Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 25/01/2025 06:01
Chủ nhật, 14/01/2024 19:01
TMO – Các địa phương vùng duyên hải miền Trung được xác định có nhiều tiềm năng và lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là vùng chịu tác động lớn từ thiên tai, biến đổi khí hậu.
Tiềm năng và lợi thế
Vùng duyên hải miền Trung bao gồm các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, nằm trên các trục giao thông chính Bắc - Nam cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, có ý nghĩa chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar, là cửa ngõ ra biển của các tuyến hành lang Đông - Tây nối với đường hàng hải quốc tế. Vị trí này là lợi thế quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho vùng trở thành một hành lang thương mại quan trọng giữa khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng với khu vực Đông Bắc Á và khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, vùng duyên hải miền Trung có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu (có trên 1.000 km bờ biển), đất, rừng, di sản văn hóa lịch sử…, cho phép phát triển kinh tế tổng hợp với các ngành chủ lực như: khai thác và chế biến thủy sản, du lịch, cảng biển, dịch vụ hàng hải, công nghiệp nặng; dịch vụ hậu cần nghề cá... Đặc biệt, trong vùng tập nhiều di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Đây là cơ hội để các địa phương trong vùng phát triển du lịch.
Tác động từ thiên tai, biến đổi khí hậu
Tuy có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế-xã hội, song, vùng duyên hải miền Trung (DHMT) cũng là một trong những vùng bị đánh giá là ảnh hưởng nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu, nằm trong vùng thiên tai cấp III và IV, đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nhiều loại thiên tai, như bão, nắng nóng, hạn hán, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất, rét hại, mưa lớn, lốc, sét mưa đá và nước biển dâng cao. Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu đã và đang làm trầm trọng thêm những tác động này, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nói chung và phát triển kinh tế biển của vùng.
Cảng biển - một trong những tiềm năng kinh tế của khu vực miền Trung.
Theo đó, đối với ngành du lịch và dịch vụ biển: Tác động của biến đổi khí hậu đến du lịch và dịch vụ biển vùng DMHT có thể được chia thành ba nhóm chính, gồm: Tác động tới tài nguyên du lịch (Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên và tài nguyên du lịch, gồm cả bãi biển, công trình kiến trúc, di tích lịch sử và các địa danh du lịch khác. Sự suy giảm hoặc mất mát tài nguyên du lịch do biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm du lịch hiện có và gây khó khăn trong việc phát triển các sản phẩm du lịch mới);
Tác động tới công trình cơ sở vật chất du lịch (Biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng bão lũ, sạt lở ven biển, lũ quét và sạt lở tại vùng núi, gây hủy hoại và tác động tiêu cực tới các công trình du lịch và hạ tầng du lịch. Điều này có thể làm giảm khả năng hoạt động và hạn chế sự phát triển của ngành du lịch); Tác động tới hoạt động du lịch và lữ hành (Hoạt động du lịch phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Các biến đổi khí hậu, như hiện tượng thời tiết bất thường và cực đoan đã diễn ra ngày càng tăng với tần suất cao hơn và cường độ mạnh hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến việc di chuyển và nhu cầu du lịch của du khách; ngoài ra, các điều kiện thời tiết không ổn định có thể làm giảm sự hấp dẫn của các tour du lịch).
Đối với kinh tế hàng hải, vận tải biển: Nước biển dâng cao và biến đổi mô hình mưa và gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu có thể gây ra sự tăng cường của hiện tượng bão và sóng biển, gây khó khăn cho hoạt động hàng hải và giao thông biển. Do tác động của biến đổi khí hậu, việc vận chuyển hàng hóa có thể bị chậm trễ hoặc bị gián đoạn do hạn chế về an toàn và khả năng hoạt động của các cảng biển trong điều kiện thời tiết bất thường. Các cơn bão dữ dội xảy ra với tần suất thường xuyên hơn gây ra tình trạng bị phong tỏa và tắc nghẽn tại các cảng, dẫn đến tàu phải ở ngoài biển lâu hơn, gây tổn thất chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, mực nước biển dâng cao và bão có thể gây xói lở bờ biển dẫn đến làm gia tăng rủi ro tàu bị mắc cạn.
