Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 05/04/2025 04:04
Thứ sáu, 04/04/2025 06:04
TMO - Hải Dương là một trong số những địa phương có diện tích trồng rau màu lớn của cả nước, trong đó có nhiều loại nông sản mang tính chủ lực, cho giá trị kinh tế cao. Để cây trồng phát triển ổn định, Hải Dương luôn chú trọng phục hồi, kiểm tra sức khoẻ, dinh dưỡng cho đất, và quản lý dinh dưỡng cho cây trồng thường xuyên.
Hiện nay, trên cả nước có gần 120.000 ha đất nông nghiệp bị thoái hóa bao gồm đất bị suy giảm độ phì; bị xói mòn; sa mạc hóa; bị kết vón; bị mặn và phèn hóa. Diện tích đất có mức chất lượng thấp chiếm khoảng 12% so với tổng diện tích đất tự nhiên. Theo các nhà khoa học, đất là một thực thể sống nhưng lâu nay việc lạm dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật kéo dài đã làm cho cấu trúc đất bị phá vỡ.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cho biết, cần có quy định về thành phần sinh vật phải có trong đất canh tác. Trong đó, phân bón cũng phải hướng đến hình thành thế hệ phân bón thông minh, cải tạo đất. Các tập quán canh tác như trồng nhiều vụ trong năm hay độc canh cây trồng không chỉ làm giảm độ tơi xốp của đất mà còn gây mất cân bằng dinh dưỡng, khiến đất trơ cứng và không thể phục hồi.
Theo Lãnh đạo Hội Khoa học Đất Việt Nam cho biết có tới 33% đất nông nghiệp ở Việt Nam đang bị thoái hóa ở các mức độ khác nhau, vậy nên việc bổ sung chất hữu cơ cho đất là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài. Do đó đất cần được xem như một cơ thể sống với ba thành phần chính: vật lý, khoa học và sinh vật đất.
Hiện trên cả nước có gần 120.000ha đất nông nghiệp bị thoái hoá.
Trước những thực tế trên, xác định canh tác nông nghiệp, canh tác rau màu là sinh kế quan trọng của người nông dân, thời gian qua, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã liên tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phục hồi, cân bằng dưỡng chất đất sản xuất nông nghiệp, tạo nên những mùa màng bội thu. Đại diện Hợp tác xã trên địa bàn xã Nam Tân (Nam Sách) chia sẻ, năng suất tỏi tươi vụ đông năm 2024 toàn xã đạt bình quân 1 tấn/sào, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023.
Trước đó, bà con cũng được mùa vụ hành, năng suất bình quân 800 kg/sào, cũng tăng khoảng 15%. Năng suất hành, tỏi tăng đều đặn trong 2 năm gần đây. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thành quả này nhưng cái chính là do đất đã khoẻ trở lại.
Còn theo chia sẻ của nông dân địa phương, mấy vụ trước do đất bạc màu mà cây hành, tỏi dù trồng ra khóm to hay khóm nhỏ, củ vẫn không đồng đều, năng suất chỉ bằng 2/3 vụ Đông vừa rồi. Từ ngày tăng cường phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học giúp đất đai phục hồi, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, củ hành, tỏi phát triển đồng đều, to, mẫu mã sáng. Hơn nữa, hành, tỏi sản xuất ra cũng cảm thấy an toàn hơn do không phải phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật như trước.
Để cây trồng nông nghiệp phát triển tốt, người dân huyện Nam Sách nói chung và người dân xã Nam Tân nói riêng đã lựa chọn các loại phân bón phù hợp nhất. Đơn cử, đối với cây lúa, nông dân sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm vi sinh vào quá trình sản xuất từ vụ Đông Xuân năm 2024; toàn xã có khoảng 7 ha áp dụng các loại phân bón, chế phẩm này.
Kết quả là cây lúa phát triển tốt, giảm sâu bệnh, năng suất đạt 68 tạ/ha, cao hơn hẳn so với những ruộng canh tác theo phương thức truyền thống. Bà con thấy hiệu quả nên từ đó đến nay tích cực áp dụng. Xã Nam Tân có khoảng 220 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 40 ha chuyên canh cây rau màu. Những năm trước đó, sản xuất lúa và rau màu có một số giai đoạn kém hiệu quả.
