Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Thứ năm, 08/12/2022 13:12
TMO - Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đối với rừng trồng gỗ lớn được đánh giá là những điều kiện quan trọng nhằm nâng cao giá trị rừng trồng cho các chủ rừng và ngành lâm nghiệp của địa phương, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Thông tin tại tọa đàm “Phát triển rừng trồng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng" vừa được tổ chức, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho biết, thời điểm hiện nay, có 11 đơn vị chủ rừng, trong đó có 5 Ban Quản lý rừng phòng hộ và 2 Ban Quản lý rừng đặc dụng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững với diện tích hơn 136.381ha. Ngoài ra toàn tỉnh còn có 3 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững với diện tích hơn 11.757ha. Năm 2019, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt Đề án trồng rừng gỗ lớn và trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng giai đoạn 2017-2020, định hướng thực hiện đến giai đoạn 2021-2025.
Hiện diện tích trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn khoảng 3.567ha. Các đơn vị chủ rừng đang tiếp tục rà soát quỹ đất có điều kiện phù hợp, để phát triển trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị rừng trồng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Mục tiêu của tỉnh Phú Yên là mỗi năm trồng rừng gỗ lớn đạt khoảng 10% tổng diện tích trồng rừng.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có trên 102.200ha rừng trồng, trong đó, khoảng 40.000ha là do hộ gia đình và cộng đồng dân cư quản lý. Tuy nhiên, các diện tích rừng này được quản lý thiếu bền vững, dẫn đến năng suất và chất lượng rừng bị suy thoái nghiêm trọng. Vì vậy, quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đối với rừng trồng gỗ lớn trong điều kiện hiện nay sẽ là nền tảng mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho các chủ rừng và ngành lâm nghiệp.
Mô hình thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai mô "được công nhận" tại xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân. Ảnh: Thanh Thắng
Theo Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững, việc quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng thì việc trồng rừng gỗ lớn đang gặp khó khăn nhất định do chưa được nhiều chủ rừng (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân) hưởng ứng tham gia. Tuy nhiên, gỗ rừng trồng có chứng chỉ sẽ được nhiều doanh nghiệp thu mua và giá bán cao hơn từ 15 - 20% so với gỗ của rừng trồng thông thường. Điều này không chỉ mang lại lợi nhuận cho người trồng rừng, mà đặc biệt hơn là sản phẩm gỗ của tỉnh thâm nhập được vào thị trường quốc tế với giá trị cao. Đây là điều kiện quan trọng để ngành lâm nghiệp phát triển ngày càng bền vững hơn.
Việc quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đã được cụ thể hóa tại Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Đề án Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg. Mục tiêu là quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và các giá trị dịch vụ môi trường rừng; thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới về nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Tại Phú Yên từ năm 2020 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp thực hiện dự án "Mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống Keo lai mô được công nhận". Dự án được thực hiện tại trên 95ha tại các xã đặc biệt khó khăn của hai huyện miền núi Đồng Xuân và Sơn Hòa. Mô hình thuộc dự án bước đầu triển khai, còn thời gian rất dài mới đến giai đoạn thu hoạch. Tuy nhiên, so với canh tác rừng truyền thống hiệu quả kinh tế được đánh giá cao hơn: Giảm lượng giống, giảm chi phí công trồng, bón phân, chăm sóc, giá trị kinh tế sản phẩm (gỗ) cao…
Thời gian tới, tỉnh Phú Yên triển khai dự án Phục hồi và quản lý rừng bền vững khu vực miền Trung và miền Bắc Việt Nam (KfW9) giai đoạn 1, tỉnh Phú Yên
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Phục hồi và quản lý rừng bền vững khu vực miền Trung và miền Bắc Việt Nam (KfW9) giai đoạn 1, tỉnh Phú Yên” sử dụng vốn ODA của Chính phủ Đức. Theo đó, Dự án “Phục hồi và quản lý rừng bền vững khu vực miền Trung và miền Bắc Việt Nam (KfW9) giai đoạn 1, tỉnh Phú Yên” do UBND tỉnh Phú Yên làm cơ quan chủ quản được sử dụng vốn tài trợ của Chính phủ Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Dự án được thực hiện trên địa bàn 05 huyện (Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tuy An, Tây Hòa) và Ban quản lý rừng đặc dụng Krông Trai, được thực hiện trong vòng 7 năm.
Dự án nhằm đạt mục tiêu bảo tồn và cải thiện nguồn tài nguyên và đa dạng sinh học ở rừng tự nhiên thông qua tăng cường chức năng bảo vệ rừng và bảo tồn di sản thiên nhiên. Cụ thể, đối với rừng đặc dụng, dự án bảo tồn các giá trị về đa dạng sinh học (số lượng cá thể của các loài chỉ thị) và chất lượng của các hệ sinh thái rừng (trữ lượng gỗ và chất lượng tái sinh tự nhiên) tại các khu vực dự án hỗ trợ sẽ được cải thiện so với kết quả điều tra cơ bản thực hiện trước khi dự án tác động.
Các cộng đồng địa phương sẽ tích cực hơn nữa trong công tác bảo vệ và quản lý rừng đặc dụng đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, từ đó duy trì các hoạt động bảo vệ kể cả sau khi dự án kết thúc. Đối với rừng phòng hộ, dự án sẽ cải thiện kết quả quản lý rừng về gia tăng giá trị đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái rừng (môi trường sống, bảo vệ tài nguyên đất, nước, không khí) và mang lại hiệu quả kinh tế thông qua áp dụng các biện pháp quản lý rừng bền vững và hỗ trợ các biện pháp can thiệp lâm sinh.
Dự án có quy mô và nội dung đầu tư gồm quản lý khu vực rừng phòng hộ (rừng đặc dụng) 13.775 ha; thiết lập và hoạt động quản lý rừng cộng đồng 5.010 ha; bảo vệ và phục hồi rừng phòng hộ (Ban Quản lý rừng phòng hộ) có khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 500 ha, trồng rừng vào khoảng trống 500 ha, trồng cây bản địa 150 ha; hỗ trợ các nhóm hợp tác hộ gia đình trong quản lý rừng bền vững.
PV
Bình luận