Hotline: 0941068156
Thứ năm, 12/09/2024 13:09
Thứ tư, 04/09/2024 07:09
TMO - Rừng ngập mặn như một vành đai xanh, giảm thiểu tác động của nước biển dâng, xâm thực; ngăn sóng, chống bão, lũ và bảo vệ hành lang đê biển; tạo điều kiện phát triển môi trường, hệ sinh thái vùng ven biển. Xác định được ý nghĩa, tầm quan trọng đó, các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn.
Việt Nam có tổng diện tích rừng ngập mặn khoảng 200.000ha (chỉ chiếm 1,5% tổng diện tích rừng quốc gia), rừng ngập mặn của Việt Nam được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá không chỉ có giá trị về kinh tế-xã hội, bảo tồn đa dạng sinh học mà còn là bể hấp thụ và chứa carbon lớn, góp phần đáng kể trong việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rừng ngập mặn của Việt Nam phân bố chủ yếu ở địa bàn 28 tỉnh, thành phố ven biển; trong đó, khu vực Nam Bộ, Đông Bắc và Đồng bằng Bắc Bộ chiếm 97%. Với sự hỗ trợ của Dự án Từ cam kết đến hành động thực hiện tại vùng châu Á-Thái Bình Dương, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc phối hợp với Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xây dựng phương pháp đo đếm và tính toán lượng carbon rừng ngập mặn.
Dự án đã tính toán thí điểm cho rừng ngập mặn tại thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh và Cà Mau. Các khu vực được lựa chọn đại diện cho 6 vùng sinh thái của Việt Nam là Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Kết quả cho thấy trữ lượng carbon từ rừng ngập mặn của Việt Nam là khoảng 245 tấn/ha. Trong số đó, trung bình lượng carbon trong sinh khối của thực vật sống (gồm cả phần thực vật sống trên mặt đất và phần rễ dưới mặt đất) chỉ chiếm 29%, còn lại 71% nằm trong đất dưới tán rừng ngập mặn (độ sâu khoảng 30cm).
Việc đánh giá khả năng hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng ngập mặn sẽ là cơ sở khoa học cho công tác quản lý nhà nước về giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn; cung cấp thông tin cho việc đàm phán quốc tế trong các chương trình thực hiện cắt giảm khí nhà kính.
Rừng ngập mặn ở nước ta giữ vai trò quan trọng trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Nhận thức rõ rừng ngập mặn là nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, đặc biệt là tại các địa phương có rừng, Việt Nam luôn đề cao vai trò, giá trị của rừng ngập mặn và tăng cường chính sách quản lý rừng. Tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Đề án đặt mục tiêu quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2030; phấn đấu đến năm 2030 sẽ trồng mới khoảng 20.000 ha rừng, đồng thời bổ sung phục hồi rừng và làm giàu 15.000ha.
Tỉnh Quảng Ninh có trên 19.000 ha rừng ngập mặn tập trung nhiều tại các địa phương: Móng Cái, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Quảng Yên. Trong đó rừng ngập mặn phòng hộ chiếm gần 16.000ha, rừng ngập mặn sản xuất trên 3.000ha và rừng ngập mặn đặc dụng 26ha. Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Huyện Hải Hà đang duy trì trên 1.450ha rừng ngập mặn, chủ yếu tập trung tại các xã Quảng Phong, Đường Hoa, Quảng Minh, Quảng Thành. Trong đó có hơn 1.300ha rừng tự nhiên với các loài cây mắm, sú, trang, đước vòi, vẹt. Để bảo vệ, quản lý chặt chẽ diện tích rừng ngập mặn, huyện Hải Hà thực hiện chủ trương không giao đất bãi triều, đất mặt nước có cây ngập mặn để đắp đầm, khoanh vùng nuôi trồng thủy sản gây ảnh hưởng tới rừng ngập mặn.
