Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 21:01
Thứ năm, 06/04/2023 14:04
TMO - Hướng đến mục tiêu khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên nước, yêu cầu các địa phương triển khai hiệu quả phương hướng trong khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên này.
Theo báo cáo phương án, khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước ngầm trên địa bàn tỉnh là 537.041,9 m3/ngày; tài nguyên dự báo nước dưới đất bằng 1.790.139,68 m3/ngày.
Nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh chủ yếu thuộc các công trình thủy lợi và hệ thống các sông, suối được khai thác phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp, một phần tạo nguồn cho công trình cấp nước sinh hoạt, phát triển công nghiệp, nuôi trồng thủy sản… Theo thống kê, tổng lượng nước mặt trung bình năm nhiều năm của tỉnh Lạng Sơn khoảng 6,06 tỷ m3, trong đó lượng nước nội sinh là 4,98 tỷ m3; lượng nước từ ngoài chảy vào là 1,08 tỷ m3.
Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn có khoảng 2.808 công trình thủy lợi, trong đó có 160 hồ chứa, 1.481 phai, đập dâng các loại, 163 trạm bơm, 1.004 công trình tạm, guồng cọn. Trong đó, có khoảng 20 hồ chứa lớn có dung tích từ 1 triệu m3 đến 15 triệu m3, phục vụ nhu cầu tưới tiêu cho tổng diện tích khoảng 7.304ha. Những công trình trên góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Theo Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, lượng nước mặt chủ yếu ở các hệ thống sông gồm: Kỳ Cùng, Thương, Lục Nam, Ba Chẽ là gần 5 tỷ mét khối; tại các hồ chứa là 0,135 tỷ mét khối. Các đơn vị khai thác, sử dụng nguồn nước mặt với tổng lượng khai thác gần 290 triệu mét khối/năm. Toàn tỉnh hiện có 102 công trình khai thác tài nguyên nước được cấp phép hoạt động, trong đó, có 56 công trình khai thác nguồn nước mặt. Việc khai thác, sử dụng nguồn nước mặt chủ yếu phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp, một phần tạo nguồn cấp nước cho công trình cấp nước sinh hoạt, thủy điện, công nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, địa phương tăng cường bảo vệ nguồn nước mặt nội tỉnh.
Theo dự báo, tổng nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt tỉnh Lạng Sơn năm 2030 khoảng 35,4 triệu m3, năm 2050 khoảng 37 triệu m3. Trong đó: Nhu cầu nước cho khu vực thành thị năm 2030 là 14,4 triệu m3 và năm 2050 là 15,1 triệu m3; khu vực nông thôn năm 2030 là khoảng 21 triệu m3 và năm 2050 là khoảng 22 triệu m3. Tổng nhu cầu sử dụng nước cho hoạt động công nghiệp tỉnh Lạng Sơn năm 2030 khoảng 45,7 triệu m3, năm 2050 khoảng 85,4 triệu m3. Trong đó: Nhu cầu nước cho hoạt động tiểu thủ công nghiệp năm 2030 là khoảng 3,1 triệu m3 và năm 2050 là khoảng 42,7 triệu m3; hoạt động của các KCN và CCN năm 2030 là khoảng 42,6 triệu m3 và năm 2050 vẫn duy trì ở mức khoảng 42,6 triệu m3. Nhu cầu sử dụng nước cho hoạt động du lịch, dịch vụ tỉnh Lạng Sơn năm 2030 là khoảng 1,4 triệu m3, năm 2050 là khoảng 2,6 triệu m3.
Với sự gia tăng về nhu cầu sử dụng nguồn nước, địa phương này xác định việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong quản lý, bảo vệ nguồn nước tạo điều kiện để Lạng Sơn đảm bảo an ninh nguồn nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, lập quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ nguồn nước, phòng, chống thiên tai.
Theo Quyết định số 1857 của UBND tỉnh về phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, toàn tỉnh có 108 đoạn sông, suối; 24 hồ chứa (dung tích từ 1 triệu mét khối trở lên) phải thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Để thực hiện nhiệm vụ này, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 176/KH-UBND triển khai thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2030. Theo đó, giai đoạn 2020 – 2025, tập trung hoàn thành việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước thuộc danh mục (108 đoạn sông, suối; 24 hồ chứa dung tích từ 1 triệu mét khối trở lên).
Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, các tầng chứa nước trong lưu vực hiện chưa bị suy thoái. Tuy nhiên để phòng ngừa suy thoái miền cấp nước dưới đất, cần thực hiện các giải pháp: Trồng, bảo vệ rừng, tăng diện tích rừng che phủ: Bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ nguồn cấp tự nhiên của tài nguyên nước bao gồm cả nước mặt và nước dưới đất, mục tiêu bảo vệ, phá triển rừng trong kỳ quy hoạch như trong. Giám sát các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước như các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, khu vực tuyển khoáng, khu vực đông dân dư, khu vực chôn lấp chất thải, nghĩa trang, bãi rác …nếu phát hiện cần có biện pháp di dời, phòng ngừa.
Xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên các khu dùng nước, các sông suối chính, các hộ khai thác sử dụng nước lớn như các hồ thủy điện, thủy lợi, các khu công nghiệp… nhằm phát hiện sớm các vi phạm trong khai thác tài nguyên nước đặc biệt các khu vực có nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.
Thiết kế và xây dựng hệ thống cấp thoát nước và xử lý nước thải hợp lý đảm bảo sử dụng tiết kiệm và tăng cường khả năng tái sử dụng nước; thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sản xuất. Thiết kế và xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, nước thải sinh hoạt khu vực dân cư địa bàn thị trấn các huyện, để đảm bảo xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt đạt quy chuẩn chất lượng trước khi thải vào nguồn nước.
Sở TN&MT đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra hoạt động khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm.
Công tác quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên nước được UBND tỉnh Lạng Sơn chú trọng, trong đó tiếp tục xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước, gắn với cơ sở dữ liệu về môi trường, đất đai bảo đảm tích hợp với hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của trung ương; Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thông qua việc kết nối, truyền dữ liệu về hệ thống giám sát. Công khai các thông tin về các cơ sở gây ô nhiễm và các nguồn nước bị ô nhiễm trên địa bàn tỉnh cho nhân dân biết và phát huy sức mạnh cộng đồng trong theo dõi, giám sát các hoạt động bảo vệ nguồn nước.
UBND tỉnh Lạng Sơn giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của tỉnh; điều tra, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ là nguồn nước nội tỉnh; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông suối, hồ tự nhiên trên địa bàn tỉnh; tổ chức thẩm định, trình phê duyệt phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo đúng quy định; thực hiện tích hợp ranh giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định.
Các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất chỉ được phép hoạt động khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định; đồng thời chỉ được thực hiện theo phạm vi, quy mô của Giấy phép đã được cấp. Đối với chủ hồ chứa thủy điện, thủy lợi, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện, thuỷ lợi; Duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập theo quy định trong Giấy phép khai thác sử dụng nước mặt được cơ quan có thẩm quyền cấp…
Đức Mạnh
Bình luận