Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 19:11
Chủ nhật, 23/04/2023 06:04
TMO - Trồng rừng gỗ lớn đang là hướng phát triển bền vững được nhiều địa phương ở vùng miền núi Quảng Nam thực hiện, ngoài hiệu quả kinh tế còn bảo vệ rừng tốt phòng hộ.
Tỉnh Quảng Nam có hơn 769.000 ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng. Hằng năm, số lượng gỗ rừng trồng phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu của tỉnh khoảng 1,45 triệu mét khối, góp phần tạo việc làm, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Tiềm năng phát triển trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng FSC của tỉnh Quảng Nam là rất lớn.
Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Năng suất bình quân của rừng trồng từ 70 - 75 m3/ha/chu kỳ 5 năm. Trong khi đó, với chu kỳ rừng trồng gỗ lớn từ 10 - 12 năm, sản lượng bình quân có thể lên tới 250 m3/ha, lợi nhuận tăng khoảng 18 - 25 triệu đồng/ha/năm.
Trước hiệu quả của rừng gỗ lớn, nhiều hộ dân đã thay đổi tư duy sản xuất. Huyện Bắc Trà My đặt mục tiêu ồng 1.000 ha rừng gỗ lớn tại các khu vực đầu nguồn nước, khu dân cư sinh sống dưới chân đồi trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện, với các loài cây bản địa như lim xanh, dổi... với tổng kinh phí hơn 96,5 tỷ đồng.
Tại huyện miền núi Nam Giang, năm 2022, ngoài cấp kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng cho các xã, thị trấn (380 triệu đồng/xã), địa phương huy động nguồn vốn, lồng ghép triển khai hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn nhằm đa dạng mục tiêu và hiệu quả phát triển lâm nghiệp bền vững, phát triển nền kinh tế xanh, đảm bảo thu nhập cho người dân vừa bảo vệ môi trường sống trước biến đổi khí hậu. Đến nay, tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn của Nam Giang đạt khoảng 669 ha.
Trồng rừng gỗ lớn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ rừng tốt phòng hộ trên địa bàn tỉnh. Ảnh: ALN.
Để thúc đẩy phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh Quảng Nam đã đã ban hành kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định 33/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ với kinh phí gần 600 tỷ đồng. Mục tiêu đề ra là tạo vùng nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu; nâng cao hiệu quả kinh tế và môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng trồng sản xuất nâng cao giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp, đưa tăng trưởng rừng của Quảng Nam đạt trên 20 m3/ha, doanh thu kinh doanh rừng lên mức khoảng từ 20 – 25 triệu đồng/ha/năm.
Một số cơ chế hỗ trợ cho việc triển khai trồng rừng gỗ lớn như: Mức hỗ trợ đối với các xã trong khu vực biên giới là 10 triệu đồng/ha, các xã ngoài khu vực biên giới 8 triệu đồng/ha. Ngoài ra, hỗ trợ chi phí cho công tác khuyến lâm 500.000 đồng/ha/4 năm (1 năm trồng và 3 năm chăm sóc); Hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng: 300.000 đồng/ha.
Hỗ trợ lập, thẩm định dự án trồng rừng sản xuất 100.000 đồng/ha; Hỗ trợ hoàn công và số hóa bản đồ 50.000 đồng/ha; Hỗ trợ chi phí quản lý nghiệm thu 10% tổng mức đầu tư. Đối với mức hỗ trợ một lần cấp chứng chỉ rừng là 70% chi phí, tối đa không quá 300.000 đồng/ha với quy mô tối thiểu 100 ha trở lên (cho rừng tự nhiên, rừng trồng). Hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng/1 cơ sở sản xuất giống nuôi cấy mô xây dựng mới...
Thời gian tới, địa phương này tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 20 25, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5 – 5,5%/năm; giá trị sản xuất gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 5.600 tỷ đồng.
Giá trị thu nhập từ rừng trồng là rừng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020 (bình quân 150 m3/ha/chu kỳ 10 năm); có ít nhất 20% diện tích (30.000 ha) rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn, tiêu chí của quản trị rừng quốc tế và phấn đấu đến năm 2030 diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng đạt ít nhất 30% diện tích, tương đương 45.000 ha.
Để phát triển rừng gỗ lớn, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương nghiên cứu xây dựng giống tốt, các địa phương và doanh nghiệp cần quan tâm đến việc nâng cao kiến thức và kỹ năng thâm canh, quy trình trồng rừng gỗ lớn, hướng đến mục tiêu tăng diện tích rừng trồng và diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC. Ngoài ra, gấp rút cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tăng cường kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư mở rộng rừng trồng, huy động nguồn lực, thúc đẩy mối liên kết giữa các nhà chế biến gỗ và người dân trong việc tham gia chương trình trồng và sản xuất gỗ lớn ra thị trường tiêu thụ.
Nguyễn Minh
Bình luận