Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Chủ nhật, 25/09/2022 04:09
TMO - Thời gian qua, để xây dựng và hoàn thiện hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch triển khai; Lựa chọn và phát triển công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, trong đó nỗ lực hệ thống hoá thông tin đất đai quốc gia NLIS, cũng như tích hợp hệ thống thông tin địa lý GIS/LIS.
Thông tin về về hiện trạng, cũng như định hướng phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (NSDI) tại Việt Nam, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý cho biết: Đến nay, dữ liệu phục vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia hiện có bộ dữ liệu khung về hệ thống các điểm gốc đo đạc quốc gia, các mạng lưới đo đạc quốc gia, nền địa lý quốc gia, các loại bản đồ địa hình, biên giới, hành chính quốc gia, ảnh hàng không, dữ liệu ảnh viễn thám, dữ liệu địa danh được xây dựng đầy đủ theo tiêu chuẩn dữ liệu thống nhất.
Bên cạnh đó, bộ dữ liệu chuyên ngành rất lớn về tất cả các lĩnh vực đất đai, nước, biển, rừng, công trình ngầm, thiên tai, hành chính kinh tế, quy hoạch đô thị, nông thôn… thuộc phạm vi trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương cũng đã hình thành.
Cụ thể, mạng lưới Trạm định vị vệ tinh quốc gia gồm 65 trạm. Trong đó, 24 Trạm tham chiếu cơ sở hoạt động liên tục được thiết kế mốc bê tông khoan sâu đến tầng ổn định (độ sâu trung bình từ 30m - 60m) phân hố đều trên phạm vi cả nước với khoảng cách từ 150km - 200km/Trạm được sử dụng làm khung tham chiếu cho hệ tọa độ quốc gia.
Đối với hiện trạng nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 được xây dựng trong giai đoạn từ 2005 - 2012 tại khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu vực kinh tế phát triển và khu vực 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long…
Cả nước hiện có 65 trạm định vị vệ tinh quốc gia
Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đã và đang tập trung vào việc xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa Trung ương với địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực.
Về dữ liệu khung Cục cũng sẽ triển khai xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia phủ trùm phần đất liền, đảo, quần đảo xây dựng cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình đáy biển trên vùng biển Việt Nam; xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu địa danh phục vụ công tác thành lập bản đồ; thành lập bản đồ không gian 3 chiều các thành phố trọng điền đáp ứng yêu cầu quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng và quốc phòng, an ninh…
Tuy nhiên, phần lớn dữ liệu không gian địa lý chưa được cập nhật kịp thời, do đó chưa phù hợp với thực tế hiện nay và thiếu đồng bộ của các dữ liệu có liên quan. Việc tích hợp giữa các loại dữ liệu còn xảy ra mâu thuẫn, chưa thống nhất; còn tình trạng dữ liệu chưa được cung cấp, chia sẻ để sử dụng chung mà do các cơ quan, tổ chức lưu giữ riêng, gây lãng phí và chồng chéo trong xây dựng dữ liệu địa lý.
Nhằm tiếp tục hoàn thiện hạ tầng trên, Cục sẽ đổi mới việc quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu không gian địa lý, tuyên truyền về giá trị của thông tin, dữ liệu không gian địa lý hỗ trợ cho việc ra quyết định và phát triển kinh tế - xã hội, đa dạng hóa các dịch vụ cung cấp thông tin, dữ liệu không gian địa lý bao gồm việc xây dựng và cung cấp dữ liệu mở.
Bên cạnh đó, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ đối với người dùng trong việc chia sẻ, khai thác sử dụng dữ liệu không gian địa lý dễ dàng hiệu quả. Xây dựng mô hình quản lý, cơ chế tích hợp, chia sẻ lợi ích để sử dụng chung thông tin, dữ liệu không gian địa lý hiệu quả giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương và các nhà đầu tư.
Ngoài ra, thiết lập hợp tác liên ngành, lĩnh vực, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong xây dựng, duy trì, chia sẻ thông tin, dữ liệu không gian địa lý nâng cao hiệu quả sử dụng chung thông tin, dữ liệu không gian địa lý phù hợp với cơ chế thị trường.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Thế giới sẽ thực hiện các thủ tục, cũng như làm đề xuất với Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các Bộ, ngành liên quan về việc thí điểm mô hình tích hợp cơ sở giữ liệu địa chính với NSDI (hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hạ tầng thông tin dữ liệu địa lý quốc gia được xếp vào danh mục những tài nguyên số quan trọng của quốc gia, các thành phần xã hội cũng như của nền kinh tế. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các cấp, các ngành và địa phương đang tiến hành xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, đều liên quan đến cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý hay bản đồ nền địa hình.
Huy An
Bình luận