Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ sáu, 16/08/2024 14:08
TMO - Thời gian tới, tỉnh Phú Thọ nâng cao chất lượng rừng trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học. Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân...
Hiện nay, tổng diện tích rừng và diện tích chưa thành rừng trên địa bàn tỉnh là 168.423,1 ha trong 140.482,3ha diện tích rừng có 47.388,1ha rừng tự nhiên, 93.094,2ha rừng trồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,7 %. Trong đó rừng Vườn quốc gia Xuân Sơn 15.048ha, Khu rừng Quốc gia Đền Hùng 538ha, Khu cảnh quan Núi Nả huyện Hạ Hòa 67ha và Khu vực văn hóa lịch sử Phục Cổ huyện Yên Lập 330ha.
Bên cạnh giá trị của hệ sinh thái đa dạng, phong phú, các khu rừng còn đem lại cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, núi non hùng vĩ có thể kể đến như: Núi Nghĩa Lĩnh (Khu rừng Quốc gia Đền Hùng), các đỉnh Núi Voi, Núi Ten, Núi Cẩn (Vườn quốc gia Xuân Sơn), Núi Nả (Khu cảnh quan Núi Nả huyện Hạ Hòa); một số hang động có vẻ đẹp kì ảo và hấp dẫn như hang Lạng, hang Lun, hang Na, hang Thổ Thần, Núi Nả (Vườn Quốc gia Xuân Sơn); có nhiều suối, thác nước đẹpnhư suối Lấp, suối Thang, thác Ngọc, thác Chín Tầng, thác Mơ (Vườn Quốc gia Xuân Sơn), cảnh quan suối (Núi Nả)... đây là điều kiện thuận lợi để địa phương này khai thác tài nguyên rừng trong phát triển du lịch.
Tỉnh Phú Thọ sẽ khai thác hiệu quả tài nguyên rừng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Phú Thọ xác định lâm nghiệp là tiềm năng và lợi thế trong phát triển kinh tế của địa phương. Những năm qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, tập trung đầu tư trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn. Trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã xây dựng các mô hình trồng thâm canh cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả như trồng cây địa liền trên đất đồi và đất bãi phù sa tại huyện Thanh Ba; trồng cà gai leo tại xã Tam Thanh, huyện Tân Sơn; mô hình trồng gừng trâu tại thị xã Phú Thọ...
Thời gian tới nhằm phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, tỉnh Phú Thọ sẽ phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ thông qua việc tổ chức thâm canh, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn; góp phần nâng cao năng suất, giá trị của rừng trồng và giá trị gia tăng của ngành chế biến gỗ; phấn đấu sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 810.000 m3/năm vào năm 2025 và 970.000 m3/năm vào năm 2030; 100% gỗ và sản phẩm gỗ có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Phát triển bền vững lâm sản ngoài gỗ, dược liệu bền vững theo chuỗi giá trị và nâng cao giá trị lâm sản ngoài gỗ, dược liệu được chế biến, phấn đấu đến năm 2030 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020. Phát huy giá trị đa dụng của các hệ sinh thái rừng, đẩy mạnh khai thác, cung ứng dịch vụ du lịch, dịch vụ môi trường rừng phù hợp với điều kiện thực tế và các quy định của pháp luật; đảm bảo nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng.
Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng; duy trì ổn định diện tích rừng đặc dụng; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của Chính phủ về bảo tồn các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại Việt Nam tại địa phương. Đến 2030 tỷ lệ lao động trong lâm nghiệp được đào tạo nghề đạt khoảng 45%, khoảng 50% số hộ miền núi, người dân tộc thiểu số sống ở vùng có rừng tham gia sản xuất lâm nghiệp hàng hóa. Nâng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số làm lâm nghiệp tăng trên 1,5 lần so với năm 2020.
