Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ hai, 21/11/2022 02:11
TMO - Tỉnh Gia Lai xác định "Phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu" là 1 trong 4 chương trình trọng tâm của tỉnh, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giảm nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Gia Lai hiện có tổng diện tích tự nhiên hơn 15.510 km2, trong đó diện tích rừng tự nhiên lớn với diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp là 723.156,38 ha (chiếm 46,62% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh); diện tích đất có rừng là 631.281 ha (trong đó rừng tự nhiên hơn 478.820 ha, rừng trồng hơn 152.470 ha), tỷ lệ che phủ rừng và cây công nghiệp thân gỗ đạt 47%; là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất vùng Tây Nguyên, chiếm 25,2% diện tích toàn vùng và chiếm 4,3% diện tích cả nước.
Trên địa bàn tỉnh có Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, có nhiều loại cây quý hiếm với hệ động, thực vật đa dạng và phong phú, có nhiều loài quý hiếm được đưa vào sách đỏ và mang đặc điểm chuyên biệt của rừng Tây Nguyên tại cao nguyên Kon Hà Nừng-nơi vừa được UNESCO chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Tỉnh Gia Lai xác định "Phát triển lâm nghiệp bền vững là 1 trong 4 chương trình trọng tâm của tỉnh.
Tuy nhiên, địa phương này đang đối diện với nhiều thách thức như: nguy cơ mất cân bằng sinh thái và cạn kiệt tài nguyên; hệ sinh thái cảnh quan tỉnh Gia Lai đã có nhiều thay đổi, diện tích và trữ lượng rừng suy giảm đã tác động mạnh đến hệ sinh thái toàn vùng; đồng thời, ảnh hưởng rõ rệt đến các khu vực hạ du, cộng với những yếu tố bất lợi của biến đổi khí hậu như mùa khô kéo dài, sự biến đổi thất thường của thời tiết làm cho lũ lụt, hạn hán trở nên trầm trọng hơn.
Trước thực trạng nêu trên tỉnh Gia Lai xác định phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu là hết sức quan trọng, đây cũng là 1 trong 4 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Theo đó, tỉnh xác định phải quản lý chặt diện tích rừng, đất rừng theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đẩy mạnh công tác bảo vệ, phát triển rừng; phát triển lâm nghiệp xã hội, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng; chú trọng việc giao rừng, cho thuê rừng đối với tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình; phát triển rừng gỗ lớn, nâng cao hiệu quả trồng rừng, lâm đặc sản, phát triển dược liệu dưới tán rừng đảm bảo có nguồn thu từ việc quản lý, bảo vệ rừng.
Phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 47,75% và đến năm 2030 là trên 49,2%, đẩy mạnh các mô hình sản xuất theo phương thức nông-lâm kết hợp, mô hình vườn-rừng-trang trại, qua đó phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt giải pháp liên tỉnh, liên vùng để quản lý tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn vùng Tây Nguyên và các vùng lân cận, nhất là các khu rừng giáp ranh với các địa phương.
Lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly làm đường ranh cản lửa phòng-chống cháy rừng. Ảnh: Lê Nam
Thời gian tới, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành địa phương nghiên cứu, đầu tư kinh phí để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; có cơ chế, quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân, cộng đồng giữ rừng, trồng rừng, sống được nhờ rừng, đảm bảo an ninh nguồn nước bằng việc đầu tư xây dựng các hồ thủy lợi lớn, khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt trong mùa khô, phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu. Xem xét có cơ chế đối với diện tích đất lâm nghiệp nhưng không có rừng thì được đưa một phần diện tích ra khỏi quy hoạch đất lâm nghiệp và chuyển đổi mục đích sử dụng khác để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.
Đối với các địa phương Tây Nguyên còn có diện tích rừng lớn - đây đều là các tỉnh còn nghèo, ngân sách còn nhiều khó khăn, đề nghị Trung ương quan tâm ưu tiên phân bổ các nguồn lực để các địa phương yên tâm giữ rừng, giải quyết tốt vấn đề sinh kế, giữ gìn và phát huy không gian, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, góp phần giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh khu vực biên giới phía Tây của Tổ quốc.
Đức Nam
Bình luận