Hotline: 0941068156
Thứ sáu, 22/11/2024 07:11
Chủ nhật, 01/09/2024 11:09
TMO - Trước tác động của biến đổi khí hậu nhất là tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán gia tăng, tỉnh Trà Vinh chú trọng phát triển, hoàn thiện hệ thống thủy lợi nhằm hạn chế những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.
Trà Vinh nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và tiếp giáp biển Ðông, phần lớn diện tích đất nông nghiệp chịu ảnh hưởng bởi khô hạn, xâm nhập mặn. Tại Trà Vinh, xâm nhập mặn chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi 03 cửa sông chính là Cung Hầu, Định An và Láng Nước vào sông Cổ Chiên, Sông Hậu và sông Long Toàn.
Mùa khô năm nay, mặn xâm nhập tuy không gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020 nhưng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Với tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của Trà Vinh hơn 256.000ha; trong đó, diện tích lúa trên 200.000ha và khoảng 50.000ha màu các loại... để hạn chế thiệt hại từ xâm nhập mặn trong những năm qua địa phương này đã phát triển hệ thống thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mùa khô 2023-2024, tỉnh Trà Vinh đã chủ động ứng phó, giảm thiệt hại do hạn, mặn nhờ phát huy hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi thuộc các dự án ngọt hóa những vùng đất phèn, mặn. Trong đó, dự án thủy lợi Tầm Phương được hoàn thành năm 1989 với nhiều hạng mục công trình quan trọng đã phát huy tốt hiệu quả. Dự án đã đào mới bốn kênh cấp I, gồm: Tầm Phương, Thanh Nguyên, Bắc Phèn, Ô Xây dài gần 25 km; đào 49 kênh cấp II tổng chiều dài 77,9 km, lắp đặt 44 cống thủy lợi cấp II và đào 354 kênh cấp III, lắp đặt 354 cống thủy lợi cấp III.
Trước đây, phần lớn diện tích lúa của huyện Châu Thành chỉ sản xuất được hai vụ mỗi năm, năng suất bấp bênh. Các công trình thuộc dự án thủy lợi Tầm Phương đã tiếp ngọt, rửa phèn, mặn cho 7.000 ha đất nông nghiệp tại các xã Thanh Mỹ, Lương Hòa A, một phần diện tích các xã Mỹ Chánh, Đa Lộc của huyện Châu Thành. Hiện, 100% diện tích hưởng lợi vùng dự án đã canh tác ba vụ lúa/năm, năng suất bình quân khoảng 5,5 tấn/ha/vụ.
Huyện Trà Cú là địa phương bị ảnh hưởng hạn, mặn nghiêm trọng nhất tỉnh, thường xuyên bị thiếu nước tưới vào mùa khô, gây thiệt hại nhiều diện tích trồng lúa, hoa màu trên địa bàn. Tuy nhiên, từ khi Trạm bơm Kênh 3 tháng 2 hoàn thành đưa vào khai thác (tháng 8/2022), địa phương đã chủ động được nguồn nước ngọt phục vụ tưới tiêu cho hơn 13.200ha trồng lúa và khoảng 6.000 ha trồng rau màu vụ đông - xuân. Trạm bơm Kênh 3 tháng 2 có công suất 20m3/s với tổng mức đầu tư 244,62 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương 135 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng số tiền còn lại.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú: Hiện trên địa bàn huyện có 31 công trình cống ngăn mặn, trữ ngọt được đầu tư và đưa vào vận hành; trong đó, có 05 cống triển khai xây dựng giai đoạn 2023 - 2024, nằm trong hệ thống công trình Trạm bơm 3 tháng 2, như cống Long Hiệp - Ba So (xã Long Hiệp); cống Vàm Buôn 2 (xã Phước Hưng); Ba Trạch, cống N16, N17 (xã Tân Hiệp) trong việc điều tiết nguồn nước phục vụ cho các địa phương vùng tiếp giáp ven biển. Với các công trình thủy lợi được đầu tư đã cơ bản từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp.
Hệ thống cống Bông Bót tại huyện Cầu Kè phát huy hiệu quả trong đảm bảo nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Tại huyện Cầu Kè, cống Tân Dinh và Bông Bót là 2 công trình thuộc tiểu dự án kiểm soát nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít do Bộ NN&PTNT đầu tư trên địa bàn huyện, được đưa vào sử dụng tháng 01/2020. Từ khi 02 cống này được vận hành, địa phương đã khắc phục được nước mặn xâm nhập lấn sâu vào nội đồng, không còn tình trạng thiếu nước tưới vào mùa khô, bảo vệ được toàn bộ diện tích lúa, hoa màu, cây ăn trái nên người dân địa phương rất phấn khởi.
Người dân địa phương cho biết, nhờ được đầu tư các cống ngăn mặn, trạm bơm tiếp nước ngọt vào các kênh nội đồng nên việc sản xuất của người dân địa phương ngày càng thuận lợi, năng suất lúa vụ đông - xuân luôn cao hơn những năm trước. Mấy năm gần đây, mọi người không còn lo lắng việc thiếu nước tưới, mặn xâm nhập vào mùa khô mà chủ yếu tập trung chăm sóc, quản lý sâu bệnh để cây lúa đạt năng suất cao hơn.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hệ thống công trình thủy lợi Nam Măng Thít, thuộc dự án phát triển thủy lợi, giao thông Đồng bằng sông Cửu Long, có 80% các hạng mục công trình được triển khai tại tỉnh Trà Vinh phát huy hiệu quả cao trong giảm thiểu tác động từ hạn, mặn. Vùng hưởng lợi dự án bao gồm các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải và thành phố Trà Vinh. Dự án tiếp ngọt từ sông Măng Thít qua kênh Trà Ngoa để cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho toàn bộ vùng hưởng lợi; đồng thời, tiếp ngọt cho kênh 3 tháng 2, bảo đảm nguồn nước cho vùng ven biển Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải.
Trà Vinh đã được đầu tư xây dựng 30 cống thủy lợi cấp I, cấp II, 50 km đê bao, 60 cầu bê-tông nằm trên trục các tuyến đê và 200 km kênh cấp II. Hệ thống cống thủy lợi nằm trên tuyến đê bao ngăn mặn phía sông Cổ Chiên gồm Bến Chùa, Thâu Râu, Vinh Kim, Ngãi Hiệp, Láng Thé, Cái Hóp; phía sông Hậu gồm các cống La Bang, Trà Cú, Cần Chông, Chông Văn, Rạch Rum, Bông Bót. Hệ thống công trình thủy lợi Nam Măng Thít đáp ứng được nhu cầu ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ sản xuất hàng trăm nghìn héc-ta đất nông nghiệp của tỉnh…
Có thể nói, với hệ thống thủy lợi và những công trình ngăn mặn, trữ ngọt đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của nhiều địa phương và nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Hồng Liên
Bình luận