Để phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ: Tỉnh tiếp tục duy trì, phát triển vùng trồng rừng nguyên liệu tập trung trong tỉnh, có sự liên kết chặt chẽ với các địa phương trong khu vực; tập trung phát triển rừng gỗ lớn, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập
Đến năm 2030 toàn tỉnh có trên 20 nghìn ha rừng trồng cây gỗ lớn; giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 2 lần so với năm 2020; Từng bước tăng tỷ trọng nguồn cung nguyên liệu gỗ hợp pháp từ rừng trồng của địa phương cho ngành chế biến gỗ và lâm sản; gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững hoặc cấp mã số vùng trồng, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững đạt trên 35 nghìn ha;
Công tác bảo vệ, phát triển rừng được các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai (Ảnh minh họa).
Về phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, địa phương này sẽ thực hiện điều tra, đánh giá, phát triển các loài lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng; xây dựng kế hoạch bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững theo tiềm năng, thế mạnh; phát triển lâm sản ngoài gỗ là cây dược liệu và cây đặc sản, đến năm 2025 đạt khoảng 3.000 ha quế và 500 ha cây dược liệu và tiếp tục mở rộng ở những nơi có điều kiện phù hợp đến năm 2030;
Phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến sản phẩm hàng hóa gắn kết với sản xuất nguyên liệu tập trung theo chuỗi giá trị đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm ngành nghề thủ công mỹ nghệ gắn với nguyên liệu từ rừng, xây dựng các sản phẩm OCOP về dược liệu, sản phẩm phù hợp với nét đặc trưng về bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số;
Về phát triển các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp: Phú Thọ sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện các mô hình, dự án về phát triển kinh tế nông, lâm, ngư kết hợp; trong đó tập trung rà soát lựa chọn các loài cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, đa mục đích phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Áp dụng các biện pháp canh tác và quản lý chất lượng hiệu quả cây trồng, vật nuôi, thủy sản,… kết hợp dưới tán rừng; sản xuất và thương mại các sản phẩm nông, lâm, thủy sản không gây mất rừng và ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng;
Phát triển dịch vụ môi trường rừng, đa dạng hóa và mở rộng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng phù hợp với quy định của pháp luật, đặc biệt là dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; Tăng cường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn để đầu tư cho bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng; đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích với người dân và cộng đồng.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư phát triển hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí gắn với bảo vệ và phát huy các giá trị từ rừng; khuyến khích cộng đồng tham gia vào quá trình lập kế hoạch, quản lý du lịch, cung cấp sản phẩm, dịch vụ du lịch; bảo tồn, phát huy tri thức bản địa và truyền thống văn hóa của cộng đồng;
Phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc gắn với giá trị cảnh quan thiên nhiên tại các khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử, như: Vườn quốc gia Xuân Sơn, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, khu rừng đặc dụng Núi Nả… có tính kết nối vùng, liên vùng tạo nên các sản phẩm, hoạt động, thương hiệu du lịch gắn với văn hóa truyền thống của địa phương;
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Quy hoạch tỉnh; thực hiện nghiêm Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 08/3/2024 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ rừng....
Giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, nhất là chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác; giữ ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng 38 - 39% ; Quản lý rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững, gắn bảo vệ, phát triển rừng với bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển dịch vụ môi trường rừng; 100% diện tích rừng của các tổ chức quản lý được xây dựng và thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững; hướng dẫn các cộng đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng thực hiện tốt công tác quản lý rừng, xây dựng quy chế, xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của cộng đồng và các bên liên quan trong quá trình bảo vệ và phát triển rừng, quản lý sử dụng rừng và các dịch vụ hiệu quả, bền vững;
Triển khai có hiệu quả các chương trình kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; trong đó tăng cường theo dõi sự biến động về diện tích, chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên để có giải pháp phù hợp; kiểm soát chặt chẽ tác động tiêu cực đối với hoạt động phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên nhằm tăng cường chức năng bảo tồn đa dạng sinh học và phòng chống thiên tai của hệ sinh thái rừng theo quy định của pháp luật.
Phát huy tối đa các dịch vụ hệ sinh thái rừng theo hướng bền vững như dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng và các dịch vụ mới khác để tạo nguồn thu tái đầu tư bảo vệ và phát triển rừng. Thu hút người dân sống gần rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng gắn với chia sẻ lợi ích; tạo việc làm, nâng cao thu nhập.../.
Thanh Tùng
Bình luận