Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 21:11
Thứ tư, 14/09/2022 08:09
TMO - Giai đoạn 2018-2022, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc đã có những kết quả khích lệ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh nói riêng và của cả vùng nói chung.
Tại hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng trung du và miền núi phía Bắc lần thứ XVIII, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết của Bộ Chính trị về "Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", ngành khoa học và công nghệ được phân công thực hiện nhiều nhiệm vụ giải pháp tập trung vào việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN.
Trong đó, triển khai ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gắn kết hợp tác giữa các đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp, đẩy mạnh việc hỗ trợ ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ
Bộ trưởng cho biết, giai đoạn 2018-2022, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của các tỉnh trong vùng đã có những kết quả khích lệ, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh nói riêng và của cả vùng nói chung.
Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ được ban hành, giải pháp nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm chủ lực địa phương được ứng dụng thành công. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, từng bước gắn với thực tiễn.
Các tỉnh tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc ứng dụng khoa học công nghệ đồng bộ khâu sản xuất, thu hoạch đến chế biến
Đánh giá vùng có nhiều tiềm năng phát triển nông lâm nghiệp, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, gắn với bản sắc văn hóa riêng, tuy nhiên Bộ trưởng nhìn nhận đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước. Khoa học và công nghệ vùng vẫn tồn tại hạn chế, đòi hỏi giải pháp mạnh, đột phá, đổi mới sáng tạo hơn.
Tại tỉnh Tuyên Quang, ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp kinh tế địa phương phát triển bền vững. Trong đó nhiều công nghệ được chuyển giao, làm chủ, gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tạo giá trị gia tăng cao. Nhiều sản phẩm đặc sản địa phương áp dụng các tiến bộ kỹ thuật giúp nâng giá trị, với 206 sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, 3 sản phẩm được đăng ký chỉ dẫn địa lý (cam sành Hàm Yên, chè Shan Tuyết Na Hang và bưởi Soi Hà Yên Sơn).
Tại Lào Cai, chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện mới và chuyển tiếp 116 đề tài, dự án khoa học, chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Nông - lâm nghiệp, văn hóa - xã hội, y tế và kỹ thuật công nghiệp. Các đề tài, dự án tập trung nghiên cứu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc sản, có lợi thế của tỉnh.
Các đề tài, dự án cơ bản triển khai đúng tiến độ, nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, như mô hình gạo Séng cù, chè ô long, tương ớt Mường Khương, hồng không hạt Bảo Hà... Qua đó, đã hình thành vùng sản xuất tập trung tại các huyện Bảo Thắng, Mường Khương. Hay đối với sản phẩm chế biến từ cây atiso, qua triển khai các đề tài, dự án đối với sản phẩm này đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu cho sản phẩm cao mềm atiso Sa Pa.
Dây chuyền chế biến nông sản được đẩy mạnh đầu tư nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: TH
Thời gian qua, tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn và thực hiện áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, Lai Châu đã hình thành một số mô hình sản xuất, chế biến trong nông nghiệp. Tỉnh có mô hình áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt như: 171 ha chè (VietGAP, hữu cơ, RA), nuôi lợn VietGAP, nuôi cá nước lạnh, nấm đông trùng (ISO); nông nghiệp công nghệ cao (sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, tiết kiệm).
Áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến (chế biến chè công nghệ Nhật Bản, Đài Loan, chế biến miến dong, gạo). Bên cạnh đó, gắn mã vùng trồng cây ăn quả 4.000ha, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; xác lập quyền sở hữu trí tuệ 80 sản phẩm và áp dụng mã số, mã vạch cho 20 doanh nghiệp, hợp tác xã.
Từ năm 2018 đến nay, có 164 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia được triển khai thực hiện tại vùng trung du và miền núi phía Bắc, góp phần giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề mang tính cấp thiết, cấp bách, liên vùng, liên ngành và có tầm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng. Các đề tài, dự án, tiến bộ kỹ thuật mới được đưa nhanh vào sản xuất, hàng trăm mô hình ứng dụng được hình thành hiệu quả, hàng nghìn lượt người dân được tập huấn kỹ thuật.
Trong giai đoạn 2018-2022, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc đã có 2.167 nhãn hiệu được xác lập quyền sở hữu công nghiệp; 16 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản; 111 kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ; 58 sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp bằng Sở hữu trí tuệ…
Định hướng mục tiêu của vùng trung du miền núi phía Bắc đến năm 2030 thành vùng phát triển xanh, bền vững. Theo đó, các chuyên gia đề xuất thực hiện đẩy mạnh tìm kiếm, chuyển giao và ứng dụng chuyển đổi số nhằm khai thác tối đa lợi thế. Ưu tiên phát triển chuỗi giá trị đặc sản địa phương, mở rộng hợp tác, kết nối cung - cầu công nghệ nhằm tạo thị trường cho các sản phẩm chủ lực.
Bên cạnh tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, vùng cũng chú trọng ứng dụng công nghệ mới, giải pháp tiên tiến, từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo lập tam giác liên kết doanh nghiệp, cơ quan quản lý và đơn vị nghiên cứu. Đồng thời hỗ trợ nhóm khởi nghiệp gắn với đào tạo nguồn nhân lực, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ có tính liên tỉnh, liên vùng để giải quyết bài toán cấp thiết.
Thúy Hằng
Bình luận