Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 19:01
Thứ năm, 23/03/2023 14:03
TMO - Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn Thủ đô, thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển hệ thống cây xanh phù hợp với định hướng quy hoạch đô thị... hướng đến việc xây dựng không gian xanh, bền vững.
Theo kế hoạch của UBND thành phố, trong giai đoạn 2021-2025 thành phố Hà Nội sẽ trồng mới 500.000 cây xanh đô thị, cụ thể từ năm 2021 thành phố đã trồng 52.579 cây xanh, năm 2022 trồng 49.179 cây xanh, năm 2023 trồng 133.629 cây xanh, cây lấy gỗ trên các tuyến đường đô thị, trồng mới và bổ sung từ 20-30ha rừng, năm 2024 trồng 145.853 cây xanh và năm 2025 trồng 118.760 cây xanh. Nếu hoàn thành kế hoạch này, tỷ lệ cây xanh ở Hà Nội sẽ tăng thành 8-10m2/người, tỷ lệ che phủ rừng đạt 6,2%.
Trong giai đoạn 2021-2025 thành phố Hà Nội sẽ trồng mới 500.000 cây xanh đô thị, mục tiêu trong năm 2023 sẽ có 133.629 cây xanh, cây lấy gỗ trên các tuyến đường đô thị.
Thống kê của Sở Xây dựng, thành phố hiện có khoảng 1,7 triệu cây xanh đô thị, chủ yếu là xà cừ, sấu, phượng, muồng, bằng lăng, giáng hương, bàng, chiêu liêu...Theo đánh giá của các chuyên gia, không gian xanh đóng góp một cách tích cực để tạo ra giá trị vật chất, tinh thần và môi trường sống không những cho mỗi cá nhân mà còn cho cộng đồng dân cư trong đô thị. Trong đó, cây xanh, mặt nước tại đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,3-3,9 độ C khi diện tích đất cây xanh đạt 20-50% diện tích đất đô thị.
Hiệu quả tổng hợp của bóng mát và bay hơi có thể làm giảm 17-57% năng lượng cần thiết cho hệ thống điều hòa không khí khi tăng 25% diện tích che phủ thảm thực vật. Cây xanh đô thị có thể hấp thụ từ 40-50% cường độ bức xạ mặt trời. Đặc biệt, cây xanh hai bên đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng từ 30-60%. Trung bình 1 ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1.000 kg CO2 và thải ra 730 kg O2 mỗi ngày. Như vậy, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m2 cây xanh hoặc 25m2 thảm cỏ để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống.
Đối với các dự án chung cư, hệ thống cây xanh giúp giảm tới 20-25% chi phí sử dụng năng lượng hằng năm cho một gia đình sống ở căn hộ chung cư qua việc điều hòa không khí; chắn gió, giảm tiếng ồn và tăng chất lượng không khí; giảm tải cho hệ thống thoát nước mưa đô thị, các thảm cây xanh làm tăng chất lượng nước các thủy vực do hấp thụ chất ô nhiễm từ nước chảy tràn bề mặt, làm giảm lượng nước tập trung vào nguồn nước mặt và tăng trữ lượng nước ngầm. Ngoài ra, cây xanh có vai trò quan trọng trong kiến trúc và trang trí cảnh quan chung cư đô thị. Những tính chất của cây xanh như: hình dạng (tán lá, thân cây), màu sắc (lá, hoa, thân cây, trạng mùa của lá…) là những yếu tố trang trí làm tăng giá trị thẩm mỹ của công trình kiến trúc chung cư cũng như cảnh quan chung của khu đô thị.
Tuy nhiên, tỷ lệ cây xanh đô thị của Hà Nội mới đạt khoảng 2m2/người, còn khá thấp so yêu cầu trong khi theo quy chuẩn với các đô thị loại 1, tối thiểu 6-7m2/người. Vì vậy với kế hoạch trồng cây trong năm 2023, thành phố sẽ trồng bổ sung, thay thế cây bóng mát vào những vị trí cây chết, hố trống, cây cong, sâu, nguy hiểm, già cỗi, kém phát triển, cây không thuộc danh mục cây đô thị trên một số tuyến phố và trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện. Bên cạnh đó, thành phố cũng đầu tư cải tạo xây dựng các vườn hoa, sân chơi, công viên. Trồng cây mảng, khóm tạo cảnh quan tại các tuyến phố trên địa bàn các quận, trồng cây tạo dải xanh, cải tạo môi trường tại các trục quốc lộ, tỉnh lộ, vùng ảnh hưởng bán kính 500m khu xử lý rác thải Xuân Sơn.
Đồng thời, triển khai trồng cây xanh thuộc phạm vi các dự án xây dựng do thành phố đầu tư và 13 dự án đầu tư xây dựng, đường giao thông thuộc Đề án Đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với năm huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng. Cùng với đó trồng cây xanh thuộc dự án đầu tư công viên gồm Công viên khu đô thị Tây Nam Hà Nội, Công viên Chu Văn An (giai đoạn 2). Theo Kế hoạch, các cây xanh được lựa chọn thống nhất chủng loại cây xanh đô thị, với cây xanh đường phố gồm: cây lớn, trồng để tạo bóng mát và tạo cảnh quan; Cây bụi, bồn cỏ trang trí trên mặt đất; Cây leo, giỏ cây trang trí trên đường phố, dưới gầm cầu.
Thành phố phát triển hệ thống cây xanh gắn chặt với hệ thống hạ tầng đô thị.
Thành phố xác định và lựa chọn chủng loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để xác định danh mục các loài cây trồng cho từng khu vực trong đô thị nhằm đa dạng chủng loại, mầu sắc và hoàn thiện hệ thống cây xanh nhiều tầng tán. Đối với các dự án hạ tầng giao thông, cây bóng mát như: Ban Tây Bắc, bàng lá nhỏ, bằng lăng, chiêu liêu, cọ dầu, muồng vàng, sao đen, long não, phượng tím, sấu, sang, giáng hương. Đối với trụ sở, cơ quan, cây bóng mát: Long não, muồng hoàng yến, lộc vừng, thàn mát, bàng lá nhỏ, sấu, lát hoa, bằng lăng, điệp vàng, ngọc lan…Ngoài cây bóng mát theo danh mục cây đô thị, cây trang trí như dâm bụt, tường vi, hoa giấy, cây ngâu, cọ cảnh, ngũ da bì…được trồng ở dự án công viên, vườn hoa, sân chơi.
Cùng với việc triển khai trồng cây đồng bộ, hình thành các tuyến đường đặc trưng về cảnh quan, không gian xanh và từng bước nâng cao chất lượng cảnh quan và môi trường cho đô thị thành phố, gắn thiết kế cây xanh đô thị với công tác thiết kế đô thị. Hệ thống cây xanh gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội và không gian công trình ngầm đô thị, thành phố cũng xây dựng phương án cải tạo hệ thống cây xanh hiện hữu.
Cải tạo, trồng cây thay thế đối với những cây bị sâu bệnh, cong, nghiêng, xâu, nguy hiểm; cây còi cọc, chậm phát triển; cây không đúng chủng loại cây đô thị ảnh hưởng mỹ quan trên các tuyến đường nhằm tạo sự đồng bộ cho cảnh quan khu vực. Lựa chọn một số loại cây có hoa đẹp trồng bổ sung để tạo cảnh quan, không gian xanh một cách tự nhiên trên các dải phân cách và hè phố. Việc trồng bổ sung, thay thế cây xanh phải tuân thủ các nguyên tắc, phù hợp điều kiện khí hậu thổ nhưỡng; phù hợp với điều kiện đô thị.
Minh Tuấn
Bình luận