Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ năm, 12/10/2023 04:10
TMO - Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu nằm trên địa bàn huyện Quan Hóa và Mường Lát, là một trong những khu vực ghi nhận mức độ đa dạng sinh học cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu công tác phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực này được chú trọng triển khai.
Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hu thuộc hệ sinh thái chuyển tiếp giữa dãy núi Hoàng Liên Sơn và Bắc Trường Sơn, là nơi cư trú của nhiều loài động, thực vật đặc hữu. Thảm thực vật ở Khu BTTN Pù Hu còn đóng vai trò điều tiết khí hậu, góp phần duy trì cân bằng sinh thái. Với diện tích 24.200 ha, kết quả điều tra về đa dạng sinh học cho thấy, hiện Khu bảo tồn này có 2.640 loài động thực vật, trong đó có 52 loài thực vật, 51 loài động vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007.
Thông qua nhiệm vụ khoa học "Điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố và bảo tồn các loài Mang tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hu (2022-2024)" trên diện tích rừng rừng đặc dụng và 54 thôn bản thuộc vùng đệm, kiểm lâm viên tại Khu BTTN đã phát hiện loài Mang Hoẵng Vó Vàng và loài Mang Lào với khoảng 5.300 cá thể đang sinh sống và kiếm ăn tại các khu rừng Pù Hu. Theo Ban Quản lý Khu BTTN Pù Hu, thực hiện nhiệm vụ khoa học này, kiểm lâm viên đang điều tra hiện trạng, phân bố quần thể của các loài Mang tại Khu bảo tồn và vùng đệm.
Đồng thời, xác định đặc điểm sinh thái, thành phần thức ăn và sinh cảnh sống, cấu trúc quần thể và các yếu tố đe dọa đến môi trường sống, nguy cơ suy giảm quần thể, cá thể các loài Mang, gắn với công tác kiểm soát súng săn, dụng cụ săn bắt động vật hoang dã ở các bản vùng đệm tại khu bảo tồn. Bên cạnh đó, các kiểm lâm viên cũng sẽ xây dựng các giải pháp bảo tồn và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, chính quyền địa phương về bảo tồn loài các loài Mang. Xây dựng 6 bảng tuyên truyền, in 5.100 tờ gấp, 3.000 Poster và 1 bộ tài liệu tuyên truyền để cấp phát đến cộng đồng, 1 video giới thiệu về các loài Mang hiện có…
Mang Hoẵng vó vàng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu. Ảnh: BQL Khu BTTN.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2022, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hu cho biết, kết quả đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài linh trưởng trong giai đoạn 2019 - 2021 đã phát hiện 5 loài linh trưởng quý hiếm thuộc 1 bộ, 2 họ đang sinh sống tại các khu rừng nhỏ trong khu bảo tồn. Sau quá trình triển khai nghiên cứu, đánh giá Ban quản lý đã xác định được hiện trạng quần thể, giới tính, sinh cảnh sống và xây dựng bộ bản đồ phân bố, 10 tuyến điều tra, 6 tuyến giám sát các loài linh trưởng ở các khu rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu.
Qua đó, phát hiện 5 loài linh trưởng gồm: khỉ cộc, khỉ vàng, khỉ mốc, voọc xám và 1 loài họ cu li nhỏ. Tổng 5 loài linh trưởng quan sát được gồm 41 cá thể, trong đó có 13 cá thể đực trưởng thành, 20 cá thể cái trưởng thành, 4 cá thể đực bán trưởng thành và 4 cá thể cái bán trưởng thành. Hiện Ban quản lý Khu BTTN Pù Hu đã xác định được các nguy cơ đe dọa tuyệt chủng và tìm ra các giải pháp bảo tồn các loài thú quý hiếm này, từ đó có nhiều giải pháp bảo vệ tốt hơn các loài linh trưởng, ngăn chặn tình trạng săn bắn, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của tự nhiên.
Việc triển khai thực hiện dự án này sẽ nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn các loài thú quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng được phục hồi, tạo nên sự cân bằng sinh thái. Qua đó, góp phần bảo vệ các loài động vật rừng hoang dã tại Khu BTTN Pù Hu nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
Để bảo tồn đa dạng sinh học, những năm qua thông qua các đề tài, dự án Ban quản lý Khu BTTN Pù Hu đã đẩy mạnh công tác ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào công tác bảo tồn hệ sinh học tại đơn vị. Đặc biệt, đã phối hợp với đơn vị tư vấn, lập danh lục khu hệ động, thực vật trong KBT với 1.725 loài, thuộc 696 giống, 170 họ, 72 bộ, 12 lớp và 6 ngành, ghi nhận được 915 loài động vật. Đánh giá được mức độ đa dạng sinh học, xây dựng dữ liệu về đa dạng sinh học, xây dựng 1 bản đồ phân bố của một số loài động, thực vật quý hiếm.
