Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 21:01
Thứ tư, 12/04/2023 12:04
TMO - Dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã đưa ra những quan điểm, định hướng chiến lược lớn cho ngành năng lượng Việt Nam, trong đó bao gồm rất nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với sự phát triển của ngành dầu khí trong thời gian tới.
Dầu mỏ Việt Nam có chất lượng tốt và tiềm năng dồi dào, là nguồn thu hàng đầu cho Ngân sách Nhà nước. Việt Nam là quốc gia có trữ lượng dầu thô 4,4 tỷ thùng, tức 0,3% trữ lượng dầu được phát hiện của thế giới, cao thứ 2 tại khu vực Đông Á, thứ 3 châu Á, thứ 28 trên thế giới. Cùng với đó, Việt Nam xếp thứ 36 trên thế giới về quy mô khai thác dầu thô và xếp thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á về xuất khẩu dầu mỏ.
Hiện nay, Việt Nam tiến hành hoạt động thăm dò và khai thác dầu, khí ở các bể (bồn trũng) trong vùng thềm lục địa, đó là: Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay-Thổ Chu, Tư Chính - Vũng Mây và nhóm bể Trường Sa và Hoàng Sa. Tổng trữ lượng dự báo địa chất về dầu khí trên toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu quy đổi, trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn và trữ lượng dự báo của khí khoảng 1.000 tỷ m3. Hằng năm, lĩnh vực khai thác dầu khí đóng góp khoảng 36% tổng doanh thu, 60,5% tổng số nộp ngân sách Nhà nước.
Dự kiến tổng sản lượng khai thác dầu trong nước giai đoạn 2021-2025 đạt 37,65 triệu tấn, trung bình khoảng 7,53 triệu tấn/năm, giai đoạn 2026-2030, sản lượng khai thác dầu có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 11,26 triệu tấn/năm, giai đoạn 2031-2050, sản lượng khai thác trung bình khoảng 6,59 triệu tấn/năm.
Dầu mỏ Việt Nam có chất lượng tốt và tiềm năng dồi dào, là nguồn thu hàng đầu cho Ngân sách Nhà nước.
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh các mục tiêu cụ thể đối với ngành Dầu khí được định hướng như sau: Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Nâng cao hệ số thu hồi dầu, tận thu các mỏ nhỏ, khối sót cận biên. Rà soát, có chiến lược chủ động và hiệu quả trong hợp tác về tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài. Phát triển công nghiệp khí; ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hoá lỏng (LNG).
Tiếp tục thu hút đầu tư trong lĩnh vực lọc - hoá dầu theo hướng chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm xăng dầu, chủ động đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Đối với dầu khí đá phiến, khí hydrate (băng cháy), tích cực nghiên cứu, đánh giá sâu hơn về địa chất và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để mở rộng phạm vi khảo sát; sớm triển khai đánh giá tổng thể, đẩy nhanh khai thác thử nghiệm khi điều kiện cho phép.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 55 cũng chỉ đạo tập trung vào việc hoàn thiện khung pháp lý, sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí và các văn bản pháp lý có liên quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và phù hợp với tình hình mới của ngành dầu khí; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển thị trường năng lượng.
Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch năng lượng) và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược phát triển năng lượng), bám sát các mục tiêu, định hướng cụ thể của Nghị quyết 55. Theo đó, Quy hoạch năng lượng đã đề ra các mục tiêu liên quan đến khai thác dầu khí bao gồm: Tăng sản lượng khai thác dầu thô và khí; phát triển thị trường khí và xây dựng cơ sở hạ tầng cho phân phối và nhập khẩu khí; sản lượng sản phẩm xăng dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước; bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng; đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) khoảng 12-15 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 20 tỷ m3 vào năm 2045.
Hoạt động khai thác chế biến dầu khí cần được triển khai theo định hướng của Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia nhằm phát huy nguồn tài nguyên này trong phát triển kinh tế.
Để đạt được những mục tiêu trên, Dự thảo Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh đến các chủ trương liên quan đến khai thác dầu khí bao gồm lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; công nghiệp khí, chế biến dầu khí; vận chuyển, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí.
