Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 10:11
Thứ năm, 30/11/2023 14:11
TMO - Để chủ động ứng phó với các tình huống thời tiết rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến tài sản của nhân dân trong vụ Đông Xuân năm 2023-2024, UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai; thời tiết Đông Xuân năm 2023 - 2024 diễn biến trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino. Mùa đông năm 2023-2024, không khí lạnh có khả năng hoạt động yếu hơn trung bình nhiều năm; rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn; số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
Dự báo, vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024, vùng thấp của tỉnh Lào Cai có khoảng 1-2 đợt rét đậm, rét hại từ 2 ngày trở lên; vùng cao, khả năng đến cuối tháng 11 mới xuất hiện rét đậm, rét hại. Các đợt rét tập trung vào tháng 12/2023 và tháng 01/2024, đến tháng 02 chỉ còn xuất hiện rét đậm, rét hại ít ngày. Riêng vùng núi cao thị xã Sa Pa và một số xã vùng cao của huyện Bát Xát: Rét đậm, rét hại xuất hiện từ gần giữa tháng 11/2023.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, vụ Đông năm 2023 toàn tỉnh dự kiến sản xuất trên 4.300 ha bao gồm các loại cây trồng: Rau, đậu các loại, ngô hạt, ngô ngọt, khoai lang, khoai tây, cây hoa. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng được 2.501,8 ha, đạt 58,2% so với kế hoạch giao và 100,1% so cùng kỳ. Trong đó, rau 1.733,8 ha, ngô 696,2 ha, khoai lang 45,5 ha, khoai tây 16,3 ha, hoa 10 ha. Các địa phương đang tích cực đôn đốc, vận động nhân dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa, tranh thủ thời tiết thuận lợi sản xuất vụ Đông kịp thời vụ, đảm bảo kế hoạch giao. Đối với vụ Xuân năm 2024, tổng diện tích sản xuất 20.200 ha; trong đó: Cây lúa: Dự kiến vụ Xuân toàn tỉnh gieo cấy trên 9.800 ha. Thời vụ gieo cấy xung quanh tiết lập xuân 04/02 và kết thúc cấy xong trong tháng 3/2024. Cây ngô: Dự kiến vụ Xuân toàn tỉnh gieo trồng trên 10.400 ha. Thời vụ gieo trồng từ trung tuần tháng 2 đến hết tháng 3.
Với đàn vật nuôi, tổng số hộ chăn nuôi gia súc lớn: 41.944 hộ. Tổng đàn gia súc lớn: 125.494 con; trong đó: Đàn trâu 97.015 con; đàn bò 22.366 con; đàn ngựa 6.113 con. Số hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo phòng chống rét: 33.755 hộ, chiếm 80,5%; số hộ có chuồng tạm chưa bảo đảm phòng chống rét: 6.652 hộ, chiếm 15,9%; số hộ không có chuồng trại: 1.537 hộ, chiếm 3,6% (bao gồm: Số hộ thả rông gia súc 729 hộ).
Tổng diện tích cỏ trồng toàn tỉnh: 2.734 ha, sản lượng ước đạt khoảng 700 nghìn tấn, đáp ứng được trên 50% nhu cầu thức ăn xanh cho đàn gia súc lớn. Giống cỏ chủ yếu là cỏ voi, cỏ VA06 có năng suất cao, dễ trồng, đặc biệt cỏ VA06 có khả năng chống chịu lạnh trong mùa Đông khá tốt, có thể chế biến làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc. Ngoài ra, trong vụ Thu Đông các huyện, thị xã, thành phố đã vận động người dân gieo trồng 464 ha ngô dày và tận dụng hàng nghìn tấn thân lá của diện tích ngô Thu Đông để chế biến làm thức ăn dự trữ cho gia súc trong vụ Đông Xuân.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân tăng cường chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối giúp cây phát triển, tăng khả năng chống rét.
Toàn tỉnh có 24.675 hộ dự trữ đủ nhu cầu thức ăn thô xanh từ 200 kg thức ăn/con trở lên tương đương khoảng 4.880 tấn, chiếm 58,8%; có 14.458 hộ dự trữ dưới 200 kg thức ăn/con tương đương khoảng 2.943 tấn, chiếm 34,4%; có 2.811 hộ chưa dự trữ thức ăn, chiếm 6,8% số hộ chăn nuôi gia súc lớn. Qua thống kê, rà soát tình hình chuẩn bị phòng chống rét cho đàn gia súc tại các huyện, thị xã, thành phố, nhìn chung đã được người dân quan tâm, triển khai thực hiện; tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo phòng chống rét đạt 80,5%.