Đối với lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí, theo các chuyên gia, hiện nay, trên địa bàn vùng DHMT có 2 dự án lọc dầu quy mô lớn đang hoạt động là Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, ngoài ra còn có nhà máy sản xuất polypropylene Dung Quất, công suất 150.000 tấn/năm. Ngành dầu khí vừa là tác nhân gây ra biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là đối tượng bị tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Sự tăng nhiệt độ, trái đất ấm lên gây ảnh hưởng đến hiệu suất và kỹ thuật khai thác dầu khí. Nếu nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, có thể làm giảm hiệu suất của các thiết bị và hệ thống trong quá trình khai thác. Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt và bão nhiệt đới gây ra thiệt hại không lường trước được đối với các công trình ngoài khơi, hạn chế khả năng tiếp cận các địa điểm sau khi xảy ra bão, áp thấp nhiệt đới, cản trở, gây khó khăn làm tăng thêm các chi phí việc bảo dưỡng và sửa chữa các công trình ngoài khơi cũng như hư hỏng các đường ống dẫn dầu.
Đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản: Khu vực DHMT tại Việt Nam có sự đa dạng và phong phú trong tài nguyên khoáng sản. Trong đó có các tài nguyên khoáng sản ven biển như titan và cát thủy tinh. Biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng hạn hán với cường độ mạnh hơn và kéo dài hơn trong mùa khô, làm gia tăng xâm nhiễm mặn tại một số khu vực. Điều này gây khó khăn cho việc cung cấp nước cho quá trình khai thác và tuyển chọn quặng titan, đặc biệt là ở các khu vực khan hiếm nước. Biến đổi khí hậu cũng làm tăng mưa lũ vào mùa mưa; khi có mưa lớn sẽ gây giảm khoảng 20 - 30% sản lượng khai thác. Mưa lớn không chỉ gây ngập úng các đường nội bộ và kết cấu hạ tầng khu vực khai thác, mà còn gây hư hại cho kết cấu hạ tầng như nhà xưởng, thiết bị và máy móc. Ngoài ra, mưa lớn cũng gây xói mòn và mất mát nguồn tài nguyên khoáng sản ven biển. Sự gia tăng của bão và lũ lụt do biến đổi khí hậu đã đặt hệ thống đê bao ngăn mặn ven biển trong tình trạng nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Điều này tạo ra nguy cơ xâm nhập mặn sâu vào vùng đất liền, gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng quặng và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thuỷ hải sản: Biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phân bố và số lượng các loài hải sản. Sự tăng nhiệt đới và biến đổi mô hình mưa có thể làm tăng sự suy giảm nguồn lợi hải sản và gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm từ biển. Nhiệt độ ảnh hưởng đến rất nhiều yếu tố khác trong nước, đặc biệt là chất lượng nước, đồng thời, cũng ảnh hưởng đến khả năng thích nghi sinh trưởng và phát triển, làm suy giảm sức đề kháng của vật nuôi, từ đó làm tăng nguy cơ dịch bệnh. Nhiệt độ nước tăng là một trong những yếu tố thuận lợi gây hiện tượng “thủy triều đỏ”, sản sinh ra độc tố, làm giảm nồng độ oxy trong nước, khiến ảnh hưởng đến sinh trưởng của các loài sinh vật biển, các loài cá... Bên cạnh đó, nhiệt độ nước biển ngày càng tăng, đặc biệt là hiện tượng “sóng nhiệt” vào mùa hè sẽ làm giảm nồng độ oxy hòa tan trong nước, là nguyên nhân trực tiếp làm thủy sản chết hoặc làm sức đề kháng suy giảm, tạo cơ hội để các mầm bệnh gây hại cho vật nuôi.
Đối với ngành công nghiệp ven biển: Biến đổi khí hậu có thể tạo ra hiện tượng tăng nhiệt độ, mực nước biển dâng, tần suất bão và sóng biển tăng lên, cũng như sụt lún và xói lở bờ biển. Sự tăng nhiệt độ có thể làm tăng nhu cầu năng lượng trong các ngành công nghiệp, làm tăng chi phí thông gió, làm mát và làm giảm hiệu suất, sản lượng của các nhà máy điện. Ngoài ra, biến đổi khí hậu và cụ thể là mực nước biển dâng có thể làm tăng nguy cơ ngập lụt các khu công nghiệp ven biển của vùng. Mặt khác, biến đổi khí hậu có thể gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp ven biển.
Thời tiết cực đoan, như bão và sóng biển mạnh, có thể làm trễ hoặc ngừng giao hàng và xuất nhập khẩu hàng hóa, cũng như giảm sản lượng của các vùng nguyên liệu đặc biệt là thuỷ sản và nông nghiệp của vùng, tạo ra thách thức trong việc quản lý nguồn cung cấp và giá cả và mức độ cạnh tranh trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo ở vùng. Đối với việc phát triển năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu khiến gia tăng tượng bão và sóng biển có thể làm tăng rủi ro cho các công trình năng lượng gió biển và làm tăng chi phí xây dựng và vận hành nhất là các khu vực điện gió ngoài khơi.
Bài tiếp: Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu thúc đẩy phát triển kinh tế vùng
PHAN HUÝNH
Bình luận