Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 21:01
Thứ hai, 08/04/2024 07:04
TMO - Tỉnh Sơn La triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn, qua đó phát huy hiệu quả các công trình thủy điện nhỏ, đồng thời giải quyết sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ môi trường.
Tính đến tháng 11/2023, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 76 thủy điện nhỏ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng công suất 906,85 MW và 3 thủy điện lớn là Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy thủy điện Huội Quảng, Nhà máy thủy điện Nậm Chiến, với tổng công suất 3120 MW. Sản lượng điện hàng năm đạt từ 10,5 tỷ - 12 tỷ KWh, trong đó có 57 dự án thủy điện nhỏ đã hoàn thành phát điện lên lưới quốc gia với tổng công suất lắp máy 670,25 MW. Hàng năm, các thủy điện lớn và nhỏ đóng góp 10% tổng số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, hàng năm, số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được trên địa bàn tỉnh khoảng 240-260 tỷ đồng, nguồn thu đến chủ yếu từ các cơ sở thủy điện với tỷ trọng thu chiếm hơn 90% tổng thu. Số tiền dịch vụ môi trường rừng thu được hàng năm của Sơn La luôn nằm trong 5 tỉnh có số thu cao nhất cả nước. Từ nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp các cộng đồng quản lý bảo vệ rừng tốt hơn.
Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Sơn La chủ yếu từ các cơ sở thủy điện với tỷ trọng thu chiếm hơn 90% tổng thu. Ảnh: BSL.
Thời gian tới, để quản lý, phát triển các công trình thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh an toàn, hiệu quả, ổn định, bền vững đảm bảo hài hòa giữa việc phát triển kinh tế, giải quyết sinh kế cho người dân gắn với bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh trật tự tại các địa phương thuộc lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh, tỉnh Sơn La bước đầu thí điểm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững một số lưu vực.
Theo đó, tỉnh sẽ từng bước nâng cao chất lượng, tăng độ che phủ rừng, duy trì nguồn sinh thủy ổn định; đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác sử dụng và vận hành, nhất là trong mùa mưa lũ; đảm bảo nguồn sinh thủy phục vụ cho sản xuất điện năng, sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời, tỉnh cũng huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp, thủy điện; lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và sử dụng có hiệu quả từ nguồn thu từ chi trả môi trường rừng để hỗ trợ đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng tại các lưu vực thủy điện nhỏ góp phần cải thiện sinh kế người dân và phát triển an toàn bền vững các lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, địa phương này sẽ tăng cường gắn kết với sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng thông qua xây dựng mô hình gắn kết giữa các nhà máy thủy điện tham gia và chia sẻ lợi ích với các cộng đồng địa phương về quản lý bảo vệ và phát triển rừng nhằm nâng cao mức độ tham gia của cộng đồng địa phương, hạn chế xung đột tác động đến rừng và bảo vệ môi trường sinh thái lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Đề án điểm về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ được thực hiện tại 4 lưu vực thủy điện nhỏ với 12 thủy điện bao gồm: Lưu vực Nậm Chiến, huyện Mường La: Thủy điện Nậm Chiến 1, Nậm Chiến 2, Chiềng Muôn, Pá Chiến; Lưu vực suối Nậm Hồng, huyện Mường La: Thủy điện Chiềng Công 1, Chiềng Công 2, Nậm Pia; Lưu vực Suối Nậm Chim, huyện Bắc Yên: Thủy điện Nậm Chim 1, Nậm Chim 2, Xím Vàng 2; Lưu vực Suối Sập, huyện Bắc Yên, Phù Yên: Thủy điện Suối Sập 1, Suối Sập 3. Thời gian thực hiện Đề án trong giai đoạn 3 năm 2023-2025.
Tỉnh sẽ xây dựng điểm các mô hình về quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững với việc thí điểm hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng; tổ chức quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng cho bảo vệ và phát triển rừng tại các lưu vực thủy điện nhỏ; trồng khôi phục và phát triển rừng đặc dụng, phòng hộ bảo vệ môi trường tại các lưu vực thủy điện nhỏ; chuyển đổi từ đất canh tác nương rẫy trồng cây nông nghiệp ngắn ngày sang hỗ trợ trồng các loài cây ăn quả, cây lâm nghiệp phân tán có tác dụng phòng hộ tạo nguồn sinh thủy cho các công trình thủy điện nhỏ (dự kiến trồng 20.000 cây xanh, chủ yếu là các loài cây lâm nghiệp bản địa lâu năm như: Giổi ăn hạt, Trám đen...
Đặc biệt, sẽ thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng theo các chương trình, dự án được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt với diện tích 64.489,44 ha. UBND tỉnh, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện các mô hình thí điểm trong 03 năm là 63.409,8 triệu đồng, trong đó phân theo nguồn vốn: lồng ghép nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư 45.200,0 triệu đồng (theo Nghị quyết 261/NQ-HĐND ngày 11/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Nghị quyết số 276/NQ-HĐND ngày 12/5/2021 thuộc chương trình phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025)...
Tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững tại một số lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, để triển khai hiệu quả Đề án trên, tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương rà soát, thu hồi, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo Nghị quyết số 92/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ phục vụ quản lý nhà nước và chi trả dịch vụ môi trường rừng, tạo môi trường, điều kiện thu hút đầu tư từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Đồng thời, địa phương này sẽ rà soát trình cấp có thẩm quyền công bố, công khai diện tích lưu vực, diễn biến diện tích rừng, đất lâm nghiệp và độ che phủ rừng hàng năm để xác định diễn biến, biến động rừng tại một số công trình thủy điện nhỏ. Nghiên cứu đề xuất xây dựng/rà soát bổ sung các quy chế quản lý tổng hợp lưu vực thủy điện vừa và nhỏ trong đó có quy chế quản lý về rừng và đất lâm nghiệp tại một số thủy điện nhỏ.
Tổ chức rà soát xác định quỹ đất lâm nghiệp trên cơ sở đó xác định quy mô diện tích thực hiện việc khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng, phục hồi rừng, đặc biệt tại các lưu vực xung yếu, vị trí địa điểm có độ che phủ rừng thấp để cải thiện độ che phủ rừng và nguồn sinh thủy tại các lưu vực thủy điện nhỏ. Thí điểm xây dựng mô hình liên kết giữa một số cộng đồng bản hoặc tổ chức (Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên...) địa phương với các doanh nghiệp thủy điện nhỏ trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, thông qua các hoạt động hỗ trợ bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây phân tán, xây dựng các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp bền vững phát triển sinh kế…
Sơn La đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng mô hình quy chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tại thôn, bản để quản lý bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống thôn/bản theo Kế hoạch số 273/KH-UBND ngày 19/11/2020 của UBND tỉnh. Tổ chức thí điểm áp dụng hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng trực tiếp thực hiện theo điểm a, điểm c, khoản 3, Điều 63, Luật Lâm nghiệp năm 2017. Xây dựng Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ Các-bon rừng. Nghiên cứu đề xuất xây dựng các mô hình nâng cao sinh kế cho người dân.
Địa phương sẽ lồng ghép nguồn lực từ các chương trình đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc rà soát các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách Nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 tại các địa phương, trên cơ sở đó xác định quy mô, diện tích; địa điểm hỗ trợ, đầu tư; phương thức đầu tư, cách thức liên kết giữa nguồn lực đầu tư của nhà nước với người dân, cộng đồng địa phương và doanh nghiệp thủy điện hưởng lợi từ môi trường rừng.
Hỗ trợ, đầu tư trồng phục hồi rừng tại một số lưu vực thủy điện từ nguồn vốn thuộc Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ, đầu tư bảo vệ và phát triển rừng thuộc các lưu vực thủy điện nhỏ. Lồng ghép nguồn vốn từ dịch vụ môi trường rừng đầu tư, hỗ trợ cho công tác khôi phục và phát triển rừng; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp thủy điện cam kết hỗ trợ đầu tư cho các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng, xây dựng và thực hiện các mô hình, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng nâng cao sinh kế (dược liệu dưới tán rừng; lâm sản ngoài gỗ). Nghiên cứu đề xuất cơ chế thỏa thuận tự nguyện hợp tác hoặc thỏa thuận đặt hàng sử dụng rừng mới được hình thành (diện tích rừng trồng mới, rừng khoanh nuôi thành rừng) do cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng trồng rừng, phục hồi rừng với các doanh nghiệp thủy điện sử dụng dịch vụ môi trường rừng tại một số lưu vực thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh. Tổ chức ký cam kết mô hình liên kết giữa các chủ rừng là cộng đồng với các Doanh nghiệp thủy điện trong công tác quản lý và phát triển bền vững tại một số thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh nghiên cứu đề xuất các chính sách bổ sung ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư bảo vệ môi trường; chính sách hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp thủy điện nhỏ với các đối tượng, hộ dân chịu tác động trong vùng lưu vực bị ảnh hưởng và trong quá trình quản lý bảo vệ phát triển rừng (mỗi lưu vực thuỷ điện nhỏ cần xây dựng được tối thiểu một mô hình sinh kế cho nhân dân phù hợp với điều kiện và lợi thế của từng lưu vực; từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, đem lại giá trị kinh tế cao); chính sách miễn, giảm thuế, phí đối với hoạt động bảo vệ môi trường...
Công tác tuyên truyền vận động các Công ty/doanh nghiệp thủy điện và nhân dân chung tay hỗ trợ các nguồn lực hoặc trích một phần lợi nhuận hàng năm để hỗ trợ cho các cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng tại các lưu vực thủy điện nhỏ cũng được đẩy mạnh triển khai.
Lê Nga
Bình luận