Tuy nhiên, diện tích cỏ trồng năm 2023 giảm 89,57 ha so với năm 2022 (do giảm số hộ chăn nuôi); số hộ chưa dự trữ đủ lượng thức ăn cho gia súc, chiếm 34,8%, số hộ chưa dự trữ thức ăn, chiếm 6,8 % so với tổng số hộ chăn nuôi gia súc lớn. Như vậy, sẽ có trên 1.000 con gia súc không có thức ăn và trên 1.500 con gia súc không có chuồng trại, có nguy cơ bị chết đói, rét khi xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài. Cần phải có khoảng 300 tấn thức ăn và khoảng 7.600 vải bạt, bao dứa, tấm nylon, vật tư các loại để đảm bảo phòng chống rét cho đàn gia súc
Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân năm 2023-2024; huy động toàn hệ thống chính trị làm tốt công tác tuyên truyền để lan tỏa tinh thần phòng chống rét đậm, rét hại cho cây trồng, vật nuôi. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư sản xuất, thức ăn, chuồng trại; cây giống, con giống thích ứng với thời tiết, thiên tai có khả năng chịu rét. Đảm bảo các điều kiện phục vụ sản xuất đầy đủ, kịp thời (Giống, phân bón, vật tư nông nghiệp) vụ Đông Xuân đối với tất cả các cây trồng, vật nuôi trước khi triển khai sản xuất. Xử lý kịp thời để ứng phó khi rét đậm, rét hại xảy ra; chủ động khắc phục thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, ổn định sản xuất
Đối với cây trồng vụ Đông: Chủ động chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư, gieo trồng đúng lịch thời vụ; tăng cường sử dụng các giống ngắn ngày, giống có khả năng chịu rét và chống chịu sâu bệnh hại. Khuyến khích áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tái sử dụng rơm rạ để phủ luống, tủ gốc, làm vòm che, nhà màng, nhà lưới cho sản xuất rau vụ đông. Tăng cường chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối giúp cây phát triển, tăng khả năng chống rét. Tỉa thưa cành, nhánh (nhất là đối với cây cà chua, đỗ), làm bộ tán thông thoáng, hạn chế sâu bệnh hại. Tiến hành thụ phấn nhân tạo, thụ phấn bổ sung cho các loại rau ăn quả (cà chua, bí đỏ,…).
Khi xảy ra rét đậm, rét hại: Đối với diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch, khẩn trương thu hoạch ngay đảm bảo sản lượng. Đối với diện tích chưa đến kì thu hoạch, khi xuất hiện sương muối, giá buốt cần dùng các biện pháp tưới nước trên mặt lá làm tan sương để tránh hiện tượng cháy lá, táp lá, sương mai. Bón bổ sung phân kali, phân lân, phân hữu cơ hoai mục (giảm bón đạm); phun hoặc tưới một số chế phẩm sinh học như Trichoderma, KH, PenacP… giúp cây khỏe mạnh, tăng cường khả năng chống rét.
Các biện pháp khắc phục với diện tích bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại: Những diện tích thiệt hại nhẹ có thể khắc phục được cần tăng cường các biện pháp chăm sóc, tưới nước, bón phân hữu cơ hoai mục, phân NPK để cây trồng ra thêm rễ mới, sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết. Những diện tích thiệt hại hoàn toàn: Khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, xử lí đất, bố trí gieo trồng các cây trồng thay thế trong khung thời vụ hợp lý.
