Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 08:11
Thứ bảy, 06/05/2023 06:05
TMO - Tỉnh Bến Tre khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển ngành tôm trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế; khoa học công nghệ là nền tảng của quá trình phát triển và là khâu đột phá để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị ngành tôm của tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, tính đến năm 2022, tỉnh khai thác được diện tích nuôi thủy sản khoảng 47.590 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ chiếm khoảng 36.300 ha. Trong những năm trở lại đây, việc đầu tư cho nghề nuôi tôm nước lợ của người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt nhất là mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao mang lại hiệu quả cao.
Đây là hình thức nuôi mới, kiểm soát tốt dịch bệnh; năng suất, chất lượng tăng lên đáng kể, năng suất bình quân đạt khoảng 12 tấn/ha đất (một năm nuôi được 3 vụ, sản lượng đạt khoảng 36 tấn/ha đất, cao gấp hơn 4 lần so với nuôi tôm thâm canh trước đây). Lợi nhuận trung bình từ 700-800 triệu/ha/vụ nuôi, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.
Ưu điểm của loại hình nuôi mới khép kín, cách ly được môi trường dịch bệnh giai đoạn đầu, nuôi mật độ cao, kiểm soát chặt chẽ chi phí nuôi và nâng cao tỷ lệ sống, nuôi tôm lên cỡ lớn, tạo điều kiện tăng năng suất sản lượng trên một đơn vị diện tích. Riêng đối với hạ tầng để phát triển cho nuôi tôm triển ứng dụng công nghệ cao, hầu hết được sử dụng từ các công trình giao thông, thủy lợi, điện đã đầu tư cho vùng nuôi tôm thâm canh tập trung trước đây, hiện nay chưa có dự án thủy lợi phục vụ cho nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao nên với diện tích nuôi như hiện nay thì mới chỉ cơ ản đáp ứng được yêu cầu.
Trong năm 2023, tỉnh Bến Tre tiếp tục phát triển ít nhất 500 ha nuôi tôm nước lợ công nghệ cao.
Cùng với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, phối hợp của ngành, địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân, toàn tỉnh đã đầu tư cho mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được hơn 2.560/4.000 ha đạt hiệu quả cao. Mô hình nuôi tôm công nghệ cao được xem là một trong những cách thức nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao, vì đây là mô hình nuôi quản lý tốt dịch bệnh trên tôm, tôm nuôi được nhiều vụ trong năm, đạt trọng lượng như mong muốn, tỷ lệ nuôi thành công cao, góp phần tăng lợi nhuận cho công ty và hộ dân đầu tư mô hình.
Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt nhằm khai thác tiềm năng diện tích để hình thành các vùng sản xuất tôm tập trung, nâng cao giá trị sản xuất và tích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, tỉnh xác định 11 vùng nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn 3 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Tại các vùng nuôi tập trung này, tỉnh sẽ thành lập các hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Thông qua hợp tác xã, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ làm cầu nối để kêu gọi các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến liên kết với các hợp tác xã xây dựng chuỗi giá trị tôm ngày càng hoàn thiện hơn.
Nhằm tạo đột phá trong phát triển nghề nuôi tôm nước lợ, đặc biệt là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 41.500 ha; trong đó, nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao đạt 4.000 ha, sản lượng 114.000 tấn/năm. Đây là nguồn nguyên liệu đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng để phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Thùy Minh
Bình luận