Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ năm, 16/11/2023 07:11
TMO - Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) được quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại và thân thiện với môi trường. Việc phát triển KCN theo hướng mô hình KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí, sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững song hành với lợi ích kinh tế và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Việt Nam đang tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chất lượng cao để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, việc chuẩn bị hạ tầng công nghiệp là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng khắt khe của các nhà đầu tư FDI. Trong đó, việc triển khai các KCN sinh thái đang được đánh giá là một mô hình tất yếu, không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn gia tăng chuỗi giá trị và tác động lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Mô hình khu công nghiệp sinh thái đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn tại pháp luật về bảo vệ môi trường, được lồng ghép vào Chiến lược thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2030, Chiến lược Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, góp phần hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26, thực hiện Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Mô hình khu công nghiệp sinh thái đang được đẩy mạnh triển khai tại một số địa phương. Ảnh:
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, song việc phát triển các KCN thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, quy hoạch phát triển KCN chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể. Tại một số nơi, quy hoạch phát triển KCN chưa sát với nhu cầu phát triển và khả năng thu hút đầu tư. Do đó, chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư chưa đạt như kỳ vọng về sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên về đất đai (tài sản quan trọng của quốc gia) cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và đảm bảo phát triển bền vững, cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội.
Tại các KCN truyền thống hiện nay, cộng đồng các KCN trong cùng địa phương còn thiếu tính liên kết, cùng hợp tác nhằm tăng sức cạnh tranh cũng như kết nối với các KCN tại những địa phương lân cận. Doanh nghiệp trong cùng KCN cũng chưa tận dụng hết các lợi thế của nhau để cùng cộng sinh công nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đồng thời tiết kiệm chi phí, tận dụng tài nguyên sẵn có.
Báo cáo Công tác bảo vệ môi trường của Chính phủ cũng chỉ ra bên cạnh những việc làm được, số lượng dự án đang vận hành tại các khu kinh tế, khu công nghiệp thuộc nhóm ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường (như luyện kim, khai thác khoáng sản, phá dỡ tàu biển, sản xuất giấy, bột giấy, dệt nhuộm, thuộc da, lọc hóa dầu, nhiệt điện, thép, hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật…) còn nhiều và chiếm tỷ lệ lớn trong việc phát sinh các loại nước thải, chất thải nguy hại. Trong đó, số khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung còn khoảng 10%; chưa được kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành công trình bảo vệ môi trường chiếm 20%. Đặc biệt, khu công nghiệp chưa có công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo quy định lên tới 75%. ô nhiễm bụi, đặc biệt là tại các khu công nghiệp khu vực phía Bắc có công nghệ cũ, lạc hậu.
Thêm vào đó, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và mùi còn xảy ra cục bộ tại một số khu công nghiệp (nơi hoạt động của các nhà máy xử lý nước thải, nhà máy chế biến tinh bột, cao su, giày…). Đối với môi trường đất, các kết quả quan trắc chất lượng đất nông nghiệp xung quanh các khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Bình Dương… có hàm lượng kim loại nặng ngày càng gia tăng như đồng, kẽm, cadimi, arsenic, thủy ngân, crom…
Tại Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) để thực hiện Dự án KCN sinh thái do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ; trong đó giai đoạn 1 dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” thu hút được 72 doanh nghiệp từ 4 KCN ở Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ áp dụng các công nghệ, các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.
Các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn do Dự án tư vấn cho các doanh nghiệp triển khai đã giúp tiết kiệm được hơn 22.000 Mwh điện; hơn 600.000 m3 nước sạch; hơn 140 TJ (Têrajun) nhiên liệu hóa thạch và gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải. Các giải pháp này cũng đã giảm được 32 Kt khí CO2 hàng năm. Qua đó giúp hàng năm tiết kiệm được hơn 6,5 triệu USD. Hiện nay dự án KCN sinh thái đang tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả giai đoạn 2 dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ, với các KCN thí điểm được lựa chọn là KCN Amata (Đồng Nai), KCN Deep C (Hải Phòng), KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng).
Hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường tại các KCN như kiểm soát chất lượng khí, nước thải, cây xanh... là nhiệm vụ quan trọng trong uá trình chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái.
Trên thực tế triển khai, quá trình chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, song còn nhiều khó khăn, thách thức. Việc thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái cần nguồn vốn đầu tư, trong khi đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong KCN còn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi do thủ tục khắt khe, lãi suất đang có xu hướng tăng cao, thời hạn vay ngắn. Hơn nữa, Việt Nam chưa có cơ chế tài chính ưu đãi riêng cho dự án đầu tư thực hiện các sáng kiến KCN sinh thái; các rào cản về kỹ thuật, năng lực quản lý cũng khiến các doanh nghiệp còn bỡ ngỡ khi thực hiện chuyển đổi.
Hiện nay, Nghị định 82/2018/ND-CP quy định khái niệm, tiêu chí một số ưu đãi đối với khu công nghiệp sinh thái, trong khi các hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn tái sử dụng chất thải, nước, phế phẩm, công nghệ mới được giao cho các bộ, ngành liên quan nhưng chưa được ban hành (như việc tái sử dụng nước thải được quy định tại Nghị định số 38/2015/ND-CP của Chính phủ về Quản lý chất thải và phế liệu).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các hướng dẫn, cũng như quy chuẩn cần thiết hỗ trợ chuyển đổi và xây dựng mới các KCN sinh thái. Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn các nhà tài trợ quốc tế tiếp tục hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và đồng hành cùng các địa phương trên cả nước trong việc đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi KCN truyền thống sang KCN sinh thái và xây dựng KCN sinh thái mới, gắn kết KCN sinh thái với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tại các địa phương; phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh 2021-2030 tầm nhìn 2050, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên Hợp quốc, cam kết thực hiện mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP 26).
Bên cạnh đó, các địa phương cần ưu tiên dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng... Mục tiêu là phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành.
Việc thực hiện KCN sinh thái đòi hỏi nhiều chi phí hơn so với các KCN truyền thống, do quy định xây dựng KCN sinh thái phải đáp ứng đủ các nhóm tiêu chí đối với từng đối tượng như:
(1) Đối với nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN
Tuân thủ quy định của pháp luật về: đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và pháp luật về lao động trong vòng 03 năm trước thời điểm đăng ký chứng nhận KCN sinh thái. Bảo đảm đầy đủ các dịch vụ cơ bản trong khu công nghiệp theo quy định của pháp luật bao gồm: dịch vụ hạ tầng thiết yếu (điện; nước; thông tin, phòng cháy, chữa cháy; xử lý nước thải; các dịch vụ hạ tầng thiết yếu khác) và các dịch vụ có liên quan, hỗ trợ các doanh nghiệp trong KCN thực hiện cộng sinh công nghiệp.
Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giám sát đầu vào và đầu ra về sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu trong khu công nghiệp; lập báo cáo định kỳ hàng năm về các kết quả đạt được trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và giám sát phát thải của KCN, báo cáo Ban Quản lý các KCN, KKT. Hằng năm, công bố báo cáo thực hiện bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh gửi Ban Quản lý KCN, KKT và đăng trên website của doanh nghiệp.
(2) Đối với các doanh nghiệp trong KCN:
Thực hiện ít nhất 01 cộng sinh công nghiệp và các doanh nghiệp tham gia cộng sinh công nghiệp trong KCN áp dụng hệ thống quản lý sản xuất và môi trường theo các tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) phù hợp. Tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn đạt kết quả tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu và giảm phát thải ra môi trường.
(3) Đối với các KCN
Tỷ lệ tối thiểu tổng diện tích cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung trong KCN đạt 25% trong quy hoạch xây dựng KCN được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Có giải pháp đảm bảo nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong KCN.
Khánh Nam
Bình luận