Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 14:11
Thứ sáu, 28/06/2024 14:06
TMO - UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương nghiêm túc thực hiện công tác quản lý, khai thác và sử dụng đất làm vật liệu san lấp, sau khi kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 45 khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp, với diện tích hơn 834 ha; trữ lượng tài nguyên dự báo hơn 60 triệu m3. Tỉnh đã cấp phép khai thác 83 khu vực mỏ (trong đó có 20 mỏ còn hiệu lực), tổng diện tích 360 ha, tổng trữ lượng hơn 18 triệu m3. Vừa qua, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa công bố kết luận thanh tra việc cấp phép, quản lý, khai thác đối với 28 mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp giai đoạn 2017 - 2022 trên địa bàn tỉnh.
Theo kết luận thanh tra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, các đơn vị khai thác khoáng sản có những thiếu sót, vi phạm trong việc cấp giấy phép khai thác, hoạt động khai thác, thực hiện các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, đóng cửa mỏ, chuyên mục đích sử dụng rừng, thực hiện các nghĩa vụ tài chính.
Thanh tra tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý hoạt động khai thác mỏ đất àm vật liệu san lấp giai đoạn 2017 - 2022 trên địa bàn tỉnh.
Có nhiều mỏ đất được cấp giấy phép khai thác không thông qua đấu giá theo quy hoạch. Nhưng giấy phép không giới hạn các công trình được phép cung cấp vật liệu đất san lấp. Nhiều mỏ đất được cấp giấy phép khai thác không có phụ lục đính kèm; thời hạn khai thác phục vụ dự án lớn hơn thời hạn cho phép thực hiện tại giấy chứng nhận đầu tư; giấy phép khai thác chưa đúng mẫu quy định, chưa bảo đảm về thời gian, đơn vị được cấp phép gia hạn chưa thực hiện thủ tục thuê đất và nghĩa vụ liên quan; trữ lượng cho phép không trùng với trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác.
Trong đó, có 10 mỏ đất được cấp giấy phép khai thác không thông qua đấu giá theo quy hoạch khoanh định khu vực không đấu giá nhưng giấy phép khai thác không giới hạn các công trình được phép cung cấp vật liệu đất san lấp; 5 mỏ đất chưa thực hiện nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, 6 mỏ đất được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy phép khai thác nhưng các đơn vị không thực hiện các thủ tục thuê đất;
12 mỏ đất chưa thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và lập phương án trồng rừng thay thế nhưng đã tiến hành khai thác; 8 mỏ không thực hiện đầy đủ các quy định trong quá trình khai thác như không bố trí trạm cân, không lắp đặt camera giám sát, không bố trí trạm vệ sinh xe tại cổng khu mỏ…
Ngoài ra, có 19 mỏ đất có vi phạm trong việc kê khai thiếu sản lượng; kê khai không đúng thuế suất, đơn giá tính thuế tài nguyên, hệ số tính phí bảo vệ môi trường theo phương pháp khai thác lộ thiên; sản lượng khai thác lớn hơn so với giấy phép khai thác được cấp. Chánh Thanh tra tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành 19 quyết định thu hồi số tiền hơn 4,5 tỷ đồng nộp vào ngân sách Nhà nước...
Trước sai phạm trên, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công văn yêu cầu Sở TN&MT; UBND các huyện, thị xã, TP. Huế và các tổ chức, đơn vị có liên quan tăng cường hơn nữa công tác quản lý, sử dụng đất đối với các dự án hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đảm bảo theo đúng quy định pháp luật nhằm ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Trong đó, Sở TN&MT tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản; Hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức, cá nhân đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác thực hiện các thủ tục về đất đai, khoáng sản theo đúng quy định; trong đó phải thực hiện thủ tục thuê đất theo đúng quy định của pháp luật đất đai trước khi tiến hành tổ chức khai thác theo quy định;
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật. Rà soát các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết thời hạn khai thác để hướng dẫn xem xét thủ tục gia hạn theo đúng quy định của pháp luật; nếu không thuộc trường hợp được gia hạn giấy phép khai thác thì yêu cầu lập thủ tục đóng cửa mỏ và tham mưu UBND tỉnh thủ tục thu hồi đất giao cho địa phương để thực hiện việc quản lý theo đúng quy định.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác trên.
UBND các huyện, thị xã và TP. Huế chủ trì, phối hợp với Sở, ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản trong nhân dân trên địa bàn; Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng ban liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm như: Khai thác ngoài phạm vi, ranh giới được cấp phép; khai thác khoáng sản khi chưa lập thủ tục thuê đất, khai thác khoáng sản trái phép, không phép và vi phạm khác có liên quan theo quy định pháp luật.
Chỉ đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất phối hợp với các địa phương, đơn vị quản lý chặt chẽ diện tích đất đối với các mỏ đã hết hạn và thu hồi giao địa phương quản lý; chống lấn chiếm và xây dựng phương án khai thác hiệu quả, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định. Trường hợp để xảy ra tranh chấp lấn chiếm, sử dụng không đúng quy định sau thời điểm bàn giao thì Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh và pháp luật.
Các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản thực hiện đầy đủ các thủ tục về khai thác khoáng sản, đất đai, các thủ tục có liên quan theo đúng quy định và phải thực hiện thủ tục thuê đất trước khi tiến hành khai thác khoáng sản; Thực hiện công tác đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường và bàn giao đất cho Nhà nước quản lý sau khi kết thúc khai thác theo đúng quy pháp luật.
Lê Thư
Bình luận