử dụng hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh ủy Yên Bái nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của tỉnh là quản lý CTRSH là trách nhiệm chung các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương và toàn xã hội; trong đó, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, tạo cơ sở pháp lý, kinh tế và kỹ thuật cho việc hoạch định các chương trình, dự án đầu tư nhằm tăng cường và nâng cao năng lực xử lý CTRSH; đồng thời, khuyến khích, có cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và đầu tư xây dựng các công trình, dự án xử lý CTRSH tập trung với công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường nhằm giảm phát khí thải nhà kính, an toàn và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, qua đó, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng môi trường sống và chỉ số hạnh phúc cho người dân.
Thời gian tới Ban cán sự đảng UBND tỉnh tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện đề án, so sánh với mục tiêu đã đề ra, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án đến năm 2025 đảm bảo chi tiết các nhiệm vụ đến từng sở, ban, ngành, địa phương; chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và các văn bản, hướng dẫn có liên quan.
Sở Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt, bảo đảm tiến độ, mục đích, yêu cầu đề ra; rà soát, điều chỉnh tiến độ thực hiện các phần việc đang chậm tiến độ để bảo đảm tổng tiến độ thực hiện Đề án; khẩn trương tham mưu để UBND tỉnh ban hành, sửa đổi định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, khung giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh ngay sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn. Triển khai thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn các phường, xã của thành phố Yên Bái và các huyện Văn Yên, Yên Bình.
Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, lựa chọn các công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng các quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện thực tế của địa phương; nghiên cứu, hoàn thiện các mô hình về thu gom, vận chuyển, quản lý vận hành các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xây dựng các nội dung tuyên truyền tiêu chuẩn quy định của Sở Tài nguyên và Môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đặc biệt là đối với việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt...
Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, xây dựng phương án bố trí vốn thực hiện các dự án đầu tư khu xử lý CTRSH tập trung, xử lý, đóng cửa các bãi chôn lấp CTRSH trên địa bàn tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, lựa chọn, tiếp nhận chuyển giao công nghệ xử lý CTRSH tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện thực tế của địa phương.
Các sở, ngành có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công theo Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, không để phát sinh điểm nóng về ô nhiễm môi trường cho rác thải rắn sinh hoạt ở địa phương, cơ sở.
Đối với các huyện, thị xã, thành phố cần đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để sớm triển khai thi công xây dựng và đưa vào khai thác vận hành các cơ sở xử lý CTRSH tập trung trên địa bàn, bảo đảm tiến độ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý CTRSH; xóa bỏ toàn bộ các điểm tập kết, tồn lưu chất thải rắn sinh hoạt tự phát, bảo đảm chấm dứt tình trạng xả rác không đúng quy định trên địa bàn; nâng cấp, cải tạo hoặc đóng cửa các bãi chôn lấp CTRSH trên địa bàn. Tập trung nhân rộng mô hình tổ, đội tự quản về vệ sinh môi trường ở các thôn, bản, tổ dân phố; vận động các gia đình, dòng họ ký cam kết về việc thực hiện nghiêm các quy định thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
M. Cường
Bình luận