Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 02:01
Thứ ba, 27/06/2023 12:06
TMO - UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát về việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản nhằm kiểm soát sản lượng khai thác hàng năm, đồng thời có phương án bảo vệ nguồn khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Yên Bái, sau 9 năm thực hiện các quy định của Trung ương, của tỉnh nhất là Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh như CT số 02/CT-UBND ngày 06/01/2014 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi lòng sông; CT số 07/CT-UBND ngày 28/5/2015 về việc tăng cường công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh các cấp ủy chính quyền đã nâng cao trách nhiệm, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương.
Các ngành chức năng, địa phương đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, kịp thời ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.., qua đó, đưa công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp, hạn chế thất thoát tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn an ninh trật tự...
Tuy nhiên, trong thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản chậm triển khai, thực hiện chưa đầy đủ quy định trong hoạt động khai thác; Việc tập kết, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp chưa được ngăn chặn triệt để; nhiều phương tiện có trọng tải lớn, thậm chí vượt quá trọng tải vận chuyển khoáng sản ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, môi trường.
Ngoài ra, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ. Số vụ việc khai thác khoáng sản trái phép được phản ánh, phát hiện có chiều hướng gia tăng so với các năm (khai thác, tập kết cát, sỏi sông Hồng, xã Minh Quân; đất tại xã Vân Hội; kaolin, felspat xã Tân Hợp; cát, sỏi trên suối Thìa, Hồ Thác Bà; đất tại xã Giới Phiên).
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế, bất cập nêu trên là do một số ngành, cơ quan chức năng và cấp ủy chính quyền địa phương chưa quyết liệt, thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Việc ngăn chặn, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép của một số địa phương còn hạn chế (nhất là trong việc xử lý vi phạm); việc kiểm tra, thanh tra đối với công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đối với cấp xã chưa thực sự quan tâm; chưa phát huy hết vai trò giám sát của nhân dân và các tổ chức đoàn thể trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nguồn khoáng sản chưa khai thác.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo đúng quy định của pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, triển khai thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Khoáng sản, các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác quản lý khoáng sản trên phạm vi cả nước; Nghị quyết số 50-NQ/TU ngày 19/72021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý tài nguyên đất đai, nước, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 và các văn bản liên quan.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả việc triển khai các văn bản triển khai, thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Phương án bảo vệ khoáng sản, bảo vệ cát, sỏi chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; Công văn số 3900/UBND-NLN ngày 15/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ... và 06 Quy chế phối hợp trong quản lý khoáng sản tại khu vực giáp ranh giữa tỉnh Yên Bái với các tỉnh lân cận, gồm: Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La và Lai Châu.
Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh, các Sở, ngành, địa phương liên quan trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, căn cứ kết quả rà soát, xử lý trùng lặp, chồng chéo trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh, hàng năm lồng ghép, đưa vào Kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Sở đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, nước, khoáng sản của UBND cấp huyện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chương trình hành động số 13/Ctr-UBND ngày 28/9/2021 thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TU; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của các tổ chức được cấp phép hoạt động khoáng sản, như các vấn đề về: Ranh giới, trữ lượng, công suất được phép khai thác nhằm kiểm soát sản lượng khai thác hàng năm, vi phạm về bảo vệ môi trường, sử dụng đất trong khai thác khoáng sản, chậm tiến độ thực hiện dự án,... Qua đó, kịp thời phát hiện để xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Các Sở, ngành phối hợp nhằm quản lý hiệu quả, phát huy nguồn lực khoáng sản trong phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: TL.
Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan nâng cao hơn nữa trách nhiệm, chất lượng chuyên môn trong việc thẩm định, phê duyệt, xác nhận trữ lượng khoáng sản theo kết quả thăm dò nhằm đánh giá chất lượng, trữ lượng khoáng sản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định để phục vụ công tác cấp phép, xác định các nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân phải thực hiện với Nhà nước. Việc thẩm định cấp phép hoạt động khoáng sản tuân thủ theo quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ.
UBND tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an cấp huyện, cấp xã: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, thu mua, tàng trữ, kinh doanh, tập kết, vận chuyển khoáng sản theo quy định của pháp luật; đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực khoáng sản, đặc biệt là tội phạm khai thác khoáng sản trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại khoáng sản, trong đó tập trung tại các khu vực giáp ranh giữa các địa phương.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản và các văn bản chỉ đạo, trong đó tập trung tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; vận động người dân không tiếp tay cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Trong năm 2023, hoàn thành việc điều chỉnh hoặc xây dựng, ban hành mới Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý và Quy chế phối hợp trong công tác quản lý khoáng sản tại khu vực giáp ranh để phù hợp với Phương án bảo vệ khoáng sản, bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 2231/QĐ-UBND ngày 29/9/2020.
Chỉ đạo UBND cấp xã và các phòng, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời nắm bắt, khi phát hiện hoặc có thông tin về hoạt động khoáng sản trái phép phải chủ động tổ chức ngay lực lượng giải tỏa, ngăn chặn, xử lý dứt điểm nhằm không để tái diễn trở lại các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đặc biệt là hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, đất san lấp, vàng sa khoáng, đá cảnh, đá mỹ nghệ, đá quý, đá bán quý (đây là những loại khoáng sản phổ biến bị khai thác trái phép thường xuyên được các phương tiện thông tin truyền thông phản ánh trong những năm qua), ...
Đối với các trường hợp phức tạp, nhạy cảm kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý; Hàng năm lồng ghép, đưa vào kế hoạch và thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về đất đai, nước, khoáng sản của UBND cấp xã theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chương trình hành động số 13/CTr-UBND ngày 28/9/2021 thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TU (chú trọng nội dung về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, việc sử dụng đất trong hoạt động khoáng sản). Trong đó, mỗi năm tổ chức thanh tra, kiểm tra từ 04 Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên.
Các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản trong diện tích được cấp giấy phép theo quy định; khai thác khoáng sản theo đúng dự án đầu tư đã được phê duyệt, thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới, khoáng sản đi kèm phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng.
Hàng năm các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan liên quan báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị này cùng với báo cáo kết quả thực hiện Phương án bảo vệ khoáng sản, bảo vệ cát, sỏi chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Yên Bái, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Đức Minh
Bình luận