Tại huyện Tiên Yên có gần 3.700ha rừng ngập mặn, cũng là một trong những địa phương có hệ thống rừng sinh thái ngập mặn lớn của tỉnh. Để bảo vệ và phát triển rừng, huyện Tiên Yên đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động người dân không xâm hại rừng ngập mặn, giữ gìn bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời khuyến khích người dân phát triển mô hình du lịch dựa trên lợi thế rừng tự nhiên này.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 82 km đường bờ biển, trải dài qua địa phận hơn 140 xã, phường của 6 huyện, thị trấn. Để bảo vệ và phát triển diện tích rừng ven biển, năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”. UBND tỉnh giao cho các địa phương và các đơn vị quản lý tiến hành tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch, tổng hợp chỉ tiêu nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng ven biển hằng năm và từng giai đoạn 5 năm, từ các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025, theo các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững…
Theo kế hoạch này, Nghệ An sẽ tiến hành rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ba loại rừng gắn với rà soát quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; xác định quỹ đất, hiện trường dành cho bảo vệ và phát triển rừng ven biển, đảm bảo khả thi, ổn định lâu dài. Việc rà soát quy hoạch là căn cứ xem xét thu hồi đối với những diện tích đất thuộc hành lang an toàn bảo vệ đê, diện tích quy hoạch trồng rừng ven biển bị lấn chiếm, sử dụng trái phép, diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả để khôi phục và trồng rừng theo quy định.
Về các xã ven biển huyện Diễn Châu, dọc hai bên bờ sông Bùng dài gần 10 km (qua địa bàn các xã Diễn Vạn, Diễn Bích, Diễn Kim) trước khi đổ ra cửa biển Lạch Vạn là bạt ngàn màu xanh của rừng ngập mặn. Với tốc độ phát triển và phủ xanh nhanh chóng, từ năm 1999, rừng ngập mặn ở các xã ven biển, bãi ngang đã đạt độ cao từ 2,5 đến hơn 6 m, tạo nên những “thành lũy” kiên cố, vững chãi chắn sóng, gió bão, bảo vệ đê các tuyến đê xung yếu rất hiệu quả. Rừng ngập mặn đã tạo nên hệ sinh thái xanh, sinh cảnh đa dạng và địa bàn trú ẩn cho các loài chim di cư.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, nhờ có rừng ngập mặn bảo vệ, hàng nghìn hộ dân sinh sống trong tuyến đê không phải lo lắng khi mùa mưa bão đến, triều cường dâng cao, nước biển làm vỡ đê, hoặc tràn qua đê làm ngập làng, xóm, hủy hoại hoa màu, tàn phá nhà cửa. Rừng ngập mặn ở các xã Diễn Kim, Diễn Bích… được cơ quan chức năng đánh giá là có tốc độ phát triển nhanh, đẹp nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Các địa phương đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, qua đó khai thác hiệu quả giá trị rừng.
Cà Mau là tỉnh ven biển ở cực Nam của Việt Nam có vị trí địa lý rất đặc biệt với 3 mặt tiếp giáp biển. Với tổng diện tích gần 50.500ha, rừng ngập mặn Cà Mau là một trong những diện tích rừng ngập mặn lớn nhất thế giới với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, độc đáo. Tổng giá trị kinh tế rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau mang lại là 1.743,7 tỷ đồng/năm, trong đó giá trị sử dụng trực tiếp là 1.087,6 tỷ đồng/năm (chiếm 62,4%); giá trị sử dụng gián tiếp là 656,1 tỷ đồng/năm (chiếm 37,6%).
UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xói lở bờ sông, bờ biển và thúc đẩy tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2030”. Mục tiêu của Đề án hướng đến quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển, sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2030.
Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng trong phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống xói lở, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Cụ thể là bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo ra trong giai đoạn năm 2021 - 2030. Đến năm 2030, tổng diện tích đất lâm nghiệp là 142.599ha. Trong đó, đất rừng đặc dụng 20.291ha, đất rừng phòng hộ 30.753ha, đất rừng sản xuất 91.555ha. Diện tích có rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) đến năm 2030 đạt 96.000ha. Xây dựng hoàn thiện hệ thống rừng đặc dụng, phòng hộ ven biển; xác định rõ vị trí, diện tích, ranh giới và hoàn thiện mốc ranh giới đối với từng khu rừng.../.
Minh Phương
Bình luận