Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 08:11
Thứ hai, 29/07/2024 14:07
TMO - Phát huy lợi thế của hệ sinh thái rừng những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, gắn với việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 650.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có Vườn Quốc gia (VQG) Bến En và một phần VQG Cúc Phương, 3 khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông, Xuân Liên, Pù Hu, 2 khu bảo tồn loài Nam Động, Sến Tam Quy, 8 ban quản lý rừng phòng hộ và 11 khu bảo tồn danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa.
Tại các khu vực này có nguồn tài nguyên rừng quý giá, hệ động, thực vật phong phú, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng, kỳ vĩ, nhiều nơi còn lưu giữ những cánh rừng còn giàu tài nguyên gắn với bản sắc văn hóa của các dân tộc, được trải rộng khắp trên địa bàn tỉnh tạo ra một hệ sinh thái đa dạng, đặc sắc với các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo riêng biệt... Đây là tiềm năng, thế mạnh lớn để khai thác, phát triển du lịch sinh thái. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã phát triển được 30 khu du lịch sinh thái. Nhiều khu lịch sử văn hóa nằm trên địa bàn có rừng cũng đã khai thác được thế mạnh, thu hút đông đảo khách du lịch.
Cảnh quan thiên nhiên tại các VQG, Khu BTTN trên địa bàn tỉnh là lợi thế để các địa phương phát triển du lịch sinh thái đồng thời triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Vườn Quốc gia Bến En nằm trên địa bàn huyện Như Thanh và Như Xuân có tổng diện tích tự nhiên hơn 14.305,9 ha và 30.000 ha rừng vùng đệm, phần lớn là rừng nguyên sinh với hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng. Nơi đây có hồ Sông Mực rộng lớn, nước trong xanh, có các đảo biệt lập, cảnh quan thơ mộng. Xung quanh Vườn quốc gia Bến En là nơi sinh sống của đông đảo đồng bào các dân tộc Thái, Mường. Đồng bào dân tộc nơi đây, còn gìn giữ nhiều phong tục tập quán và nét văn hóa vô cùng đặc sắc.
Để khai thác phát triển du lịch thu hút du khách đến tham quan, Ban Quản lý VQG Bến En đã xây dựng “Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng VQG Bến En giai đoạn 2021-2030”. Đẩy mạnh kết nối mở tour du lịch từ VQG Bến En với các điểm du lịch cộng đồng tại các xã phụ cận, trong đó ưu tiên kết nối tour đi Xuân Thái; giới thiệu, hướng dẫn khách đến với điểm Lò cao kháng chiến, vườn hoa Thủy Sơn (thị trấn Bến Sung), vườn bưởi Hải Tân, thôn Vĩnh Lợi (xã Hải Long), lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy (xã Xuân Phúc)...
Xác định bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Bến En đã chủ động thực hiện các giải pháp quản lý bảo vệ rừng, tăng cường nắm bắt thông tin, đổi mới hoạt động tuần tra, kiểm tra rừng kết hợp ứng dụng phần mềm Smart và công nghệ GPS phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, thu hút cộng đồng dân cư, các tổ đội bảo vệ rừng để cùng thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh rừng.
Tại Phương án bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Bến En, giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh đặt mục tiêu bảo vệ hiệu quả diện tích rừng hiện có với trên 10.800ha rừng tự nhiên; tiếp tục duy trì ổn định độ che phủ rừng đạt trên 74%. Nâng cao khả năng, giá trị phòng hộ đầu nguồn và cung cấp nguồn sinh thủy cho hồ sông Mực. Bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ, phát triển các loài động, thực vật, nhất là 101 loài thực vật và 464 loài động vật quý, hiếm, đặc hữu, loài ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật, Sách đỏ Việt Nam và các Hiệp ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên (IUCN, CITES... ).
Triển khai các hoạt động giao khoán bảo vệ rừng nhằm tăng cường sự hỗ trợ, tham gia của chính quyền các địa phương, cộng đồng. Triển khai các loại hình dịch vụ môi trường rừng để tạo thêm khoảng 1.000 việc làm cho người dân vùng đệm và người lao động trong đơn vị; Xây dựng, triển khai hiệu quả các dự án phát triển dân sinh, kinh tế - xã hội.
Đa dạng các loại hình du lịch trải nghiệm tại các Khu BTTN góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch tại các địa phương.
Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên (huyện Thường Xuân) được ví như “kho báu” nơi miền Tây xứ Thanh. Đến Khu BTTN Xuân Liên du khách sẽ được thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ của những cánh rừng nguyên sinh xanh mát. Tại đây đã xác định được 1.142 loài thực vật bậc cao, trong đó nhiều loài trong sách đỏ Việt Nam và trên thế giới. Ngoài ra, còn có nhiều loại cây có tuổi đời hàng nghìn năm được công nhận là cây di sản như pơ mu, sa mu dầu, bách xanh... Cùng với đó, hệ động vật ở đây cũng không kém phần đa dạng, phong phú. Hiện đã thống kê được ít nhất 1.631 loài động vật và nhiều quần thể thú lớn quý hiếm rất có giá trị cho khoa học và cũng là nhóm loài hấp dẫn khách tham quan như vượn đen má trắng, voọc xám...
Phát huy những tiềm năng lợi thế sẵn có đó, những năm qua Khu BTTN Xuân Liên đã chú trọng phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái dựa vào thiên nhiên. Đây là hoạt động du lịch dựa trên các giá trị tự nhiên và cảnh quan của khu bảo tồn để hình thành nên các sản phẩm du lịch tại các điểm như thác Thiên Thủy, thác Hón Yên, thăm các khu rừng nguyên sinh thuộc xã Bát Mọt, đi thuyền ngắm cảnh trên hồ Cửa Đạt. Du lịch sinh thái kết hợp diễn giải các giá trị văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường. Loại hình du lịch này tập trung chủ yếu là khách quốc tế đến nghiên cứu khoa học và tham gia vào các hoạt động văn hóa tại các bản Vịn, bản Đục (xã Bát Mọt).
Ngoài ra, còn có hoạt động chèo thuyền kayak, du lịch ẩm thực... Hoạt động du lịch tại khu bảo tồn đã góp phần thu hút lao động và tạo việc làm cho nhân dân quanh vùng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Du lịch phát triển cũng tạo thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản, góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình và nâng cao đời sống nhân dân.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch tại Khu BTTN này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2457/QĐ-UBND ngày 20/6/2019 về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ lập “Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” qua đó nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân địa phương và thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển Khu BTTN Xuân Liên.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, thu hút trên 45.000 lượt khách du lịch, trong đó có trên 5.000 lượt khách du lịch quốc tế; lượng khách lưu trú đạt khoảng 16.000 lượt khách. Tạo việc làm thường xuyên cho 1.350 lao động trong đó có khoảng 340 lao động trực tiếp, 1.010 lao động gián tiếp; các lao động đều được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Đến năm 2030, thu hút trên 110.000 lượt khách du lịch trong đó có khoảng 10.000 lượt khách du lịch quốc tế; lượng khách ở lại lưu trú đạt trên 48.500 lượt. Tạo việc làm thường xuyên cho 3.300 lao động trong đó có 990 lao động trực tiếp, 2.310 lao động gián tiếp; các lao động đều được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.
Để du lịch sinh thái phát triển, gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, hiện nay tỉnh Thanh Hóa đang hoàn thiện chính sách quản lý và khuyến khích đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh; định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, đề án liên quan đến phát triển du lịch xanh, như: Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX; các đề án phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại một số huyện miền núi của tỉnh.
Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi năm Thanh Hóa thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến các điểm du lịch sinh thái và các điểm di tích có rừng. Do lượng du khách đến tham quan đông, rất dễ gây cháy và xâm hại đến rừng, nên các lực lượng chức năng như kiểm lâm, công an và chính quyền các địa phương luôn phối hợp với ban quản lý, chủ rừng, doanh nghiệp làm du lịch tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về rừng, và phổ biến đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách mới của Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp đến các hộ dân được hưởng lợi, từ đó nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân trong việc công tác bảo vệ rừng.
Để đảm bảo cho công tác quản lý, bảo vệ rừng mà vẫn hoạt động có hiệu quả du lịch, những năm qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các địa phương, các ban quản lý rừng, chủ rừng Nhà nước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật Lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng, giữ vững cảnh quan môi trường, bảo đảm và nâng cao tính đa dạng sinh học đến đông đảo người dân và khách du lịch. Cùng với đó, lực lượng kiểm lâm cũng đã tham mưu cho chính quyền địa phương mua sắm các trang thiết bị bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, tập trung trồng mới các diện tích rừng.../.
Thu Hà
Bình luận