Đối với lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; nâng cao hệ số thu hồi, tận thu các mỏ nhỏ, khối sót cận biên. Thực hiện tốt công tác quản lý các mỏ dầu khí, tối ưu và duy trì khai thác có hiệu quả các mỏ dầu khí đã đưa vào khai thác; đồng thời tiếp tục triển khai công tác phát triển và sớm đưa vào khai thác dự án Lô B&48/95 và 52/97, mỏ khí Cá Voi Xanh, Báo Vàng, Báo Trắng và các mỏ thuộc dự án khí Tây Nam...
Tập trung đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò tại các khu vực nước nông, truyền thống: các Bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lai - Thổ Chu, Sông Hồng, đặc biệt 03 khu vực: Nam bể Sông Hồng, Trung tâm bể Nam Côn Sơn và Bể Cửu Long; song song với công tác tận thăm dò, thăm dò mở rộng đối tượng truyền thống nhằm bổ sung trữ lượng và đưa vào phát triển khai thác sử dụng hệ thống hạ tầng cơ sở có sẵn dần chuyển hướng nghiên cứu thăm dò các đối tượng tìm kiếm thăm dò mới, các bể trầm tích mới và các dạng hydrocarbon phi truyền thống (tầng chứa chặt sít, khí than, khí nông, khí đá phiến sét, khí hydrate,…) để bổ sung trữ lượng phục vụ khai thác lâu dài.
Đối với lĩnh vực công nghiệp khí: Phát triển lĩnh vực công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu: khai thác - thu gom - vận chuyển - chế biến - dự trữ - phân phối khí và xuất nhập khẩu sản phẩm khí; phát triển thị trường khí, chính sách giá khí, đẩy mạnh triển khai các dự án phát triển mỏ, khai thác, thu gom khí; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, cung cấp, nhập khẩu khí, đặc biệt là hệ thống kho cảng LNG; Đẩy mạnh triển khai các dự án phát triển mỏ, khai thác, thu gom khí bằng hệ thống đường ống tại các mỏ chưa có hệ thống thu gom, mở rộng phạm vi thu gom khí (CNG, LNG...) từ các mỏ không có khả năng thu gom khí bằng đường ống (mỏ nhỏ, có giá trị cận biên, khí có hàm lượng CO2 cao,... đặc biệt là các mỏ khí đồng hành) nhằm hạn chế tối đa đốt bỏ khí.
Đối với lĩnh vực chế biến dầu khí là phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí để đáp ứng nhu cầu trong nước, hướng tới mục tiêu xuất khẩu; tích hợp lọc dầu với hóa dầu, hóa chất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dầu khí; nghiên cứu thực hiện việc đầu tư cải tiến/nâng cấp sản phẩm, phát triển sản phẩm mới; duy trì vận hành ổn định, an toàn các nhà máy lọc dầu, đầu tư nâng cấp, mở rộng các nhà máy lọc dầu hiện hữu; nghiên cứu đầu tư các dự án hóa dầu/hóa chất mới gắn với các trung tâm chế biến dầu khí; nghiên cứu sản xuất hydro, sản xuất năng lượng tái tạo tích hợp với nhà máy lọc hóa dầu, hóa chất, phân bón, sử dụng làm nhiên liệu cho pin nhiên liệu, định hướng hoàn thiện chuỗi giá trị hydro khâu sau.
Tận dụng vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng đã được đầu tư để phát triển các nhà máy theo chuỗi chế biến sâu, các nhà máy và cơ sở cung cấp dịch vụ. Nghiên cứu, đầu tư xây dựng các chuỗi vận chuyển - tồn chứa - sản xuất và kinh doanh dầu thô, xăng dầu tại khu vực Quảng Ngãi. Triển khai hoàn thành dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, hình thành trung tâm chế biến dầu khí cho khu vực miền Trung Nghiên cứu sản xuất hydro, sản xuất năng lượng tái tạo: tích hợp với nhà máy lọc hóa dầu, hóa chất, phân bón, sử dụng làm nhiên liệu cho pin nhiên liệu, định hướng hoàn thiện chuỗi giá trị hydro khâu sau
Đối với lĩnh vực tồn trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí là phát triển hợp lý hệ thống phân phối xăng dầu nhằm bảo đảm lưu thông và bình ổn thị trường tiêu thụ, đáp ứng toàn bộ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước; tăng cường các giải pháp gia tăng dự trữ về dầu thô và xăng dầu; khuyến khích sử dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ môi trường.
PV
Bình luận