Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 09:01
Thứ tư, 30/08/2023 14:08
TMO - Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên trong đó có hệ sinh thái rừng, tỉnh Khánh Hòa quy hoạch huyện Khánh Sơn phát triển hệ thống đô thị theo mô hình tiểu vùng sinh thái rừng. Huyện Khánh Vĩnh được quy hoạch trở thành vùng kinh tế động lực, vùng đô thị hóa tập trung, vùng phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, vùng sinh thái... theo hướng cân bằng và bền vững.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, huyện Khánh Sơn được quy hoạch toàn huyện với tổng diện tích trên 33.800 ha, hướng đến việc phát triển hệ thống đô thị theo mô hình tiểu vùng sinh thái rừng. Cụ thể: Hình thành các đô thị có mật độ cây xanh, sinh thái cao, thân thiện với thiên nhiên, giảm tỷ lệ giao thông cơ giới trong đô thị, gia tăng hệ thống đường xe đạp, đi bộ, giao thông công cộng; kiến tạo các vành đai xanh, áp dụng thiết kế vườn trên mái, hạ tầng xanh, nhằm từng bước trở thành một điểm đến độc đáo của Khánh Hòa. Khánh Sơn được quy hoạch là trung tâm du lịch vùng núi đặt trọng tâm khai thác khía cạnh văn hóa di sản.
Trong đó, bảo vật văn hóa “Đàn đá Khánh Sơn” và “Văn hóa Cồng Chiêng" là những di sản có tầm quan trọng trong nền văn hóa cổ Việt Nam. Do đó, quy hoạch hướng đến việc đẩy mạnh quảng bá, bảo tồn nhằm phát huy các giá trị di sản này. Theo quy hoạch đến năm 2030, quy mô dân số huyện khoảng 48.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 21,9%. Đến năm 2050, dân số khoảng 90.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 34%. Dự báo đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 1.000 - 3.000 ha và đến năm 2050 khoảng 5.000 - 7.000 ha.
Huyện Khánh Sơn được quy hoạch hướng đến việc phát triển hệ thống đô thị theo mô hình tiểu vùng sinh thái rừng.
Huyện Khánh Vĩnh được quy hoạch với tổng diện tích hơn 116.600 ha và xác định trở thành vùng kinh tế động lực, vùng đô thị hóa tập trung, vùng phát triển du lịch, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, vùng sinh thái... theo hướng cân bằng và bền vững. Hệ thống đô thị của huyện phát triển theo mô hình tiểu đô thị sinh thái núi rừng, chú trọng hình thành các đô thị có mật độ cây xanh sinh thái cao, thân thiện với thiên nhiên, tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu và hệ thống rừng đặc trưng.
Quy hoạch hướng đến đưa huyện Khánh Vĩnh là trung tâm du lịch và văn hóa - sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp sạch. Trong đó, cần bảo tồn đa dạng sinh học rừng; đề xuất phát triển hệ thống các khu, cụm công nghiệp tập trung trên cơ sở khai thác lợi thế riêng của huyện. Dự báo đến năm 2030, dân số huyện Khánh Vĩnh đạt khoảng 65.940 người; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 18,2%. Đến năm 2050, dân số đạt khoảng 94.000 người; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 22,3%. Dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 200 - 300 ha và đến năm 2050 khoảng 350 - 525 ha.
Tỉnh Khánh Hòa quy hoạch huyện Khánh Vĩnh với hệ thống đô thị theo mô hình tiểu vùng sinh thái rừng.
Phát huy những lợi thế của điều kiện tự nhiên với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, những nét văn hóa truyền thống độc đáo, tỉnh Khánh Hòa hướng đến mục tiêu phát triển du lịch sinh thái núi rừng, du lịch cộng đồng nhằm góp phần giúp người dân thoát nghèo bền vững. Trong đó, huyện Khánh Vĩnh cũng được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái núi rừng. Ngoài Khu du lịch Yang Bay quen thuộc với du khách, gần đây, trên địa bàn huyện xuất hiện một số mô hình mới về du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm ẩm thực địa phương, như: Suối khoáng nóng Khánh Thành; Khu du lịch sinh thái thác Zi-ông (xã Khánh Trung); Khu du lịch Giang Ly; điểm du lịch Suối Mấu - Thác Bầu (xã Khánh Thượng)... Tuy nhiên, đến nay, việc phát triển du lịch của huyện chưa bài bản, công tác kêu gọi đầu tư du lịch còn gặp nhiều khó khăn, công tác truyền thông quảng bá du lịch còn yếu. Để phát triển du lịch, huyện đang xây dựng Đề án phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Tại huyện Khánh Sơn, từ năm 2016 địa phương này đã xây dựng, triển khai chương trình phát triển du lịch huyện giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sau hơn 6 năm triển khai, chương trình đã mang lại hiệu quả bước đầu. Hình ảnh thiên nhiên, con người, một số điểm du lịch ở Khánh Sơn đã được du khách biết đến. Đặc biệt, Lễ hội trái cây Khánh Sơn đã trở thành sự kiện được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh quan tâm. Để có sự phát triển du lịch một cách căn cơ, huyện đã xây dựng đề án phát triển du lịch đến năm 2030. Huyện Khánh Sơn đang hướng đến mục tiêu trở thành điểm du lịch mới, hấp dẫn, đặc biệt là du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, hướng đến mục tiêu đưa Khánh Sơn trở thành tiểu đô thị sinh thái núi rừng theo định hướng Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Sở Du lịch tỉnh, việc quy hoạch huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh hướng đến khai thác du lịch sinh thái núi rừng kết hợp với du lịch nông nghiệp và văn hóa là hướng đi rất nhiều triển vọng, phù hợp với đề án phát triển sản phẩm du lịch tỉnh. Hiện nay, Sở Du lịch đang khảo sát để hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng; kêu gọi đầu tư du lịch ở các địa phương. Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển du lịch, 2 huyện cần chủ động kêu gọi đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch cho địa phương, phải có quy hoạch, dự án cụ thể để mời gọi các nhà đầu tư.
Xuân Thanh
Bình luận