Đối với cây trồng vụ Xuân: Đối với cây lúa: Tuyệt đối không gieo mạ và cấy lúa trong những ngày trời rét đậm, nhiệt độ dưới 15 độ C. Khuyến khích làm vòm che phủ mạ bằng nilon trắng; rắc tro bếp phủ trên mặt luống để giữ ấm; đưa nước vào ngập 1/3-1/2 chân mạ đối với mạ dược và tưới ẩm đối với mạ sân Với những diện tích lúa mới cấy: Đưa nước vào ruộng ngập sâu 3-5cm giữ ấm chân cây lúa, tuyệt đối không bón thúc đạm trong những ngày dưới 18 độ C; những ngày thời tiết nắng ấm, nhiệt độ trên 200 độ C tranh thủ bón thúc phân đạm và kali kết hợp với làm cỏ, sục bùn
Đối với rau màu: Không gieo trồng khi nhiệt độ thấp dưới 15 độ C; đảm bảo đủ ẩm, che phủ nilon và sử dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp, để đảm bảo tối đa cho tỷ lệ mọc, kịp thời chăm sóc cho cây có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt. Khuyến khích sử dụng nilon phủ luống, rơm rạ ủ gốc; làm vòm che, nhà màng, nhà lưới cho sản xuất rau. Tăng cường các biện pháp chăm sóc, bón phân đầy đủ, cân đối để cây phát triển khỏe mạnh, tăng cường khả năng chống rét cho cây trồng. Tiến hành phun hoặc tưới một số chế phẩm sinh học như Trichoderma, KH, PenacP… để cây khỏe mạnh tăng khả năng chống rét.
Các hộ chưa có chuồng nuôi khẩn trương sửa chữa, làm mới chuồng nuôi đảm bảo giữ ấm cho gia súc trong mùa Đông.
Khi xảy ra rét đậm, rét hại nhiệt độ từ 13 - 15 độ C, các địa phương tập trung lực lượng xuống các thôn bản tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân không chăn thả và bắt gia súc gia súc làm việc trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều. Những ngày nhiệt độ dưới 13 độ C, mưa gió, các hộ nuôi nhốt cho ăn tại chuồng, không chăn thả gia súc hoặc bắt gia súc làm việc; cung cấp đủ lượng thức ăn thô xanh cho mỗi con gia súc trưởng thành tối thiểu 5kg rơm khô/ngày hoặc 20 kg thức ăn xanh/ngày; cho gia súc uống nước muối ấm; bổ sung thức ăn tinh, các loại Vitamin để tăng sức đề kháng cho gia súc; dùng bạt, chăn cũ để làm áo ấm cho gia súc.
Các đơn vị, địa phương vận động các hộ chăn nuôi có chuồng nuôi nhưng chưa đảm bảo yêu cầu phòng chống rét; các hộ chưa có chuồng nuôi khẩn trương sửa chữa, làm mới chuồng nuôi đảm bảo giữ ấm cho gia súc trong mùa Đông. Những hộ chăn thả gia súc trong rừng, trong tháng 11/2023 phải thực hiện xong việc di chuyển đàn gia súc về chăn thả và nuôi nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió có đủ các điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tranh thủ những ngày trời nắng thu gom triệt để rơm rạ, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ ở nơi khô ráo; gieo ngô dày làm thức ăn bổ sung cho đàn gia súc; tận dụng thân cây ngô, lạc, ngọn mía, bã mía, cỏ trồng và cỏ tự nhiên... để chế biến, dự trữ bằng hình thức ủ chua, ủ men vi sinh. Theo đó, thức ăn được dự trữ phải đảm bảo chất lượng, không bị thối mốc; số lượng rơm, cỏ khô dự trữ cho mỗi con trâu, bò tối thiểu từ 200 kg/con trở lên.
Đặc biệt, các xã có đàn gia súc di chuyển đi tránh rét thực hiện thống kê số hộ, số lượng đàn gia súc dự kiến di chuyển đi và nơi di chuyển đến. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân trước khi di chuyển đàn gia súc đến các địa phương khác tránh rét phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc; xin giấy chứng nhận đã tiêm phòng của UBND xã, thực hiện khai báo với địa phương nơi di chuyển đến để quản lý dịch bệnh; làm lán trại để giữ ấm cho gia súc (có mái che, kín gió và cao ráo); định kỳ tiêu độc, khử trùng khu vực nuôi nhốt gia súc; thường xuyên thu gom phân, rác đảm bảo vệ sinh môi trường.
Các xã có gia súc từ địa bàn khác di chuyển đến, phải nắm rõ được số hộ, số lượng gia súc, nơi xuất phát của gia súc di chuyển đến; tạo điều kiện về địa điểm nuôi nhốt gia súc. Giao cho thú y viên xã hoặc khuyến nông viên xã thường xuyên kiểm tra theo dõi tình hình dịch bệnh… Riêng thị xã Sa Pa cần triển khai, thực hiện tốt việc quản lý đàn gia súc di chuyển đi tránh rét theo quy định.
Đức Minh
Bình luận