Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 20:01
Thứ bảy, 05/08/2023 12:08
TMO - Từ nay đến năm 2025, Bắc Kạn sẽ được đầu tư triển khai thực hiện 8 dự án thủy lợi lớn từ ngân sách Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Theo thống kê của ngành chức năng Bắc Kạn, toàn tỉnh hiện có có 2.410 công trình thủy lợi, trong đó có 35 hồ chứa nước, 41 trạm bơm, còn lại là các công trình đập dâng, kênh dẫn nước tưới cho khoảng hơn 20.000ha/năm. Tổng chiều dài kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa gần 1.600km, chiếm 68% tổng chiều dài toàn bộ hệ thống. Phần lớn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh có diện tích tưới nhỏ, chủ yếu từ 5 đến 10ha, chỉ có 64 công trình thủy lợi có diện tích tưới trên 20ha (chiếm 2,6% tổng số công trình trên địa bàn tỉnh).
Đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi trên địa bàn, ngành chức năng tỉnh cho biết nhiều hồ chứa tại các địa phương được xây dựng cách đây hơn 20 năm nên đã xuống cấp, trong đó có hàng chục hồ chứa nước cần phải bố trí sửa chữa ngay. Một số hồ nguy cơ cao xảy ra sự cố khi có mưa lũ như hồ Khuổi Dú, hồ Thôm Mong, hồ Lọ Pheo (huyện Na Rì); hồ Nà Kiến, hồ Thôm Pết (huyện Chợ Đồn); hồ Thôm Sâu, hồ Khuổi Quang, hồ Khuổi Cuộn (huyện Chợ Mới). Có hồ nước xuất hiện hiện tượng rò rỉ qua thân đập đã nhiều năm nhưng vẫn phải duy trì việc tích nước để phục vụ sản xuất. Đáng lưu ý, các hồ chứa này đều ở trên cao, phía bên dưới thường là khu dân cư, hoặc khu sản xuất của người dân, nên rất nguy hiểm khi xảy ra vấn đề như vỡ đập.
Từ nay đến năm 2025, Bắc Kạn sẽ được đầu tư triển khai thực hiện 8 dự án thủy lợi lớn, đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Kạn cho biết, thời gian qua hầu hết các hồ mất an toàn mới chỉ được sửa chữa nhỏ, mang tính tạm thời do thiếu kinh phí. Thời gian qua, từ nguồn vốn dự án WB8 (dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập…), Bắc Kạn đã xây dựng, sửa chữa, nâng cấp năm hồ, gồm: Mạy Đẩy, Khuổi Sung, Khuổi Dâng, Cốc Thông và Khuổi Dày với tổng kinh phí xây dựng là hơn 57 tỷ đồng.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí sửa chữa những công trình cấp bách để đảm bảo an toàn cũng như cung cấp nước cho sản xuất trong bối cảnh nắng nóng, hạn hán diễn biến phức tạp. Hằng năm, để có thể khắc phục, nâng cao chất lượng công trình tưới tiêu, tỉnh Bắc Kạn chỉ có một số nguồn vốn ít ỏi được lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án ngành nông nghiệp để sửa chữa. Từ nay đến năm 2025, Bắc Kạn sẽ được đầu tư để thực hiện 08 dự án thuỷ lợi lớn.
Cụ thể, ngân sách Trung ương do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý sẽ đầu tư 03 hồ thủy lợi gồm: Khuổi Thiêu, Nà Bang, Khuổi Lình. Tu bổ sửa chữa hồ Bản Chang, Pác Nghiên, Nà Lẹng, Nà Kiến và đập Nà Quanh, tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Những dự án này có vai trò rất quan trọng đối với lĩnh vực thủy lợi của tỉnh nên đơn vị đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục, phấn đấu đến cuối năm nay sẽ tổ chức đấu thầu và khởi công. Khi hoàn thành, những công trình thủy lợi này sẽ giúp nhiều vùng đất khô cằn có nước tưới, nhiều hồ hư hỏng nặng sẽ được sửa chữa.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Bắc Kạn, hiện có khoảng 258 công trình, gồm: 11 hồ chứa, 247 đập dâng, kênh, mương cần sửa chữa với kinh phí hơn 206 tỷ đồng. Để bảo đảm cung cấp nước, tỉnh cũng cần xây mới khoảng 12 hồ chứa, 211 đập dâng và 480km kênh, mương dẫn nước với tổng kinh phí khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn đề xuất, kiến nghị tỉnh đẩy mạnh huy động nguồn vốn từ Trung ương, của tỉnh, lồng ghép các chương trình, dự án, xã hội hóa khai thác, quản lý công trình thủy lợi với mục tiêu huy động vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp, tư nhân.
Việc nâng cấp phát triển mạng lưới thủy lợi được tỉnh Bắc Kạn đặc biệt chú trọng. Ảnh: BKO.
Dự thảo Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển mạng lưới thủy lợi: Phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại, linh hoạt, bảo đảm cấp, thoát nước cho dân sinh, các ngành kinh tế, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh nguồn nước, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh.
Chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, ứng phó với trường hợp bất lợi nhất, nâng cao mức bảo đảm tiêu thoát nước, phòng chống lũ, ngập lụt, hạn hán, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai. Trong đó, đối với nhiệm vụ cấp nước, hệ thống thủy lợi sẽ bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế - xã hội; cấp và tạo nguồn cho khu đô thị, công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao từ hệ thống công trình thủy lợi; chú trọng bảo vệ môi trường và bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh, phục vụ phát triển bền vững.
Cấp nước chủ động cho diện tích đất trồng lúa 2 vụ với mức đảm bảo tưới 85%, trong đó đến năm 2030 có 30%, năm 2050 có 60% diện tích trồng lúa thực hiện phươngthức canh tác tiên tiến. Đến năm 2030, diện tích cây trồng cạn được tưới đạt 70%, trong đó tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 30%; đến năm 2050 đạt 100%, trong đó tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 60%.
Chủ động tiêu, thoát nước ra sông chính, tăng diện tích tiêu bằng động lực, đảm bảo tiêu thoát ở vùng đồng bằng, vùng thấp trũng phục vụ dân sinh, nông nghiệp với tần suất từ 5% đến 10%; đáp ứng yêu cầu tiêu, thoát cho khu đô thị tiêu vào hệ thống công trình thủy lợi. Chủ động phòng, chống lũ, ngập lụt, úng cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu dân cư nông thôn và các hoạt động sản xuất khác.
Bảo vệ, kiểm soát và ngăn chặn ô nhiễm nước trong hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi đạt tiêu chuẩn cấp cho các hoạt động sử dụng nước. Chủ động ứng phó có hiệu quả với các tác động bất lợi của hạn hán, thiếu nước, lũ, ngập lụt, úng, xói lở bờ sông... kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và giải pháp phi công trình. Bảo đảm an toàn trước các tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước gây ra cho các đô thị, khu dân cư, hoạt động sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Ngọc Tú
Bình luận