Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 00:01
Thứ ba, 18/07/2023 03:07
TMO - Việc xây dựng và phát triển hệ thống mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng được xác định là yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết nhằm đáp ứng tốt công tác dự báo, cảnh báo, phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, đồng thời phục vụ nhu cầu khai thác thông tin dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt phức tạp, Bắc Kạn chịu nhiều tác động của các loại hình thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn (KTTV) xảy ra như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn gây ra lũ quét, lũ lớn, ngập úng và sạt lở đất; nắng nóng, hạn hán, dông - lốc - sét, mưa đá, rét đậm - rét hại - băng giá và sương muối… từ đó gây nhiều thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Vì vậy, thông tin dữ liệu KTTV có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; phục vụ sản xuất và các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; đồng thời phục vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực như giao thông, xây dựng, thủy lợi, y tế, du lịch…
Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 trạm quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia, trong đó có 3 trạm khí tượng, 4 trạm thủy văn; tuy nhiên, nguồn thông tin dữ liệu mới chỉ đáp ứng được cơ bản công tác dự báo, cảnh báo KTTV ở trên toàn khu vực. Đối với dự báo KTTV chưa dự báo chi tiết đến cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là đối với các khu vực thường xuyên xảy ra lũ, lũ quét hay đối với thủy văn; nhiều vị trí trên các sông, nơi thường xuyên xảy ra ngập lụt không có trạm quan trắc nên không thể dự báo chi tiết đến từng vị trí.
Nguồn thông tin dữ liệu KTTV chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng riêng của các đối tượng khác nhau như tính toán lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế với quy mô từng khu vực; tính toán thiết kế các công trình xây dựng, giao thông, thủy lợi, điện lực, viễn thông…; tính toán bố trí mùa vụ, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi ở từng địa phương, từng khu vực.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 01 trạm khí tượng bề mặt chuyên dùng được xây dựng và lắp đặt tại Vườn Quốc gia Ba Bể; 71 trạm đo mưa và 04 trạm đo mực nước nhân dân để cung cấp số liệu phục vụ công tác dự báo, cảnh báo. Đối với hệ thống trạm đo hiện tại có 04 trạm đo mưa nước nhân dân và 41 trạm đo mưa tự động được lắp đặt các năm 2018, 2019, 2020 là do tỉnh quản lý, còn 30 trạm đo mưa lắp đặt trong năm 2022 do Tổng cục Khí tượng Thủy văn quản lý, mạng lưới trạm này cùng với mạng lưới trạm đo mưa quốc gia phát triển thêm 58 trạm trong lộ trình những năm tiếp theo nếu đạt kế hoạch 100% thì cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Vì vậy, mạng lưới trạm quan trắc KTTV trên địa bàn tỉnh chưa thể dự báo chi tiết cho các vùng nhỏ, các khu dân cư, các khu du lịch, cụm công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, các hồ chứa phục vụ cho đời sống cộng đồng, an sinh xã hội, y tế, giao thông vận tải; chưa đủ để phục vụ nhu cầu về thông tin dữ liệu KTTV cho công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo ổn định, phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Tỉnh Bắc Kạn tiếp tục phát triển, hoàn thiện các trạm quan trắc KTTV nhằm nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo (Ảnh minh họa).
Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến năm 2030, ngoài các trạm quan trắc KTTV quốc gia trên địa bàn tỉnh và các trạm KTTV chuyên dùng hiện có trên địa bàn tỉnh, dự kiến sẽ phát triển thêm 5 trạm khí tượng chuyên dùng và 11 trạm thủy văn chuyên dùng, được chia làm 02 giai đoạn (2023 - 2025 và 2026 - 2030) Trong đó, giai đoạn 2023 - 2025 ưu tiên khôi phục, bảo trì, bảo dưỡng, thay thế, nâng cấp thiết bị quan trắc của các trạm, điểm đo hiện đang dừng hoạt động hoặc quá hạn bảo trì, bảo dưỡng; xây dựng mới các trạm, điểm đo khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ nhu cầu cấp bách của các ngành, lĩnh vực trong tỉnh.
Từng bước đầu tư xây dựng và hoàn thiện mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng theo hướng tự động, tiên tiến, hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Xây dựng cơ sở dữ liệu chuẩn hóa, đồng bộ, kết nối với cơ sở dữ liệu KTTV quốc gia; kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, phục vụ các ngành, lĩnh vực, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng có nhu cầu sử dụng thông tin, dữ liệu từ mạng lưới KTTV chuyên dùng. Dự kiến giai đoạn này xây mới 4 trạm khí tượng chuyên dùng; xây mới 8 trạm và nâng cấp 2 trạm thủy văn chuyên dùng.
Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục duy trì hoạt động các trạm, điểm đo hiện có; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế quản lý, vận hành, khai thác các trạm, điểm đo; xây dựng cơ chế khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu nhằm phát huy hiệu quả của mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng. Hình thành hệ thống thông tin kết nối các trạm quan trắc KTTV quốc gia trong tỉnh. Tiếp tục nâng cấp cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, bảo đảm thông tin thông suốt, đồng bộ, có hệ thống và độ tin cậy cao. Theo đó, giai đoạn này sẽ xây mới 1 trạm khí tượng chuyên dùng và nâng cấp 1 trạm thủy văn chuyên dùng.
Việc hoàn thiện hệ thống quan trắc KTTV chuyên dùng trên địa bàn tỉnh được thực hiện lồng ghép với các dự án đầu tư xây dựng công trình, đồng thời huy động tối đa các nguồn vốn từ các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh để phát triển mạng lưới KTTV chuyên dùng.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng và ban hành các văn bản quy định về việc quản lý, khai thác, chia sẻ thông tin dữ liệu quan trắc của mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng giữa các sở, ngành, các chủ công trình có hoạt động quan trắc KTTV và cơ quan KTTV trung ương; Ưu tiên đầu tư xây dựng mạng lưới trắc KTTV ở các vùng có mật độ mạng lưới chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; Hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật đi đôi với việc đầu tư trang thiết bị và công nghệ hiện đại cho các hoạt động quan trắc, truyền tin, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV.
Triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu nhằm tập trung khai thác và quản lý dữ liệu KTTV và biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Đưa thông tin KTTV là đầu vào quan trọng của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân và đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, phát triển kinh tế xã hội. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ quan trắc, truyền tin, xử lý, quản lý và cung cấp thông tin, dữ liệu KTTV phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Lê Ngọc
Bình luận