Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ sáu, 02/08/2024 06:08
TMO - Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức để địa phương này mở rộng diện diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn.
Thời gian qua, ngành lâm nghiệp đang tập trung nâng cao chất lượng rừng trồng, định hướng kinh doanh rừng trồng gỗ lớn thay thế nguyên liệu gỗ gia dụng, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Đây được xác định là hướng đi mới, tăng giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích đất lâm nghiệp, cải thiện thu nhập cho các hộ lâm dân, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có 12 đơn vị chủ rừng nhà nước, bao gồm 6 Ban Quản lý rừng phòng hộ; 3 Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp và 2 Khu bảo tồn và Vườn quốc gia Bạch Mã đã xây dựng, được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững (QLRBV) với tổng diện tích hơn 203.522ha.
Đến hết quý I/2024, tổng diện tích rừng trồng gỗ lớn toàn tỉnh đạt 12.420ha, gồm: diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn và chuyển hóa gỗ nhỏ sang gỗ lớn các loài keo là 11.742ha, trong đó chủ rừng nhà nước là 3.466ha, hộ gia đình cá nhân là 8.275ha; diện tích rừng trồng sản xuất các loài cây bản địa là 681ha, trong đó diện tích của các đơn vị chủ rừng nhà nước là hơn 550ha, diện tích của các chủ rừng khác là 130ha.
Tổng diện tích rừng trên địa bàn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) đến quý I/2024 là 11.924ha, trong đó chủ rừng là tổ chức nhà nước (Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong) 3.117ha; chủ rừng là các hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác 8.807ha. Trong năm 2023, đã đánh giá cấp chứng chỉ cho nhóm hộ 1.060ha; trong đó, có hơn 942ha rừng tự nhiên và 117ha là rừng trồng.
Tuy nhiên, so với tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh thì diện tích rừng trồng gỗ lớn, FSC vẫn còn hạn chế. Sản lượng gỗ FSC phục vụ xuất khẩu chỉ đạt xấp xỉ 30%, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho thị trường xuất khẩu trong thời gian tới. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, hiệu quả kinh tế, môi trường mang lại từ việc kinh doanh rừng trồng gỗ lớn là rõ ràng. Hoạt động trồng rừng gỗ lớn được thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra và vượt trước kế hoạch hai năm theo chủ trương, yêu cầu của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động chuyển hóa rừng gỗ lớn chưa nhiều nên diện tích rừng gỗ lớn chiếm tỷ lệ thấp so với diện tích rừng sản xuất, kinh doanh gỗ nhỏ.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh xây dựng được 14.000ha rừng trồng sản xuất các loài keo gỗ lớn (Ảnh minh họa).
Nguyên nhân của việc chuyển hóa rừng gỗ lớn chậm là do tâm lý đa phần chủ rừng không mặn mà với kinh doanh trồng rừng gỗ lớn vì nguy cơ gãy đổ rừng rất dễ xảy ra khi gặp bão, lốc khiến giá trị thương mại chỉ còn 40-50%. Nếu chủ rừng là đối tượng hộ gia đình với quy mô diện tích dưới 5ha, bình quân khai thác 1-2ha/năm, thu lãi 60-100 triệu đồng/năm thì việc trồng rừng gỗ nhỏ với chu kỳ ngắn 5 năm sẽ thu lại nguồn đầu tư nhanh hơn. Trong khi đó, nếu kéo dài chu kỳ kinh doanh thì họ cần phải có nguồn tài chính để chăm sóc, trong khi điều kiện kinh tế của các hộ dân còn khó khăn, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Thực tế hiện nay, các hộ gia đình ở Thừa Thiên - Huế đều có diện tích rừng nhỏ, manh mún, với nhiều hình thức canh tác và chu kỳ kinh doanh khác nhau. Điều này đã ảnh hưởng đến việc tổ chức hình thành các vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung có diện tích đủ lớn nhằm tạo điều kiện cho việc liên doanh, liên kết và đầu tư cơ sở hạ tầng. một trong những khó khăn hiện nay là việc tìm kiếm và liên kết các doanh nghiệp thu mua sản phẩm từ gỗ có chứng chỉ rừng FSC còn hạn chế.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp cam kết thu mua gỗ nhỏ có chứng chỉ (dăm giấy, viên nén…). Cùng với đó, năng lực của chủ rừng còn hạn chế, phần lớn phải thuê tư vấn và chi phí tư vấn và cấp chứng chỉ khá cao, trong khi đó diện tích của chủ rừng có nhu cầu cấp chứng chỉ không tập trung, thường nhỏ lẻ, manh mún gây chi phí cao.
Theo kế hoạch tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt ra, phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh xây dựng được 14.000ha rừng trồng sản xuất các loài keo gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho cưa xẻ chế biến. Trong đó, có khoảng 11.500ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn các loài keo do hộ gia đình, cá nhân quản lý và 2.500ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn các loài keo do các chủ rừng nhà nước quản lý. Phấn đấu có khoảng 1.200ha rừng trồng keo đạt tiêu chuẩn rừng trồng gỗ lớn.
Địa phương này đã thành lập Ban chỉ đạo và tổ công tác cấp huyện tổ chức vận động, tuyên truyền, tập huấn cho các chủ rừng là hợp tác xã, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng gỗ lớn và chuyển hoá rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn. Tuyên truyền, vận động các chủ rừng hạn chế khai thác rừng non và thực hiện kinh doanh rừng trồng gỗ lớn (trên 10 năm) để nâng cao thu nhập. Liên kết thị trường và tạo mối liên kết chuỗi hành trình sản phẩm gỗ rừng trồng từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, liên kết giữa chủ rừng và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để chủ rừng liên kết sản xuất, tiếp cận với thị trường ổn định, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ rừng trồng.
UBND tỉnh đã giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính nghiên cứu cơ chế chính sách để hỗ trợ nguồn lực trong phạm vi thực hiện. Tập trung ưu tiên lồng ghép các chương trình, dự án vào nhiệm vụ phát triển rừng gỗ lớn, gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và giảm phát thải.
Xây dựng và ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Quản lý chặt chẽ, có hiệu quả các nguồn giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, ưu tiên lựa chọn các giống cây trồng lâm nghiệp chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu trồng rừng sản xuất gỗ lớn. Rà soát quy hoạch quỹ đất trồng rừng sản xuất gỗ lớn các loài cây trồng rừng kinh tế phù hợp với điều kiện lập địa theo từng vùng sinh thái.
Tỉnh sẽ đồng thời triển khai nhiều giải pháp để phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất với mục tiêu gắn kết chặt chẽ sản xuất và thị trường. Nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết, từng bước hình thành vùng sản xuất gỗ lớn tập trung. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả của trồng rừng sản xuất gỗ lớn, phối hợp với các địa phương vận động chủ rừng tham gia thực hiện trồng rừng gỗ lớn, gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC một cách có hiệu quả.
Nguyên Hà
Bình luận