Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ sáu, 05/01/2024 13:01
TMO - Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý khoáng sản, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian qua, ngoài việc tăng cường triển khai lập quy hoạch, điều tra, thăm dò tài nguyên khoáng sản, nhiều địa phương đã tổ chức và nâng cao hiệu quả thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Luật Khoáng sản đã có quy định về nguyên tắc, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản phải thực hiện trên cơ sở đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Bên cạnh đó, năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Sau đó, Thông tư 54 /2014 hướng dẫn về đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và Bộ Tài chính ban hành.
Đến nay, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản được triển khai đã giúp tăng cường công tác quản lý khoáng sản, đồng thời tăng thu ngân sách Nhà nước. Thông qua hoạt động đấu giá, cơ quan chức năng lựa chọn được những tổ chức, cá nhân có tiềm lực về tài chính, năng lực về quản lý, có công nghệ hiện đại tham gia vào hoạt động khai thác. Cũng thông qua đấu giá, các doanh nghiệp có cơ hội cạnh tranh công bằng, hạn chế tối đa độc quyền trong khai thác khoáng sản. Nhiều địa phương trong cả nước đã phê duyệt kế hoạch đấu giá và đấu giá thành công nhiều mỏ khoáng sản, mang lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách Nhà nước.
Các địa phương tổ chức và nâng cao hiệu quả thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Ảnh minh họa).
Tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1087 về việc tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tư pháp và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có biểu hiện bất thường, kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.
Xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường; đề xuất các giải pháp để hạn chế các tác động tiêu cực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngay sau đó, Cục Khoáng sản Việt Nam đã tham mưu cho Bộ TN&MT một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đặc biệt, trước các cuộc đấu giá cần phải giải thích rõ với nhà đầu tư rằng đối tượng đấu giá là gì, ngoài nghĩa vụ tiền cấp quyền trúng đấu giá, nhà đầu tư vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí khác theo quy định của pháp luật, vẫn phải thực hiện việc đầu tư để khai thác, vận chuyển, chế biến, lưu trữ và tiêu thụ khoáng sản khai thác được để có phương án trả giá phù hợp với trữ lượng, chất lượng, điều kiện khai thác, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ của từng mỏ.
Về quản lý, theo quy định của Luật Khoáng sản, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền quản lý, cấp phép của UBND cấp tỉnh, do đó Cục Khoáng sản Việt Nam sẽ tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại địa phương. Ngoài việc tổ chức đấu giá theo đúng quy định, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên và cá nhân, tổ chức có liên quan, cần quan tâm, chú trọng đến việc kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định sau khi cấp phép.
Cụ thể như: việc theo dõi, khai báo, thống kê, kiểm kê và kiểm soát sản lượng khai thác thực tế, trữ lượng được phép khai thác, trường hợp khai thác hết trữ lượng được cấp phép mà mỏ vẫn còn trữ lượng thì tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Xử lý nghiêm các hành vi khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh và sử dụng khoáng sản trái phép, không có giấy phép, khai thác vượt ra ngoài ranh giới cấp phép theo quy định, đặc biệt là đối với cát, sỏi lòng sông, lòng hồ.
Là địa phương có trữ lượng khoáng sản phong phú, Phú Thọ đã thực hiện đấu giá công khai quyền khai thác khoáng sản, theo quy định tại Luật Khoáng sản năm 2010. Toàn tỉnh đã phê duyệt Phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản của 36 mỏ. Đến nay, đã có 34 mỏ đã thực hiện đấu giá, có 32 mỏ đã được đấu giá thành công với tổng số tiền thu về cho ngân sách nhà nước qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản (tiền cấp quyền khai thác khoáng sản) đạt hơn 940 tỷ đồng, tăng thu ngân sách so với giá khởi điểm ước đạt 673 tỷ đồng. Hiện tại, đã có hai mỏ đi vào hoạt động khai thác đều thuộc phường Minh Nông, TP.Việt Trì là: Mỏ cát lòng sông Hồng tại Minh Nông 1 với có diện tích 28,7ha và mỏ cát lòng sông Hồng tại Minh Nông 2 với diện tích 17,13ha.
Ngành chức năng tỉnh Phú Thọ đã xây dựng các quy hoạch, kế hoạch về khoáng sản theo đúng quy định, làm cơ sở cho công tác quản lý, sử dụng tài nguyên.
Theo đánh giá của ngành chức năng, khi áp dụng hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá được sàng lọc cẩn thận, chỉ khi đủ điều kiện mới được tham gia đấu giá. Doanh nghiệp muốn khai thác khoáng sản phải chứng minh được năng lực tài chính (qua đấu giá); kinh nghiệm khai thác và cam kết sử dụng công nghệ khai thác chế biến hiện đại, đảm bảo về môi trường...
Tuy nhiên, công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập như: Các quy định pháp luật về đấu giá tài sản và khoáng sản chưa đồng bộ. Nhiều nội dung của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP không phù hợp với Luật Đấu giá tài sản năm 2016: Giá khởi điểm, tiền đặt trước, đối tượng tham gia đấu giá, bán hồ sơ mời tham gia đấu giá. Đối với khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng khi đưa ra đấu giá gặp nhiều vướng mắc đối với việc hoàn trả kinh phí thăm dò giữa đơn vị trúng đấu giá với đơn vị đã đầu tư kinh phí thăm dò khoáng sản.
Tháng 6/2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 2421/KH-UBND về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh. Trong đó, giao Sở TN&MT thông báo công khai danh mục khu vực có khoáng sản đưa ra đấu giá thông tin cơ bản về điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản; các thông tin về cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Phối hợp với sở, ngành liên quan xác định diện tích, trữ lượng khu vực khoáng sản đấu giá; xây dựng tiêu chí lựa chọn tổ chức tham gia đấu giá, xác định giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước. Xây dựng tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; lập hồ sơ mời đấu giá quyền khai thác khoáng sản; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định.
Ngành chức năng tỉnh Phú Thọ đã xây dựng các quy hoạch, kế hoạch về khoáng sản theo đúng quy định, làm cơ sở cho công tác quản lý, sử dụng tài nguyên được chặt chẽ, hiệu quả; công tác thẩm định hồ sơ về khoáng sản ngày càng chặt chẽ; cải cách thủ tục hành chính được quan tâm thực hiện tốt; đã giải quyết được nhiều tồn tại trong công tác quản lý sử dụng tài nguyên, không để xảy ra điểm nóng về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh.
Sở TN&MT tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát tổng thể hiện trạng việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của tất cả các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là các vấn đề về ranh giới, trữ lượng mỏ, sản lượng, công suất khai thác hàng năm... Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác phải thiết lập hệ thống và thực hiện quan trắc, giám sát tác động xói lở lòng, bờ sông theo quy định; chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác, không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông.
Lê Hồng
Bình luận