Bên cạnh đó, Khu BTTN Pù Hu đã hoàn thành quy hoạch bảo tồn và lập kế hoạch phát triển bền vững đến năm 2020. Tiến hành điều tra hiện trạng phân bố, mối đe dọa 2 loài vàng tâm, sến mật. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuần tra, kiểm tra rừng bằng GPS trên Google Earth. Bổ sung hoàn thiện 39 tiểu khu, xây dựng 39 ô tiêu chuẩn định vị theo dõi, đánh giá diễn thế của rừng. Sưu tầm các tiêu bản động, thực vật phục vụ việc nghiên cứu khoa học. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi sinh trưởng, điều chỉnh tổ thành và nâng cấp vườn thực vật.
Cán bộ Khu BTTN Pù Hu khảo sát, nghiên cứu, bảo vệ loài rùa viền trong khu bảo tồn. Ảnh: KC.
Nhằm bảo vệ và phát triển bền vững giá trị tài nguyên tại Khu BTTN Pù Hu, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt "Phương án bảo tồn và phát triển bền vững Khu BTTN Pù Hu, giai đoạn 2021-2030" với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững rừng đặc dụng và vùng đất ngập nước Khu BTTN Pù Hu gìn giữ, phát huy các giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với thực hiện hiệu quả mục tiêu cải thiện, nâng cao đời sống cho người dân vùng đệm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương...
Trong đó, chú trọng đến nhiệm vụ bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có, ngăn chặn 06 mối nguy cơ đe dọa đến tài nguyên rừng, phục hồi sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, các chương trình nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát triển nguồn gen các loài động thực vật rừng quý, hiếm, có nguy cơ đe dọa cao. Phát triển rừng (trồng mới, nuôi dưỡng, làm giàu diện tích rừng nghèo và nghèo kiệt...) nhằm phát huy tối đa chức năng bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đất, bảo vệ, điều tiết nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất; hạn chế tối đa xói mòn, rửa trôi đất, thiên tai, lũ lụt, hạn hán và cải tạo nâng cao độ phì nhiêu của đất gắn với bảo tồn nguồn gen các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, loài ưu tiên bảo vệ.
Kế hoạch bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được triển khai như sau: Tập trung thực hiện các hoạt động để bảo vệ an toàn 27.653,69 ha rừng và đất rừng. Đối với diện tích rừng dự kiến bàn giao về cho địa phương tiếp tục thực hiện các hoạt động bảo vệ đến khi cấp thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định. Chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), quản lý nương rẫy, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia chữa cháy, xây dựng các công trình phục vụ công tác bảo vệ rừng và PCCCR 25 bảng tuyên truyền, 200 biển báo cấm lửa, 10 đập nước, 100 km đường băng trắng, đường ranh cản lửa; mua sắm 10 xe gắn máy, 40 loa cầm tay, 16 ống nhòm, 24 GPS Data Logger, 20 bộ võng, bạt, mùng; 10 máy thổi gió, 10 máy cắt thực bì và các thiết bị cần thiết khác phục vụ công tác PCCCR.
Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, chủ động thực hiện công tác dự tính, dự báo và phòng trừ sinh vật gây hại rừng gắn liền với công tác tuần tra, bảo vệ rừng do lực lượng Kiểm lâm theo kế hoạch; thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh gây hại khi dịch bệnh xảy ra, sử dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp theo quy trình kỹ thuật đã được ban hành. Xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển các nguồn gen động, thực vật đặc hữu, quý, hiếm, loài ưu tiên bảo vệ có giá trị khoa học, kinh tế, giáo dục, có nguy cơ tuyệt chủng cao; trọng tâm là các nhiệm vụ: Điều tra đánh giá, bảo tồn khu hệ động vật thuộc Bộ Linh trưởng, Bộ Móng guốc, Ếch nhái, Gặm nhấm...; và khu hệ thực vật với các loài thuộc ngành Thông, các loài lan, các hệ sinh thái đặc thù, điển hình vùng núi đất thấp.
Đức Thiện
Bình luận