Tuy nhiên, vụ Mùa năm 2023, khoảng 3 - 4 ha lúa ở thôn Long Động bị bệnh vàng lùn xoắn lá, lùn sọc đen... Không ít diện tích rau màu trong xã bị chết hoặc kém phát triển, năng suất sụt giảm do mắc các loại bệnh nghẹt rễ, thối rễ, nấm khuẩn, vàng lá... Việc phun thuốc hoá học không những không thể tiêu diệt được nấm khuẩn gây bệnh mà còn ngày càng làm cho các loại vi sinh vật có lợi trong đất bị tiêu diệt.
Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng nhiều gây nên tình trạng ngộ độc hữu cơ, ngộ độc hoá học trong đất. Khả năng chuyển hoá chất dinh dưỡng của đất kém gây ra dịch bệnh cho lúa, rau màu... Trước tình hình trên, vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024, các hợp tác xã lần đầu phối hợp thử nghiệm mô hình sản xuất an toàn theo hướng sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trên 1 ha hành.
Mô hình cho hiệu quả rõ rệt. Đến vụ Đông Xuân năm 2024 - 2025, toàn xã đã có 50 ha trồng hành, tỏi sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học. Từ thành công trên cây hành, tỏi, các chủ thể HTX tiếp tục vận động nông dân áp dụng cách làm này trên lúa cùng một số loại rau màu khác và đều đem lại những kết quả tích cực. Chế phẩm sinh học chứa vi sinh vật, có khả năng cố định ni tơ, phân giải phốt phát khó tan, đồng thời hoà tan ka li, giúp cung cấp các chất dinh dưỡng, cải tạo độ phì và tăng khả năng giữ ẩm cho đất.
Đất tơi xốp giúp cây trồng phát triển ổn định, cho năng suất cao.
Đất trở nên tơi xốp, thoáng khí, giàu mùn, dễ hoà tan, tạo thuận lợi cho bộ rễ cây trồng phát triển. Mở rộng ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất là bước chuyển đổi mang tính chiến lược, giúp cải tạo sức khoẻ đất, giảm sâu bệnh, tăng năng suất và hướng tới nền nông nghiệp xanh ở xã Nam Tân. Đất sản xuất ở nơi đây giờ không chỉ được phục hồi dinh dưỡng mà còn khoẻ, giúp cây trồng phát triển ổn định, ít sâu bệnh gây hại, cho năng suất, chất lượng ngày càng cao.
Việc cải tạo đất bằng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học giúp giảm chi phí đầu vào từ 15 - 30%, tăng năng suất cây trồng từ 5 - 10%. Chất lượng nông sản ngày càng nâng lên, góp phần bảo đảm sức khoẻ người tiêu dùng.
Suy thoái đất dẫn đến hoang mạc hóa có thể ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực, nhất là môi trường và sinh kế của người dân. Hiện tượng này cũng là căn nguyên của sự biến mất các thảm thực vật dẫn đến ngập, lũ, xâm nhập mặn, suy giảm chất lượng nước và phù sa của sông, hồ. Ngoài ra, hoang mạc hóa khiến cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của quốc gia.
Việc bảo vệ sức khoẻ của đất và chú trọng dinh dưỡng cây trồng là việc làm cấp thiết. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã sớm triển khai Đề án "Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" đã được phê duyệt.
Điều đó cho thấy tính cấp thiết của đề án bởi thực trạng thoái hóa đất do các hoạt động nông nghiệp không bền vững đang ở mức báo động trong khi đây là tư liệu sản xuất đặc biệt, không thể tái tạo.
Đề án ra đời với mục tiêu và kỳ vọng giúp ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt trên cơ sở quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả nhằm hạn chế suy thoái đất, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, carbon thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trước đó, với việc thực hiện đề án về phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, quản lý dinh dưỡng cây trồng, hiện mức sử dụng phân bón hữu cơ đã tăng lên gần 3 triệu tấn. Trên cơ sở khung pháp lý của đề án nâng cao sức khỏe đất, Việt Nam đặt mục tiêu hình thành hệ thống nhân lực khoa học chuyên về đất và bác sỹ về sức khoẻ của đất, nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ dinh dưỡng đất bền vững, lâu dài trong tương lai.
Mai Hạ
Bình luận